Sáng nay, 14.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 24, cho ý về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.
Tình trạng "giấy phép con, cháu" còn nhiều
Nội dung Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018, do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trình bày tại phiên họp cho thấy, các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của đầu tư nước ngoài, xuất khẩu từ đầu tư nước ngoài vẫn chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu…
Bên cạnh đó, ngân sách T.Ư hụt thu, không thực hiện được vai trò chủ đạo; tăng thu chủ yếu là tăng thu ngân sách địa phương. Thu từ nội tại nền kinh tế chưa bền vững, thu từ cả 3 khối doanh nghiệp đều thấp so với dự toán và số đã báo cáo Quốc hội.
Môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rào cản, tình trạng “giấy phép con, cháu” còn khá nhiều; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng, số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả còn thấp.
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự. Từ đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo đậm nét hơn về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng, lãng phí và tính toán tỷ lệ thất thoát, lãng phí tài sản công so với GDP để cảnh báo đầy đủ về thực trạng này.
“Có ý kiến cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa nêu một cách toàn diện nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, nhất là trách nhiệm người đứng đầu và cơ quan chịu trách nhiệm”, ông Thanh nhấn mạnh.
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu
Cũng theo nhận định của Ủy ban Kinh tế, kinh tế quý 1 năm 2018 với sự bứt phá về GDP tăng 7,38% đem lại kỳ vọng lớn nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong 3 quý còn lại của năm, nếu tăng trưởng vẫn định hình như các năm trước, quý sau cao hơn quý trước. Áp lực lạm phát năm 2018 còn tiềm ẩn.
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài giảm so với cùng kỳ năm 2017. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đạt thấp (4 tháng đầu năm đạt 16,4% dự toán); một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia chậm tiến độ, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng các quý tiếp theo.
Việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thu ngân sách nhà nước không còn nhiều dư địa tăng; huy động vốn vay cho cân đối ngân sách và huy động nguồn vốn từ xã hội còn bất cập, chưa hết tiềm năng.
Theo ông Thanh, một số vụ việc liên quan đến ngành hải quan, thuế mới đây cho thấy cần sớm có giải pháp quyết liệt để loại bỏ các hành vi nhũng nhiễu, các khoản chi phí không chính thức.
Ủy ban Kinh tế cũng nhận định, quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đạt hiệu quả như yêu cầu. “Một số vụ việc gần đây liên quan đến công tác định giá doanh nghiệp trong cổ phần hóa, việc mua cổ phần của doanh nghiệp, quản lý đất công, bán chỉ định đất công không qua đấu giá công khai… thể hiện sự cố tình làm trái quy định pháp luật của một số cán bộ, công chức, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban này dẫn chứng.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tại một số địa phương, nhất là các địa điểm chuẩn bị hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đất đột biến trước những thông tin về cơ chế, chính sách mới đang được Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp, năm 2017, trong tổng số 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao, có 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch; 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, tăng thêm 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số đã báo cáo Quốc hội.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,81%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay nhờ có sự phục hồi và tăng trưởng đồng đều ở tất cả các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.
Kinh tế vĩ mô ổn định, đáng chú ý là lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đạt 3,53%, vượt mục tiêu Quốc hội đã đề ra (dưới 4%).
Môi trường đầu tư, kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện đáng kể, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc, được quốc tế đánh giá cao.
Về tình hình kinh tế - xã hội quý 1, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng GDP ước đạt 7,38%, cao nhất trong các quý 1 của 10 năm trở lại đây.
Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 2,82%, thấp hơn nhiều so với bình quân cùng kỳ (4,96%); lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,34%, thấp hơn so với cùng kỳ (1,66%); tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế đến hết tháng 3.2018 ước đạt trên 308.000 tỉ đồng, bằng khoảng 23,4% dự toán.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện đạt khá, khoảng 331.200 tỉ đồng, bằng 32,2% GDP và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 54,3 tỉ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 14,8%). Cân đối xuất, nhập khẩu là xuất siêu, đạt khoảng 1,3 tỉ USD.
|
Bình luận (0)