Việc làm này đã bị các cơ quan chức năng phanh phui và cảnh báo đến người dân, tránh tình trạng bị lừa mua đất “ma”.
Đất nông nghiệp, công viên, trường học cũng không tha
Ngày 20.4.2018, bà Vũ Thị Nhung (P.15, Q.Tân Bình) đặt cọc 300 triệu đồng cho bà Phạm Thị Thu Thủy (P.15, Q.5) để mua một phần thửa đất số 641 tại xã Đông Thạnh (H.Hóc Môn) có giá 1,48 tỉ đồng. Thời hạn từ 4 - 7 tháng bà Thủy phải có nghĩa vụ đi công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang tên cho bà Nhung. Thế nhưng quá thời hạn nêu trong hợp đồng đặt cọc, bà Thủy vẫn không thực hiện hợp đồng theo cam kết. Khi đến xã Đông Thạnh tìm hiểu, bà Nhung mới biết rằng đây chỉ là dự án ảo. Đó là thửa đất 641, diện tích sử dụng gần 10.500 m2 là đất lúa của ông Mai Văn Khỉ (H.Hóc Môn). Trước đây ông Khỉ có nhận tiền đặt cọc để đồng ý chuyển nhượng khu đất cho ông Trần Minh Sáng. Thời hạn để hoàn tất thủ tục mua bán từ 1 - 2 năm nhưng đến thời điểm này việc mua bán vẫn chưa hoàn thành. Ông Khỉ cũng bất ngờ vì trong thời gian qua có nhiều người đến tìm hiểu về thửa đất của mình.
|
Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, cho biết tính đến thời điểm này chỉ riêng thửa đất trên có đến 50 đơn trình báo bị lừa tiền đặt cọc. UBND xã đã tiếp nhận và chuyển qua cơ quan công an điều tra. Thửa đất trên, về mặt pháp lý vẫn thuộc quyền sở hữu của ông Khỉ và chưa chuyển nhượng. Trên phần đất đó cũng không có dự án nào cả. UBND xã đã thông báo thông tin này trên bản tin truyền thanh của địa phương để khuyến cáo người dân khi có nhu cầu cần liên hệ với UBND xã tìm hiểu thông tin cụ thể, tránh bị lừa.
tin liên quan
Lấy đất công viên cây xanh phân lô lừa bán nềnMới đây UBND P.Linh Trung, Q.Thủ Đức phát hiện Công ty cổ phần đầu tư Angle Lina (trụ sở tại số 92/B20 Tôn Thất Thuyết, Q.4) và Công ty bất động sản (BĐS) Hoàng Ân Group (số 254 Linh Trung, KP.1, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) tự ý vẽ phân lô tại bãi đất trống thuộc tổ 5, KP.6, P.Linh Trung để bán. Điều đáng nói, vị trí bãi đất trống rao bán trên là khu đất nằm trong quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM, đang chờ thực hiện chính sách giải tỏa đền bù. Nhận thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo, UBND phường thông báo đến người dân sống trên địa bàn và các khu vực lân cận biết để tránh bị kẻ xấu lừa đảo.
Khu đất khác ở hẻm 38 Nguyễn Sơn, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú có diện tích hơn 4.000 m2 theo quy hoạch là đất công viên cây xanh - thể dục thể thao nhưng cũng bị phân lô rao bán. Trên địa bàn H.Củ Chi, Q.12, tình trạng phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp, lừa bán đất cũng diễn ra phức tạp, bát nháo diễn ra nhiều nhất ở khu vực xã Bình Mỹ (H.Củ Chi).
Chỉ đạo công an vào cuộc
Trước tình trạng trên, UBND H.Hóc Môn đã phải phát đi thông báo khẩn cấp gửi đến người dân, cho biết thời gian gần đây, cơn sốt ảo về đất nền đã và đang diễn ra tại các huyện ngoại thành trên địa bàn TP, trong đó có H.Hóc Môn. Một số đối tượng đã giới thiệu, quảng cáo, rao bán đất nền, rao bán các “dự án nhà ở không hợp pháp” trên các trang mạng xã hội, qua hình thức phát tờ rơi và thông qua các dịch vụ môi giới BĐS, “cò đất”…
tin liên quan
Lập lờ thương hiệu để bán đấtÔng Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND H.Hóc Môn, cho biết qua kết quả kiểm tra, xác minh của UBND các xã - thị trấn cho thấy một số đối tượng đã tự phân nền đất nông nghiệp, tự vẽ bản vẽ phân lô tổng mặt bằng trái quy định pháp luật, không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, để giới thiệu, quảng cáo và rao bán cho người dân. Bên cạnh đó, có một số đối tượng “đầu nậu”, “cò đất” liên hệ giả đóng vai người nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp diện tích lớn, mượn nhiều sổ đỏ đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân, sau đó các đối tượng này tự phân lô trên giấy và rao bán đất nền. Thậm chí một số trường hợp rao bán đất nền tại huyện nhưng vị trí thực tế của các thửa đất thuộc địa bàn các huyện, tỉnh lân cận H.Hóc Môn... UBND huyện khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi có nhu cầu về nhà đất, cảnh giác trước các hình thức tư vấn, lôi kéo của một số “cò đất”, dịch vụ tư vấn BĐS có dấu hiệu lừa đảo để không gây thiệt hại về tài sản cho bản thân.
Bà Trần Tri Trân Trác, Chủ tịch UBND P.Phú Thọ Hòa, đã yêu cầu ban chỉ huy công an nắm tình hình an ninh trật tự tại khu vực trên, kịp thời ngăn chặn và tham mưu xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối mất an ninh trật tự, tránh tình trạng bị kẻ gian lợi dụng trục lợi bất chính.
Tại H.Củ Chi, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện, đã ra văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện này tập trung xử lý các trường hợp quảng cáo, tiếp thị mua bán đất nền sai quy định.
Loạn tin đồn, văn bản giả mạoTại Đà Nẵng và Quảng Nam, từ năm 2018 đến nay liên tục xuất hiện nhiều vụ giả mạo văn bản của các cơ quan chức năng để thổi giá đất. Đầu tiên là vụ làm giả văn bản của UBND TP.Đà Nẵng đồng ý xây cầu nối từ đường Bùi Tá Hán (Q.Ngũ Hành Sơn) qua đảo VIP (khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ) hồi tháng 10.2018. Tiếp đó, ngày 6.3, trên Facebook tiếp tục xuất hiện tin cuối năm 2019 H.Hòa Vang sẽ chia tách 4 xã Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa Phong và lập Q.Hiếu Đức, kèm thông tin rao bán 100 lô đất nền nông thôn với giá đô thị nhằm đón sóng đầu cơ.
Tại Quảng Nam, mới đây cũng rộ tin một phần TX.Điện Bàn sẽ “cắt” giao về cho TP.Đà Nẵng, đồng thời kẻ xấu giả chữ ký Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về siêu dự án ở Hội An. Giới đầu tư BĐS cho rằng, đây là động thái nhằm đẩy giá để xả hàng, trong bối cảnh BĐS khu vực Điện Bàn đang đón nhiều tin bất lợi về các dự án vướng pháp lý.
Nguyễn Tú
|
Bình luận (0)