Có tiền nhàn rỗi, bỏ vào đâu?

10/03/2020 04:23 GMT+7

Đây là câu hỏi không ít người đặt ra lúc này bởi “cục diện” các kênh đầu tư 2 tháng đầu năm nay đã thay đổi rất nhiều so với những tính toán khi chốt sổ năm tài khóa 2019 do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 .

Các kênh đầu tư cơ bản như vàng, bất động sản, chứng khoán... đang ở trong giai đoạn vô cùng “nhạy cảm”. Ví dụ như vàng, chỉ hơn 1 tháng sau tết, giá kim loại quý luôn trong tình trạng lên cao vút, xuống mất hút.
Hôm qua là một ví dụ, mở cửa phiên giao dịch buổi sáng, vàng tăng thẳng đứng tới cả triệu đồng/lượng nhưng vài tiếng sau đó lại sụt tương ứng. Cộng với việc tháo doãng khoảng cách giá mua - giá bán của các đơn vị kinh doanh vàng, người mua sáng, chiều đã lỗ nặng.
Tương tự với bất động sản, dịch Covid-19 đẩy hàng loạt doanh nghiệp đối diện với khó khăn, phải trả mặt bằng thuê, thu hẹp sản xuất, bất động sản, du lịch đứng hình... khiến thanh khoản sụt giảm. Nhiều cá nhân và tổ chức gặp khó khăn về nguồn vốn muốn thanh lý bớt tài sản... nên giá thuê, mua trên thị trường cũng giảm đáng kể.
Chứng khoán hôm qua đã có phiên lao dốc mạnh nhất trong gần 2 thập kỉ trở lại đây với vốn hóa thị trường bốc hơi tới 10,5 tỉ USD. Nhưng đây không phải lần đầu tiên, chỉ trong vòng 1 tháng qua, chứng khoán đã khiến nhà đầu tư bị "ép tim" liên tục với những phiên giảm điểm không đáy.
Có thể thấy, các kênh đầu tư mang màu xám và thực tế, khó khăn của kinh tế Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung là chưa thể đong đếm hết được khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Thường trong bối cảnh này, nhà đầu tư đều có tâm lý thủ thế, chờ những tín hiệu rõ ràng hơn rồi mới chọn kênh đầu tư để giảm thiểu rủi ro.
Tất nhiên, cơ hội vẫn luôn có. Nhà đầu tư thiên tài Warren Buffet có một câu bất hủ “khi người ta sợ hãi, thì mình phải tham lam”. Bỏ tiền khi thanh khoản kém, giá giảm thì cơ hội “làm bàn” lớn, nhưng đó là với nhà đầu tư trường vốn, xác định đường dài.
Còn trong ngắn hạn, thì rủi ro vẫn rất lớn. Như vừa nói trên, dịch Covid-19, nguyên nhân của bức tranh kinh tế toàn cầu xám xịt hiện nay chưa biết bao giờ mới qua đi nên nguy cơ chứng khoán, vàng, bất động sản tiếp tục giảm sâu là có thể.
Thế nên nửa tháng trở về đây, các câu hỏi như “lãi suất ngân hàng nào cao nhất”, “có tiền gửi đâu lời nhất”... cho thấy gửi tiết kiệm đang là lựa chọn của nhiều người. Thực tế, đây là một lựa chọn đáng để quan tâm bởi dù dư nợ cho vay đã giảm nhưng lãi suất huy động ở nhiều ngân hàng vẫn đứng ở mức cao, kỳ hạn 6 tháng cũng 7,5 - 7,6%, 1 năm thì trên 8%.
Quan trọng hơn gửi tiết kiệm linh động về nguồn vốn, chỉ cần cân nhắc kỹ kế hoạch sử dụng tiền để chọn kỳ hạn gửi thì vừa an toàn, vừa có lời mà khi cần, có thể sử dụng ngay lập tức. Đó là lý do gửi tiết kiệm vẫn luôn là nơi trú ẩn được nhiều người chọn khi kinh tế khó khăn.
Rủi ro tỷ lệ thuận với lợi nhuận, bỏ tiền nhàn rỗi vào đâu tất nhiên vẫn phụ thuộc vào mục tiêu riêng của mỗi người nhưng dù ngắn hạn hay dài hạn thì trước khi xuống tiền, nhà đầu tư vẫn phải điều nghiên thật kỹ mọi yếu tố để tránh mất tiền không chỉ vì giá lên hay xuống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.