Cổ phiếu: “2 cửa thắng, 1 cửa thua” ?
Ngay trong ngày đầu năm, chị Hồng Ngọc (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) đi mở tài khoản chứng khoán để “tập tành đầu tư cổ phiếu”, vì thấy nhiều bạn bè, người quen trong năm vừa qua lời lớn từ kênh này. Quan trọng hơn là mới đây, khi đáo hạn sổ tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng nếu gửi lại chị chỉ nhận mức 5,8%/năm trong khi lãi suất (LS) trước đó gần 7%. Vì vậy chị Ngọc quyết định rút bớt một nửa để chuyển sang đầu tư chứng khoán. Chị là một trong số ít người đã tính đến việc tham gia vào thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm mới sau khi kênh này đã tăng đến gần 15% trong năm vừa qua. Nhiều nhà đầu tư (NĐT) gặt hái lợi nhuận lên đến 50 - 60%.
Chứng khoán không dễ ăn như năm quaChứng khoán có nhiều cơ hội nhưng cũng không dễ tăng như năm vừa qua bởi sau một chu kỳ đi lên thì trong ngắn hạn thị trường sẽ có sự điều chỉnh. Đồng thời khi kinh tế dần phục hồi thì Chính phủ sẽ có nhiều chính sách để tập trung hướng dòng tiền vào hoạt động sản xuất nhiều hơn và cổ phiếu không còn cơ hội sinh lời cao như ở mức đáy đi lên trong năm vừa qua.
Ông Phan Dũng Khánh
|
Theo ông Phan Dũng Khánh, giảng viên tài chính Trường Doanh nhân Bizlight, chứng khoán có nhiều lĩnh vực, nhiều cổ phiếu khác nhau nên mang lại nhiều lựa chọn cho NĐT. Một số lĩnh vực sẽ có được lợi thế phát triển trong năm nay như công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, ngành năng lượng, dầu khí... Các ngành dịch vụ như du lịch, vận tải sẽ phục hồi từ mức đáy khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, vắc xin đang được triển khai mạnh ở nhiều nước và sắp tới cũng có tại Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, nhận định chứng khoán có đến “2 cửa thắng và 1 cửa thua”. Cụ thể nếu Việt Nam nói riêng và nhiều nước kiểm soát tốt dịch Covid-19 thì kinh tế hồi phục, từ đó TTCK cũng sẽ đi lên. Nếu trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các nước vẫn phải tiếp tục chi tiền để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong giai đoạn khó khăn thì tương tự như năm vừa qua, cổ phiếu cũng hưởng lợi và gia tăng.
Theo ông Hải, “cửa thua” duy nhất đối với TTCK là nếu dịch Covid-19 diễn tiến nghiêm trọng hơn, lây lan mạnh hơn nữa sẽ khiến các NĐT lo sợ, từ đó trú ẩn vào kênh an toàn như vàng thì cổ phiếu sẽ lao dốc. Nhưng “cửa thua” này tại Việt Nam không có xác suất cao. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, nhiều nghị định, thông tư mới hướng dẫn về luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư chứng khoán mới ban hành, sửa đổi với nhiều quy định chi tiết, thông thoáng cho cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giao dịch cổ phiếu trên thị trường... sẽ tạo thêm niềm tin cho NĐT vào TTCK. Ngoài ra, tỷ giá ngoại tệ tại Việt Nam rất ổn định thời gian qua và Việt Nam vẫn xuất siêu cũng là một động lực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp gia tăng trên TTCK.
|
Bất động sản khó lướt sóng
Luôn dẫn đầu trong các kênh đầu tư nhiều năm nay do tốc độ tăng trưởng cao, nhưng năm 2021 này, bất động sản (BĐS) sẽ khó lướt sóng hơn các năm trước.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, thị trường BĐS năm 2021 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nối tiếp đà phục hồi từ tháng 8.2020. Một điều khá quan trọng, tác động mạnh đến thị trường BĐS là thể chế pháp luật đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Cụ thể mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 148 sửa đổi một số điều của Nghị định thi hành luật Đất đai, tháo gỡ được rất nhiều điểm nghẽn của thị trường. Trong năm 2021, BĐS công nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi đầu tiên từ làn sóng chuyển dịch nhà xưởng ở các nước qua Việt Nam. Tiếp đó là các dự án đã hoàn thành các thủ tục pháp lý trong năm 2020.
Cũng theo ông Châu, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ đề án phát triển nhà ở giá rẻ nên các dự án BĐS vừa túi tiền sẽ được phát triển mạnh mẽ và đó vẫn tiếp tục là phân khúc chủ đạo vì nó đáp ứng được nhu cầu thực của người dân.
Trong khi đó, Th.S Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), phân tích: Có 3 vấn đề nhìn thấy là khả năng giao dịch sản phẩm bị phân hóa rất mạnh, nhất là các phân khúc bình dân sẽ được đầu tư nhiều hơn thay vì đầu tư vào BĐS cao cấp như thời gian qua. Những NĐT có tiền nhàn rỗi trong năm 2021 sẽ thận trọng hơn, họ sẽ chấp nhận đi xa để gom quỹ đất lớn trong dân, chờ đợi 2 - 3 năm, thậm chí 5 năm để đổi lấy có sự tăng trưởng cao về lợi nhuận, trong khi vay tiền để đầu tư lướt sóng kiếm lời hay vay tiền để mua BĐS cho thuê sẽ vô cùng khó khăn trong năm 2021.
“Năm 2021, các NĐT cần lý trí hóa lại các kênh đầu tư và không thể vay tiền, không thể đầu tư theo kiểu lướt sóng, sang tay kiếm lời. Cần kiểm soát các rủi ro về dòng tiền, đặc biệt là các NĐT đã ôm sản phẩm trước đây với giá quá cao, nay bán sẽ lỗ”, Th.S Nghĩa cảnh báo.
Đồng quan điểm trên, TS Trần Nguyên Đán, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng hiện nay các khu vực giá BĐS đã quá cao, hạ tầng đã ổn định, sẽ không có cách nào để tăng nữa. Ngược lại, những khu vùng ven, thị trường mới nổi, giá thấp sẽ bị nhòm ngó vì “vừa tầm” với số đông NĐT. TS Đán cũng cảnh báo thị trường BĐS suốt thời gian dài vừa qua giúp các NĐT kiếm tiền nhanh là phân khúc cao cấp. Đây là một bất cập của thị trường, vì nó không đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân, từ đó thị trường sẽ phát triển không bền vững.
Vàng, tiết kiệm là thứ yếu
Theo Ngân hàng Nhà nước, LS tiền đồng bình quân trên thị trường liên ngân hàng sau tết đã giảm từ 0,2 - 1,4%/năm. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm còn 2,11%/năm, 1 tuần còn 2,27%/năm, 2 tuần còn 2,08%/năm, 3 tháng còn 2,93%/năm.
Giá vàng giảmNgày 20.2 (tức mùng 9 Tết Nguyên đán), giá vàng miếng SJC giảm 100.000 đồng/lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 55,65 triệu đồng/lượng và bán ra 56,3 triệu đồng/lượng. Vàng nữ trang 4 số 9, vàng nhẫn cũng giảm 100.000 đồng/lượng trong ngày 20.2, mua vào còn 54,3 triệu đồng/lượng và bán ra 54,9 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng trước ngày Thần Tài (mùng 10 Tết Nguyên đán) năm nay chậm hơn so với năm ngoái. Thế nhưng, giá vàng SJC vẫn đang cao hơn thế giới 6,6 triệu đồng/lượng và vàng nữ trang cao hơn 5,3 triệu đồng/lượng. Kim loại quý trên thị trường thế giới tăng 13 USD/ounce, lên 1.784 USD/ounce.
T.Xuân
|
Theo ông Trần Thanh Hải, năm nay Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng cũng sẽ duy trì các chính sách tiền tệ tương đương như năm 2020 để giữ ổn định vĩ mô. Mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng vẫn ở mức trung bình từ 12 - 14%. Đồng thời Chính phủ vẫn áp dụng các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế, nên LS vẫn duy trì ở mức thấp. Do vậy tiết kiệm chỉ là kênh lựa chọn cuối cùng khi người dân có tiền nhàn rỗi.
Còn với vàng thì vị chuyên gia này cho rằng sẽ là “5 ăn 5 thua” trong năm nay. Nếu các nước chống dịch Covid-19 không thành công và Chính phủ phải tiếp tục cung tiền để hỗ trợ nền kinh tế. Khi đó bóng ma lạm phát sẽ xuất hiện và NĐT có tâm lý rót tiền vào kênh trú ẩn an toàn như từ trước đến nay là vàng. Nhưng ngược lại, khi các nước kiểm soát tốt dịch bệnh, vắc xin được phát triển rộng rãi và cung ứng đủ cho người dân thì tiền sẽ chảy vào các kênh đầu tư khác cũng như chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó kim loại quý sẽ đi xuống và người mua vàng sẽ bị lỗ. Đó là chưa kể giá vàng tại Việt Nam luôn chênh lệch xa với thế giới, nên rủi ro cho người mua càng gia tăng.
Bình luận (0)