Cô, trò vùng cao thấp thỏm 'canh' điện mặt trời để soạn giáo án, học bài

10/03/2022 18:40 GMT+7

18 bản của xã vùng biên Thượng Trạch (H.Bố Trạch, Quảng Bình ) vẫn đang mỏi mòn chờ ngày đường lưới điện quốc gia về đến bản làng. Trong lúc này, cô trò vùng cao phải thấp thỏm 'canh' nguồn điện mặt trời...

Cũng giống với địa bàn chưa có điều kiện kết nối lưới điện quốc gia, người dân ở vùng xã biên giới Thượng Trạch (H.Bố Trạch, Quảng Bình) giờ chỉ ước muốn điều giản dị để thoát nghèo, chính là có điện.

Đến xã Thượng Trạch trong một ngày trời âm u, gió lớn, phải đến giữa trưa vài tia nắng mới len lỏi sưởi ấm bản làng heo hút. Hơn 3 - 4 tháng qua, đồng bào người Ma Coong ở đây chỉ mong chờ có nắng để "lấy" ánh sáng từ các tấm pin năng lượng mặt trời, bởi ở đây mạng lưới điện quốc gia chưa kéo đến.

27 hộ dân tại bản Tuộc cùng 17 bản khác tại xã Thượng Trạch vẫn mòn mỏi chờ ngày đường lưới điện quốc gia về với bản làng

BÁ CƯỜng

Canh chừng đủ điện để soạn giáo án

Một niềm vui nhỏ lóe lên đối với những người khách ghé thăm điểm trường bản Tuộc (xã Thượng Trạch) khi vùng bản xa xôi đã được chính quyền, nhà tài trợ quan tâm xây dựng một điểm trường kiên cố, phòng học khang trang, sạch sẽ. Tuy nhiên, ghé thăm trường thời điểm trời đầy mây, âm u, phòng học tối mịt, các em học sinh phải cúi mặt sát bàn để viết chữ.

Cô Đinh Thị Quyên, 27 tuổi, giáo viên tại trường Mầm non bản Tuộc, cho biết bản chưa có điện, muốn có máy để soạn giáo án hay có điện cho các em học tập phải nhờ pin năng lượng mặt trời, bóng đèn tích điện. Nhưng đó là chuyện của mùa khô, còn đến mùa mưa hầu như hôm nào cũng thiếu điện.

Các em học sinh tại điểm trường bản Tuộc phải học tập trong tình trạng thiếu ánh sáng.

Bá CƯờng

“Mặc dù thiếu điện, nhưng các cô vẫn cố gắng dạy cho các em một ngày 2 buổi. Đến thời điểm đủ điện cho máy phát thì tranh thủ đi sạc máy, soạn giáo án. Chỉ cần quá giờ mà công việc chưa hoàn thành thì lại phải... chờ đến lần có điện tiếp theo. Việc thiếu điện cản trở rất nhiều đến việc giảng dạy”, cô Quyên nói.

Năm ngoái, các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng Cà Ròong đã huy động số vốn gần 700 triệu đồng để đầu tư xây lại đường sá và cùng với các nhà hảo tâm “cõng” lên bản 4 máy phát điện bằng xăng. Điện, đường, trường, trạm nhìn chung đều đủ nhưng với công suất của máy phát điện hay pin năng lượng mặt trời chỉ đủ cung cấp cho bà con sinh hoạt, chưa đủ để phục vụ tăng gia sản xuất.

Anh Nhâm hy vọng một ngày điện sẽ về với gia đình, để sử dụng công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp

Bá CƯờng

Anh Đinh Nhâm (40 tuổi, bản Tuộc) cho biết, năm ngoái đồng bào Ma Coong có một mùa sắn bội thu, kiếm được thu nhập trang trải cuộc sống, nhưng quá trình chăm sóc cây sắn lại rất vất vả.

“Chúng tôi phải gánh nước, bắt đường ống dẫn nước từ khe về hoặc chờ một trận mưa. Điện ở đây chỉ đủ thắp sáng đường đi, nhà cửa nhưng cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Còn dùng để bơm nước tưới cây, cải tạo đất dường như là không thể”, anh Nhâm nói.

UBND xã Thượng Trạch cũng đã gửi văn bản đề nghị chính quyền huyện và UBND tỉnh Quảng Bình nghiên cứu đầu tư lưới điện về xã. UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã phê duyệt số vốn 110 tỉ đồng, giao Sở Công thương làm chủ đầu tư để kéo đường lưới điện từ xã Sơn Trạch (H.Bố Trạch) lên đến trung tâm xã Thượng Trạch, dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 2 năm.

Đường lưới điện Quốc gia sẽ về đến xã Thượng Trạch sau 2-3 năm nữa

Bá Cường

"Thắp" lên hy vọng

Ông Trương Tấn Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch, cho biết hiện nay trên địa bàn xã có 18 bản với 668 hộ dân, trong đó chỉ có 5 bản gần với trung tâm xã, còn lại ở khá xa. Được UBND tỉnh quan tâm, đầu tư kéo đường lưới điện quốc gia về xã đã "thắp" lên niềm hy vọng cho người dân.

“Dự kiến, đường lưới điện sẽ được kéo đến trung tâm xã và 5 bản ở gần trung tâm sẽ có điện dùng trong 2-3 năm tới. Tuy nhiên, địa hình xã khó khăn, các bản nằm sâu trong rừng và cách khá xa nhau, như bản Tuộc, bản 61, bản Troi cách trung tâm hơn 20km. Để phủ điện, đường toàn xã, có lẽ phải mất thêm một thời gian dài”, ông Hưng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.