Từ tháng 12.2020, Mỹ đã bắt đầu triển khai việc tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân theo từng nhóm đối tượng. Những tháng gần đây, nhóm giáo viên và sinh viên (SV, bao gồm cả SV quốc tế) cũng đã có thể đăng ký tiêm vắc xin, tạo điều kiện cho các đại học (ĐH) lên kế hoạch mở cửa vào học kỳ mùa thu tới (nhập học vào tháng 8).
Chủ yếu học trực tuyến
Bạn Võ Đăng Hoàng Lân (ĐH công San Jose - San José State University, bang California) cho biết đã được tiêm vắc xin theo diện nhân viên giáo dục vì làm việc bán thời gian tại một trường cao đẳng cộng đồng. ĐH này cũng bắt đầu mở cửa có giới hạn từ tháng 2.2021, do mức cảnh báo sức khỏe cộng đồng quận giảm khi số ca nhiễm Covid-19 và bệnh nhân chăm sóc đặc biệt (ICU) giảm. Các lớp thể dục hay môn học có kèm lên phòng thí nghiệm thì đến trường, trong khi các lớp thuần về bài giảng vẫn tiếp tục theo hình thức trực tuyến hoàn toàn.
“Lớp mình 30 - 40 người nên học trực tuyến rất chán, không được gặp gỡ mọi người. Nhưng dù sao cũng là kỳ cuối, nên mình cũng cố gắng học nhanh và tốt nghiệp”, Lân nói và cho biết trường thông báo sẽ không mở rộng việc mở cửa, ít nhất là cho đến học kỳ mùa thu năm 2021.
Còn bạn Hà Trần Quế Anh (ĐH bang Utah) cho biết trường đã mở cửa từ học kỳ mùa thu 2020, kết hợp việc học trực tuyến và trực tiếp. Nhưng Quế Anh không cảm thấy có sự thay đổi kể từ khi có vắc xin ngừa Covid-19, do những tháng qua việc tiêm chủng chủ yếu dành cho người trong ngành y tế, đến nay mới bắt đầu triển khai rộng hơn. Quế Anh thích học trực tuyến hơn vì trường xa và cho rằng bản thân thường cảm thấy nhức đầu khi phải đeo khẩu trang suốt thời gian lên trường. Bạn chọn học trực tuyến hoàn toàn đối với 6 môn.
Cùng quan điểm, bạn Phạm Huỳnh Khánh Linh (ĐH Portland, bang Oregon) cho rằng thích học trực tuyến vì tiện lợi, không cần phải lái xe và chủ động được thời gian. “Một số trường tư nơi mình ở đã đi học trên lớp, trường mình dù cũng là trường tư nhưng vẫn triển khai học trực tuyến”, Linh chia sẻ và cho biết ĐH Portland dự kiến mở cửa vào học kỳ mùa thu, và việc học trực tiếp sẽ áp dụng với khoảng 75% số chương trình học của bậc ĐH. Còn SV cao học như Linh thì vẫn tiếp tục học trực tuyến.
Một SV tại ĐH công bang Kansas cho biết trường này đã thực hiện việc học kết hợp trực tuyến và trên lớp từ học kỳ mùa thu năm 2020, dù các lớp trực tiếp rất hạn chế. Phòng y tế của trường đã gửi các phiếu đăng ký chích vắc xin Covid-19 và một số giảng viên, SV đã được tiêm. Trường cũng có email thông báo về việc dự kiến mở cửa và tăng cường các lớp học trực tiếp vào học kỳ mùa thu 2021.
|
Lưỡng lự chọn hình thức học
Từ học kỳ mùa xuân 2021 (nhập học vào tháng 1), một số trường ĐH Mỹ đã bắt đầu khai giảng lại nhiều lớp học trực tiếp, khuyến khích SV đến trường và bỏ hẳn hình thức “hybrid” (SV có thể lựa chọn đến trường học trực tiếp hoặc dự lớp học tại nhà).
Quen với nếp sinh hoạt mùa dịchTôi bắt đầu chương trình học thạc sĩ tại ĐH bang Kansas (Mỹ) vào tháng 7.2020, tham gia trợ giảng 2 lớp và học 2 lớp đều trực tiếp, một số buổi trực tuyến theo nguyện vọng của một vài bạn trong lớp. Ví dụ bạn phải cách ly tại nhà vì từng tiếp xúc với người nhiễm Covid-19. Trường tôi vẫn áp dụng việc đeo khẩu trang 24/7, cách nhau 6 feet (khoảng 2 m), và trang bị các dụng cụ khử khuẩn xung quanh khuôn viên trường.
Thời gian qua, việc sinh hoạt của tôi cũng hạn chế, hầu như chỉ ở nhà, dù hàng quán đã mở cửa ăn tại chỗ và các siêu thị hoạt động bình thường, nhưng với chiếc khẩu trang, việc giao tiếp và gặp gỡ bạn bè khá khó khăn. Bang Kansas cho biết đang có ý định dỡ các hạn chế như đeo khẩu trang, khoảng cách an toàn vào tháng 4, nhưng cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, do vắc xin vẫn chưa được triển khai đến toàn bộ người dân.
Dù vậy, tôi cũng đã làm quen với nếp sinh hoạt này, thậm chí thời gian trước còn đi du lịch đến một số bang khác như Utah hay Colorado, nhưng vẫn tuân thủ các quy định về an toàn. Bang tôi cũng có quy định khi quay trở lại bang phải tự cách ly tại gia 14 ngày. Trong bối cảnh đợt nghỉ đông được kéo dài và học kỳ này không có kỳ nghỉ xuân, quy định này nhằm hạn chế việc SV rời bang và quay trở lại với khả năng nhiễm Covid-19 cao.
Hơn nửa năm sống ở đây tôi đã nhiều lần nhận được các gói cứu trợ Covid-19 cả từ trường, cộng đồng và chính phủ. Đặc biệt từ tháng 11.2020, mỗi tháng chúng tôi đều nhận được thông báo đến các điểm phát lương thực theo chương trình Farmers to Families của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Trong gói lương thực gồm rau củ, trứng, sữa và thịt.
Diệp Uyên (Từ bang Kansas, Mỹ)
|
Nếu SV đăng ký lên lớp trực tiếp, họ đều phải xét nghiệm Covid-19. Gần như các trường ĐH nằm tại thành phố lớn đã triển khai hình thức xét nghiệm nhanh trong khuôn viên trường. Tại ĐH Suffolk, SV có thể đến trường xét nghiệm ít nhất 3 lần/tuần. Tuy nhiên, đối với một số trường ở vùng ít dân hơn, người học phải tự tìm đến các phòng khám hoặc nhà thuốc để được xét nghiệm.
Chính vì thế, với số ca nhiễm vẫn tăng vào đầu năm nay tại Mỹ, một số du học sinh Việt Nam vẫn lưỡng lự giữa học ở nhà hay lên lớp gặp bạn bè.
Học trực tuyến có hiệu quả ?
Nếu có những ý kiến cho rằng học trực tuyến có thể giúp SV tiết kiệm thời gian đi lại thì phương pháp này cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc học của du học sinh Việt.
Trả lời Thanh Niên, N.N, đang học ngành công nghệ hóa - sinh tại ĐH UC Santa Cruz (bang California) cho biết việc học trực tuyến rất dễ làm SV bị xao nhãng bởi thầy cô khó truyền cảm hứng hơn là học tại lớp. Đồng thời cũng vì ỷ y khi có nhiều thời gian, không phải di chuyển đến lớp, SV dễ trở nên lười biếng và hay trì hoãn hoàn thành bài tập.
Đối với các lớp học không bắt buộc SV phải mở webcam khi dự lớp trực tuyến, một số tình huống oái oăm đã xảy ra như SV vừa học vừa ngủ ngáy, quên tắt micro hoặc thoải mái sử dụng điện thoại nhắn tin, xem phim… cũng làm giảm sự tập trung trong lớp học.
Đời sống đảo lộn
Từ khi dịch Covid-19 xảy ra trên toàn nước Mỹ, rất nhiều SV mất đi chỗ ở ổn định. Đối với du học sinh không sống trong ký túc xá mà tự thuê nhà, dịch bệnh đã gây ra nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm chỗ ở khi chủ nhà ngại cho người lạ ở trọ.
N.Y.P kể cô đang phải ở ghép với 3 người bạn trong một phòng. “Mùa dịch ở Mỹ tìm nhà rất căng thẳng, có lúc stress ngủ không được”, P. chia sẻ.
Ngoài bất tiện trong việc học hành và sinh hoạt, đời sống tinh thần của du học sinh cũng bị đảo lộn. Một số bang vẫn thắt chặt lệnh giãn cách xã hội, nhiều du học sinh không được đến trường, theo thời gian dễ mắc các bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn hành vi. Cộng thêm việc phải tiết kiệm do cuộc sống khó khăn, nhiều du học sinh phải thuê nhà ở các khu dân cư phức tạp và bị lôi kéo vào các tệ nạn.
Để giải tỏa tâm lý mùa dịch, T.M cho biết vào những ngày tâm trạng không ổn định, cô sẽ tìm cách cân bằng cuộc sống bằng việc tắt điện thoại, máy tính và dành thời gian để đọc sách, thiền. N.Y.P thì tham gia vào một nhóm nhạc được thành lập bởi du học sinh Việt ở cùng thành phố.
Bình luận (0)