Chia sẻ với PV Thanh Niên, thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh An (ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, Cần Giờ, TP.HCM), kể rằng suốt thời gian qua, người dân cũng như học sinh trên ấp đảo Thiềng Liềng muốn có nước ngọt sử dụng phải phụ thuộc nhiều vào sà lan chở nước ở đất liền đem qua. Nước được bơm lên tháp rồi chuyển đến các nhà dân trong toàn ấp để phục vụ sinh hoạt, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
"Việc vận chuyển nước cũng phụ thuộc vào con nước, nước lớn thì sà lan mới chở đến ấp đảo Thiềng Liềng được. Nhiều hôm phải căn con nước, có thể đi từ 2-3 giờ sáng để mang nước đến cho bà con trên ấp đảo", thầy Bình nói.
Để có nguồn nước uống cho học sinh tại trường sử dụng, mỗi tháng các em sẽ đóng 5.000 đồng, nhà trường mua nước bình đóng chai 20 lít từ đảo Thạnh An mang qua cho học sinh sử dụng.
Cần Giờ là huyện biển duy nhất của TP.HCM với vị trí rất quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển thành phố. Tuy nhiên, việc thường xuyên đối mặt với tình trạng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nước mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền gây nhiều khó khăn, cản trở cho sinh hoạt và kinh tế, trong đó có việc học tập của các em học sinh nơi đây.
Sau nhiều năm làm công tác hỗ trợ người nghèo và học sinh khó khăn, ông Nguyễn Văn Rảnh, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM, cho hay: "Nhiều năm nay, thành phố đã đầu tư rất nhiều cho nước máy sinh hoạt ở các trường học tại Cần Giờ nhưng cũng còn những nơi thiếu nước sinh hoạt như ở ấp Thiềng Liềng. Đường ống nước của công ty cấp nước không thể đến được nên phải chuyển nước bằng sà lan để đến phục vụ sinh hoạt cho người dân. Việc sử dụng nước ngọt tại trường học trên ấp đảo cũng nằm trong tình trạng chung như vậy".
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn và nhu cầu sử dụng nước sạch, sáng 16.5, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM cùng một thương hiệu thời trang Nhật Bản đã trao tặng hệ thống lọc nước cho 11 điểm trường trên địa bàn huyện Cần Giờ, trong đó có Trường tiểu học Thạnh An. Nhờ đó, các trường học sẽ tự chủ nguồn nước sạch, không còn phải mua nước bên ngoài để sử dụng hàng ngày.
"Công nghệ lọc thẩm thấu RO, diệt khuẩn bằng tia UV sẽ cho nước đầu ra đạt chuẩn nước đóng bình đóng chai của Bộ Y tế. Học sinh và các thầy cô có thể uống trực tiếp hoặc hứng vào bình 20 lít mang về nhà để dùng. Công năng của máy lọc đạt 150 lít/giờ, một ngày được 3-4 khối nước nên học sinh và cô giáo xài rất thoải mái", Ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Công ty Đà Thành Lợi, đơn vị lắp đặt máy lọc nước cho biết.
Nhìn các em học sinh háo hức uống nước sạch từ vòi, các thầy cô giáo tại Trường tiểu học Thạnh An không khỏi vui mừng, hạnh phúc.
Học sinh ấp đảo Thạnh Anh vui mừng uống nước sạch tại trường
"Từ khi có hệ thống lọc nước này các em sẽ thuận tiện hơn rất nhiều trong việc uống nước tại nhà trường. Chỉ cần một thao tác nhẹ, các em được uống như ly nước sạch, đảm bảo cho sức khỏe và học tập. Hệ thống này rất tiện lợi, phù hợp học sinh vùng sâu vùng xa như Thiềng Liềng", thầy Lê Hữu Bình nói.
"Trẻ em là chủ nhân của thế hệ tương lai. Thông qua việc cung cấp nước sạch cho học sinh, chúng tôi hy vọng dự án "Hỗ trợ nước sạch" có thể thiết lập một nền tảng vững chắc để thế hệ trẻ Việt Nam có điều kiện phát triển một cách khỏe mạnh và thông minh", ông Nishida Hideki, đại diện nhà tài trợ, nói.
Trước đó, từ năm 2023, dự án "Hỗ trợ nước sạch" đến với người dân Đồng bằng sông Cửu Long tại các điểm trường tiểu học, mầm non ở huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre). Cần Giờ là điểm đến tiếp theo trong giai đoạn 2 của dự án.
"Triển khai được dự án này đến huyện Cần Giờ, đặc biệt ấp Thiềng Liềng, chúng tôi rất vui mừng vì giúp được điều ý nghĩa cho người dân nói chung và các em học sinh nói riêng", ông Nguyễn Văn Rảnh bày tỏ.
Bình luận (0)