Có tuổi thơ bên quả bồ quân nhỏ

28/11/2020 16:00 GMT+7

Khi những ngày cuối hè đang chạy qua hối hả cùng cái chớm thu đang chực đến ở dải đất miền Trung, cũng là lúc xuất hiện một loại quả bé nhỏ nhưng là cả một vùng kỷ niệm của nhiều người dân xứ này...

Quả bồ quân vào mùi đơm chín.
Quả bồ quân có nhiều tên gọi khác nhau, có nơi thì gọi là mùng quân, hồng quân, có chỗ lại gọi là bù quân. Trong Đại Nam quốc âm tự vị thì lại gọi quả đó là mồng quân với sự lý giải: “thứ cây có nhiều gai, có trái tròn mà nhỏ, người ta hay ăn, trái nó chín đỏ đen như màu huân cho nên cũng kêu là hồng huân” mà sau đọc chệch thành mồng quân. Tuy nhiên, tên gọi của loại cây này hiện được hầu hết vùng quê ở miền Trung gọi là là bồ quân. Đi kèm với đó là câu chuyện truyền thuyết về việc vua Lê Lợi nhớ ơn cây này nên đặt cho tên là bồ quân, có nghĩa là trái cây giúp quân no lòng đuổi giặc trong cuộc chiến bị quân Minh vây bắt trong rừng.
Mà lạ kỳ, cây bồ quân dáng vẻ xù xì, nhiều gai, không đẹp là mấy, nhưng khi ta đã nếm thử cái mùi vị hòa quyện tài tình bên trong thì chỉ có mê đắm mà thôi. Có vẻ như bồ quân cũng giống như hiện thân của những con người miền Trung quê tôi, bên ngoài thô ráp, khắc khổ, với làn da rám nắng của gió, của biển nhưng ẩn sâu bên trong đó là những tính cách hài hòa mà ai đã có cơ hội tiếp xúc sẽ luôn cảm được sức hút khó quên. Thứ quả nho nhỏ, tròn xoe, chỉ lớn hơn viên bi tí tẹo ấy lại là thức ăn vặt ngon lành, khoái khẩu cho bao thế hệ. Bồ quân khi chín sẽ chuyển từ màu xanh sang tím đỏ, ruột hơi vàng nhạt, lúc thì hơi hồng, trông vô cùng thu hút. Vì màu sắc của bồ quân khi chín mà những đứa trẻ ngày ấy, đứa nào có nước da bánh mật, thì đều được các cụ già trêu trêu là có nước da bồ quân.
Ăn bồ quân cũng cầu kỳ lắm. Người ăn phải nấn ná, xoay xoay, vò vò và bóp sao cho bồ quân mềm dập ra rồi mới ăn. Theo lẽ thông thường, trái cây càng tươi thì càng ngon và được yêu thích, còn dập thì xem như bỏ của. Ấy thế mà, trái bồ quân lại ngược lại. Muốn ăn ngon và đúng bài thì phải mềm nhũn ra, có vậy mới cảm nhận hết được vị ngon ngọt thơm của nó. Vị chát chát ban đầu nơi đầu lưỡi hòa lẫn với vị ngọt ngọt, bùi bùi, thơm thơm, ngầy ngậy rất khó diễn tả, chưa kể cái độ dẻo nhè nhẹ như cơm nếp, chuối chín mềm, thơm vô cùng.
Ngày trước, cứ hễ được dịp đi chợ với má, tôi luôn đứng tần ngần trước những xâu bồ quân được bày bán rất bắt mắt. Tầm chục quả được xâu lại thành như thanh kẹo hồ lô trong các bộ phim Tàu mà tụi nhỏ chúng tôi hay xem. Má sẽ hiểu ý mà cho vài ngàn tiền lẻ mua ngay một thanh để ăn. Cái cảm giác vừa liếm bên ngoài, vừa nhai từ từ thanh bồ quân như đang ăn kẹo mút, mà cứ sợ hết với đứa trẻ con như tôi lúc đó thật vui.
Bồ quân còn được nhiều người lớn mang đi ngâm làm rượu. Rượu bồ quân ngon không kém rượu nho hay rượu dâu tằm. Vào những ngày mưa, trong những bữa ăn tối thể gì ba tôi cũng rót dăm ba ly rượu ngâm từ bồ quân để vừa ăn cơm vừa nhâm nhi dư vị của loại rượu đặc biệt này.
Lũ con nít chúng tôi còn lấy bồ quân bày biện đủ những trò chơi. Bọn con trai thì bứt những quả bồ quân sống làm bi bắn, rồi cả làm vũ khí để bắn ná nhau. Mấy bạn nữ thì dùng làm nguyên liệu để xắt ra chế biến chơi đồ hàng. Mà tôi tin chắc rằng, những đứa trẻ ngày nay sẽ không có được một nguyên liệu để vui chơi thỏa thích như vậy. Bồ quân ăn sâu vào trong tâm tư tình cảm đời sống của người dân quê tôi. “Yêu nhau đá bắc nên cầu. Bồ quân lúc chín ra màu tốt tươi”, những câu ca mà hầu như ai cũng thuộc nằm lòng. Thậm chí, loại quả này còn được đặt tên cho một ngôi chợ nằm nép mình tại quận Cẩm Lệ thành phố Đà Nẵng ngày nay.
Ngày tôi còn bé, bồ quân nhiều lắm. Cứ hễ đầu hay giữa thu là dễ dàng tìm thấy những loại quả này được trồng chín và bày bán. Cứ vài nhà trong xóm là có một nhà trồng, có thể trồng trước nhà hoặc sau vườn để làm cảnh hay bờ rào. Bây giờ phố xá hiện đại, những cây bồ quân vì thế lại hiếm và ít hơn. Thi thoảng, đi trên những con đường vô tình bắt gặp các xe bồ quân nho nhỏ, tròn xinh, chín màu tím thẫm được bày bán giữa phố hay quý mến lắm, những người bạn ở quê đem ra biếu tặng. Bỗng dưng, những kỷ niệm của một thời thơ ấu tràn về, len lỏi trong từng nỗi nhớ thương. Những quả bồ quân nhỏ nhắn chứa đầy cảm giác thân quen, giản dị của quê nhà, đã từng đồng hành với tâm hồn trẻ thơ của tôi và nhiều người khác trong những năm tháng còn nghèo ấy.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.