‘Có tình trạng chính quyền dựa vào doanh nghiệp, doanh nghiệp dựa vào xã hội đen không?’

15/12/2022 18:12 GMT+7

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị làm rõ có hay không tình trạng chính quyền dựa vào doanh nghiệp , còn doanh nghiệp lại dựa vào các băng nhóm "xã hội đen", dẫn đến các vụ việc như tại Phú Quốc vừa qua.

Chiều 15.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong các tháng 10 - 11.2022.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ý kiến tại phiên họp

gia hân

Liên quan tới tình trạng dùng băng nhóm "xã hội đen" giải quyết các tranh chấp kinh tế, đất đai, nhất là tại Phú Quốc, Kiên Giang, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, người điều hành phiên làm việc, cho biết, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cảnh báo với UBND tỉnh Kiên Giang về tình trạng này.

“Các vụ việc không chỉ phát sinh từ các băng nhóm với nhau, mà người dân mượn các băng nhóm này cũng có, doanh nghiệp mượn cũng có. Chính quyền thì dựa vào doanh nghiệp, doanh nghiệp thì dựa vào các nhóm này. Có tình trạng đó không?”, ông Phương nêu và đề nghị đại diện Bộ Công an báo cáo về vấn đề này.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho hay, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên cả nước trong năm qua giảm so với trước dịch Covid-19.

Đối với Phú Quốc, ông Tuyến thông tin, “có sự trùng hợp” là tháng 6 vừa qua, Bộ Công an vừa tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm tại đây.

“An ninh trật tự trên tỉnh Kiên Giang nói chung, Phú Quốc nói riêng nổi lên tình trạng tranh chấp đất đai. Nguồn gốc đất ở Phú Quốc phức tạp, rất khó xác định giữa các hộ dân, giữa công ty, nông, lâm trường", ông Tuyến nói.

Vẫn theo Thứ trưởng Bộ Công an, thời gian qua, sau dịch Covid-19, du lịch và các hoạt động kinh tế - xã hội của Phú Quốc hoạt động trở lại, diễn biến tình hình tội phạm có phức tạp.

Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Kiên Giang xác định 31 nhóm thường xuyên có hoạt động theo kiểu ổ nhóm, băng nhóm "xã hội đen".

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến báo cáo tại phiên họp

gia hân

Riêng đối với vụ việc dùng băng nhóm "xã hội đen" giải quyết tranh chấp đất đai dẫn đến nhiều người thương vong tại xã Cửa Dương (H.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) hồi cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Kiên Giang tập trung điều tra khởi tố vụ án, tập trung xác định rõ các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, đang củng cố hồ sơ để xử lý.

Nhấn mạnh việc Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, ông Tuyến cho biết, tại Phú Quốc, sau khi xử lý vụ việc nói trên thì “không có vấn đề gì diễn biến phức tạp”.

"Các băng ổ nhóm được công an cơ sở rà soát, đưa vào đối tượng quản lý và chủ động biện pháp phòng ngừa để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Trước đó, báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình dẫn vụ việc dùng băng nhóm “xã hội đen” để giải quyết tranh chấp đất tại xã Cửa Dương hồi cuối tháng 10, phản ánh thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

Nguyên nhân của tình trạng trên theo ông Dương Thanh Bình “phần lớn do công tác quản lý đất đai của chính quyền cấp cơ sở bị buông lỏng trong thời gian dài”.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; người dân lợi dụng sự buông lỏng quản lý, lợi dụng kẽ hở của pháp luật tự ý bao chiếm đất công, đất rừng…

Theo Trưởng ban Dân nguyện, thời gian qua, lực lượng công an địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng băng nhóm “xã hội đen” để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp.

Tuy nhiên, do lực lượng còn mỏng, việc thực hiện giao đất, giao rừng còn chậm trễ, có trường hợp còn sai phạm dẫn đến khó khăn trong công tác giải quyết tranh chấp, xử lý triệt để đối với trường hợp vi phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.