Cứu sống ngư dân bị bệnh hiểm nghèo trên biển
Trong hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2023, đoàn công tác số 10 (do Bộ Tư lệnh Hải quân và T.Ư Đoàn tổ chức) đã đến thăm đảo Trường Sa (H.Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Chúng tôi đã được chứng kiến việc các y, bác sĩ ở đảo cứu sống ngư dân bị những bệnh hiểm nghèo, khi họ đang lênh đênh trên biển, không thể vào bờ.
Đó là thuyền viên Nguyễn Huệ Tính đang đánh bắt cá ở khu vực đảo Đá Lát (huyện đảo Trường Sa), thì đau bụng dữ dội và nôn, xuất huyết rất nguy kịch. Chủ tàu là ngư dân Đoàn Quang Thành đã đưa thuyền viên Tính đến sơ cứu ở đảo Đá Lát nhưng ở đây không đủ phương tiện cứu chữa, nên bệnh nhân đã được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế TT.Trường Sa (H.Trường Sa). Tại đây, bệnh nhân được kịp thời cứu chữa và sau 24 giờ đã qua cơn nguy kịch.
Thở phào nhẹ nhõm vì thuyền viên được cứu sống, ngư dân Đoàn Quang Thành chia sẻ, các y bác sĩ đã tận tình chăm sóc cấp cứu cho bệnh nhân Tính với nhiều biến chứng nguy kịch của bệnh tiểu đường. "Nếu không kịp thời được cứu chữa, có lẽ tính mạng của thuyền viên Tính đã không được đảm bảo", ông Thành mừng rỡ nói.
Đặc biệt, ông Thành cho biết quê ở đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) cách đảo Trường Sa khoảng 196 hải lý, nhưng năm nào cũng ra quần đảo Trường Sa đánh bắt và người dân quê ông cũng có hàng trăm tàu thuyền đánh bắt ở vùng biển này. Ngư dân khi gặp tai nạn, ốm đau đều được cán bộ, chiến sĩ ở đảo Trường Sa hỗ trợ, cứu chữa.
Đồng thời, đảo còn chu cấp cả lương thực, thực phẩm, nước uống cho ngư dân. "Trường Sa là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Nhờ có Trường Sa mà chúng tôi mạnh mẽ bước đi. Khi bị tai nạn hay sự cố máy móc chúng tôi cũng đều nhờ Trường Sa ứng cứu", ông Thành xúc động nói.
Đại úy, thạc sĩ, bác sĩ Lã Văn Tuấn, Chủ nhiệm Quân y đảo Trường Sa, cho biết hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho ngư dân nơi biển đảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tại quần đảo Trường Sa. Ngư dân đi biển nhiều khi gặp tai nạn, vì thế Trung tâm Y tế TT.Trường Sa đã trở thành điểm tựa cho bà con đang ngày đêm lao động sản xuất trên ngư trường phên dậu Tổ quốc.
Cảm phục về nghị lực và lòng quả cảm
Trong hải trình đến với Trường Sa của đoàn công tác số 10, chúng tôi còn được nghe kể nhiều câu chuyện xúc động của các y, bác sĩ công tác tại các đảo trên quần đảo Trường Sa.
Bác sĩ Nguyễn Văn Trường, công tác tại đảo Song Tử Tây, chia sẻ: "Tôi vẫn nhớ lần cứu nạn một ngư dân bị bệnh khi sóng lớn, thuyền của họ không thể tiếp cận được đảo. Phải lựa chọn với việc có đưa thuyền và ê kíp trong đảo ra đón ngư dân, hay buông tay tùy số phận? Nếu sóng lớn như vậy, nhỡ đưa anh em ra, chưa biết có cứu được người hay không, mà lại gặp nguy hiểm thì tôi biết ăn nói thế nào với vợ con gia đình của đồng đội, ăn nói thế nào với thủ trưởng và lương tâm mình?".
Nhưng rồi, với lòng quả cảm của người lính và lương tâm của người thầy thuốc Việt Nam, các anh đã cứu sống được ngư dân giữa muôn trùng sóng gió.
Chúng tôi cũng được nghe kể những câu chuyện thót tim khi các chiến sĩ Trường Sa tham gia cứu hộ, cứu nạn. Giọng các anh trầm lại, ánh mắt thoáng nỗi buồn khi kể về lần cứu hộ tàu cá, khuyên ngư dân bỏ tàu để giữ mạng, nhưng rồi cả tàu cá và ngư dân đã mãi mãi ở lại với biển khơi vì họ không muốn mất tàu.
Hay nét mặt rạng ngời niềm hạnh phúc, khi các anh kể lần quăng dây nhưng không cứu được ngư dân, bất ngờ một con sóng to đã đưa hai người lên đúng boong tàu. Thế là hai người đàn ông trụ cột của hai gia đình đã được trở về từ biển cả.
Là bác sĩ được ra thăm Trường Sa trong hành trình này, bác sĩ Vũ Thị Thu Hiền (Khoa Hồi sức tích cực Chống độc; Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), xúc động chia sẻ: "Khi nghe các câu chuyện của các y bác sĩ ở đây, trái tim tôi như thắt lại. Tôi nhớ đến những cảm giác mình hồi sức, ép tim cho người bệnh và càng thấm thía khi biết một quyết định ngoài biển đảo sẽ khác hẳn một quyết định ở đất liền. Tôi càng cảm phục và về nghị lực và lòng quả cảm của đồng nghiệp khi công tác ở biển đảo quê hương".
Cũng như chị Hiền, nhiều đại biểu trong đoàn công tác số 10 cho biết, mỗi câu chuyện ở đây đã tiếp thêm nghị lực cho những người ở đất liền. Và không chỉ có ngư dân cảm nhận được Trường Sa là ngôi nhà của họ, mà ai đặt chân đến đây cũng thấy Trường Sa là nhà của mình, là điểm tựa thiêng liêng của người dân đất Việt. Có Trường Sa, ai cũng có thể mạnh mẽ bước đi, như bước chân vững chãi của người lính trong lễ chào cờ ở đảo Trường Sa.
Hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" năm 2023 có sự đồng hành của Petrovietnam. Petrovietnam là một trong những doanh nghiệp nhà nước, với nhiệm vụ quản lý và triển khai các hoạt động dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài. Qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, Petrovietnam đã trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ lực, trụ cột của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Đội ngũ gần 60.000 thành viên của Petrovietnam với năng lực chuyên môn cao cùng tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, sự chuyên nghiệp và khả năng sáng tạo không ngừng đã xây dựng cho đất nước một hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ chuỗi khép kín các hoạt động từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác tới tồn trữ, vận chuyển và chế biến với 5 lĩnh vực: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; công nghiệp khí; chế biến dầu khí; công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.
Chương trình "Trường Sa xanh" do T.Ư Đoàn phát động trong hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" năm 2023 đã nhận được sự ủng hộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Ngân hàng Thương mại CP Kiên Long (KienlongBank), Công ty CP Đầu tư và xây dựng Vina E&C, Công ty CP Tập đoàn DKNEC.
Bình luận (0)