Ý nghĩa trong từng hành động nhỏ
Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, dù có máy giặt "xịn" do con mua tặng nhưng cô Tư Lan (tên thật Trần Thị Lan, ở xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất, Đồng Nai) vẫn rất ít khi xài. Tất cả áo quần mặc trong ngày, cô đều giặt bằng tay và tận dụng ánh nắng mặt trời phơi khô.
Cô Tư Lan nói giặt tay cũng là cách vận động xương khớp. Người già mà ngồi hoài một chỗ cũng không tốt. Thêm nữa, chỉ có vài "bộ cánh" cho vào máy giặt mất thời gian, không chỉ tốn điện tốn nước, quần áo nhăn nheo phải ủi lại mà đứng lâu còn đau lưng. Thế nên, tắm giặt và giúp mẹ vệ sinh cá nhân xong, cô liền đi giặt đồ ngay, rồi tận dụng ánh nắng hong cho mau khô. Cô Tư Lan còn sử dụng một tấm tôn lớn trong suốt lắp trên mái nhà nên ban ngày không gian luôn sáng mà không cần thắp đèn điện.
Tôi cảm phục cô dù là người cao tuổi nhưng luôn rất thích đọc sách báo. Cô nói: "Khi còn nhỏ do gia đình khó khăn, nhà lại đông anh em nên không được học hành đến nơi đến chốn, chỉ biết chữ là mừng rồi. Nghĩ mình có thể có nhiều cách học, không phải cứ đến trường mới là học, nên tôi muốn tự học thông qua việc đọc để mở mang kiến thức". Cô còn tâm sự với tôi cô rất thích xem tivi, nhưng do mẹ cô già rồi, tiếng ồn khiến bà khó ngủ nên cô hạn chế để bà được yên tĩnh nghỉ ngơi.
Cô dặn tôi nếu ở cơ quan đọc báo xong, nhớ mang về nhà cho cô đọc… ké. Vì vậy, chiều nào đi làm về tôi lại góp nhặt một số tờ nhật báo hay, trong đó có tờ Thanh Niên tặng cô. Còn sách trên kệ nhà tôi, tôi bảo: "Cô Tư thích đọc gì cứ lấy đọc". Cô rất thích đọc truyện ngắn. Có lần tôi đi làm về, thấy cô ngồi ngoài hiên để đọc sách và bật khóc nức nở. Tôi hỏi sao cô khóc. Cô nói đọc truyện Kiều mạch trắng của nhà văn Tống Ngọc Hân viết giống với cuộc đời của cô quá.
Hóa ra cuộc sống này cô Tư Lan phải trải sự bất hạnh mà mạnh mẽ vươn lên. Mỗi sáng thức giấc, tôi bước ra cổng thấy cô ngồi bên khung cửa sổ đọc sách lại thấy hình ảnh của cô thật đẹp. Cô truyền cảm hứng cho tôi hãy tắt điện thoại đi, cầm sách ra ngoài hiên nhà, tận dụng ánh sáng mặt trời để mở mang tri thức.
HƯỞNG ỨNG GIỜ TRÁI ĐẤT THEO CÁCH RIÊNG
Cô Tư Lan của tôi cũng là người đầu tiên trong xóm hưởng ứng giờ trái đất theo phong cách riêng của mình. Tới giờ trái đất, cô dặn tôi nhớ tắt điện từ 20 - 21 giờ.
Cô tiết lộ nhờ đọc báo cô mới biết rằng chỉ cần hành động nhỏ của mình "hưởng ứng giờ trái đất" cũng có thể tiết kiệm điện năng rất lớn. "Chỉ cần một giờ thôi trái đất tránh được nhiều nguy cơ như thủng tầng ozon, nếu lãng phí điện năng dẫn đến biến đổi khí hậu. Mà mình tắt điện có một giờ ra ngoài hóng mát cũng hay. Ngồi ngắm trời mây trăng gió nhớ thời khốn khó ngày còn nhỏ. Thấy cuộc sống của mình bây giờ đủ đầy. Đó chính là hạnh phúc rồi", cô Tư Lan tâm sự.
Cô căn dặn: "Dù nhà nước chỉ quy định có 1 ngày thứ bảy cuối tháng ba hằng năm là giờ trái đất và kêu gọi mọi người hưởng ứng, thì tôi vẫn tự mình thực hiện vào mỗi ngày thứ bảy từng tháng. Tôi thấy mình rất hạnh phúc khi chỉ cần hành động nhỏ của mình mà lại mang lại giá trị lớn đến thế".
Tôi bật cười thích thú với quan điểm hưởng ứng giờ trái đất độc nhất vô nhị của cô Tư Lan. Và cứ thế, mỗi khi đến tháng cô nhờ tôi đóng tiền điện, thấy hóa đơn chưa tới 200.000 đồng, tôi lại bái phục bởi tinh thần tiết kiệm điện không biết mệt mỏi của cô Tư Lan.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, nhận bài dự thi đến hết ngày 10.7.2024. Quý độc giả có thể gửi bài dự thi qua mail về địa chỉ [email protected] hoặc qua đường bưu điện tới Tòa soạn Báo Thanh Niên 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ được đăng tải chi tiết trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)