Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng - Nhà sưu tập không... tiền

28/11/2012 03:25 GMT+7

Nếu mặc định người chơi cổ vật phải có rất nhiều tiền thì trường hợp Ngô Hữu Toàn, Huỳnh Văn Hòa quả là… trật lất!

Giấu vợ để chơi đồ cổ

Sau nhiều năm gắn bó với ngành xây dựng, khi công ty làm ăn thua lỗ và giải thể, anh Ngô Hữu Toàn thất nghiệp. Gom góp tiền, vợ chồng mua một chiếc ô tô chạy dịch vụ, chở khách du lịch. Không lâu sau đó, đam mê chơi đồ cổ “ám” luôn anh Toàn, từ những lần lân la xem các tiệm đồ cổ ở TP.Huế để chờ khách vào tham quan di tích. Mới vậy mà thoắt đã gần 15 năm.

Thấy các cổ vật được bày bán cái nào cũng tiền khủng, với khả năng tài chính của mình, anh đụng vào là… bỏng cả tay. Nhưng lúc bận thì thôi, chứ lúc rảnh là hình ảnh các món đồ cổ lại cứ thấp thoáng trong đầu anh. Quyết tâm có vài món để thỏa lòng đam mê, anh bắt đầu thực hiện ước mơ sưu tập đồ cổ của mình từ những kho bán phế liệu. “Ban đầu chưa hiểu biết nhiều, mình chỉ dám mua những món đồ nhỏ ít tiền. Có khi là cái tẩu thuốc, có khi là cái gương cổ rồi đem về hỏi một số người quen am hiểu để xác định chủng loại, niên đại”, anh Toàn nhớ lại.

Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng - Nhà sưu tập không... tiền
Bộ sưu tập bình vôi của Champa và Lê - Lý - Trần - Ảnh: Vũ Phương Thảo

Ngày ấy, người nào chạy xe du lịch thì nuôi được cả nhà sống thoải mái. Nhưng với chị Mỹ Dung, vợ anh Toàn, cuộc sống sao vẫn còn lắm lo toan. Tiền hằng tháng anh đem về chỉ vừa đủ chi phí xăng xe, ăn uống. Còn nuôi hai con nhỏ thì trông chờ vào việc buôn bán của chị ở nhà. “Lúc ấy, mình cứ bán tín bán nghi, nghĩ chắc anh nuôi bà nào ở Huế nên mới ra thế”. Đùng một cái, anh bị tai biến nhẹ, phải nằm điều trị một thời gian. Chị Dung bán xe, anh ở nhà trông con phụ vợ. Mãi đến lúc ấy, anh mới thú nhận lâu nay mình rút ruột tiền nhà để mua sắm đồ cổ. Tất cả đồ được anh giấu ở nhà ba mẹ ruột ở Huế. Nửa tin nửa ngờ, chị đồng ý cho anh mang về nhà. Và một lần nữa, chị không khỏi giật mình khi số cổ vật được anh tích cóp lâu nay bây giờ về “trình diện” vợ là một xe tải với hơn chục thùng đựng!  

Sưu tầm theo khả năng

Không có nhiều tiền để có thể mua sắm những món đồ lên tới vài chục triệu đồng nhưng không vì thế mà bộ sưu tập của anh kém phong phú hấp dẫn. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, anh chịu khó lân la về các vùng quê, các kho bán phế liệu, qua các người quen để sưu tầm các món cổ vật nho nhỏ thuộc về sinh hoạt, tập quán của người xưa như: sưu tầm tẩu thuốc cổ, sưu tầm gương cổ, vòng cổ, bộ sưu tập bình vôi ăn trầu của người xưa… rồi một ít tượng đồng, chén, đĩa sành sứ các triều đại cũ. Đến nay, bộ sưu tập của anh cũng lên tới vài trăm cái.

Trong lần triển lãm này, anh đã giới thiệu trưng bày 2 bộ tẩu thuốc Champa và Đông Sơn được làm bằng gốm và đồng, 2 bộ sưu tập bình vôi của người Champa và triều đại Lê - Lý - Trần mà với anh “nó góp phần giúp con cháu thời nay có thêm hiểu biết về bức tranh đời tổng quát sinh hoạt của cha ông ngày xưa”. Nhiều lần, kinh tế gia đình khó khăn, nhìn những món đồ cổ nằm nguyên trong tủ dù có người hỏi mua nhưng anh không bán, chị Dung không khỏi buồn lòng. Nhưng cuối cùng, thấy chồng thức đêm hôm lên mạng tìm hiểu thông tin, rồi có khi ngồi lặng hằng giờ chỉ để ngắm nghía một món cổ vật, thương chồng, chị cũng đành đầu hàng với đam mê của anh. 

“Thấy cổ vật trôi đi, ray rứt lắm”

Đó là tâm sự thật lòng của nhà sưu tập Huỳnh Văn Hòa, người sở hữu chiếc bình tỳ bà cổ gốm Chu Đậu còn nguyên men với 4 chữ “Thanh phong minh nhật” duy nhất tại Việt Nam. Vốn là chuyên viên bảo tàng Trung tâm quản lý bảo tồn di sản Hội An, anh có khá nhiều kiến thức về cổ vật. “Biết đó, thấy đó, nhưng vì kinh tế chỉ đủ nuôi thân thì làm sao có điều kiện mà giữ được cổ vật quý. Đành lực bất tòng tâm”, anh Hòa thở dài.

Thỉnh thoảng nhìn chiếc bình tỳ bà quý giá độc nhất vô nhị hiện nay, nhớ chuyện cũ, vợ anh hay “đòi nợ khéo”. Chuyện là năm 1997, người ta trục vớt từ chiếc tàu đắm cách Cù Lao Chàm 70 hải lý những đồ gốm sứ Chu Đậu. Hồi ấy, lương một tháng chỉ hơn 40.000 đồng, trong khi những món đồ vớt lên có giá đến cả vài triệu, tiền đâu mà mua. Nhưng không hiểu sao, anh cứ “phải lòng” một chiếc bình tỳ bà còn nguyên men, lạ hơn là họa tiết quanh bình được khắc 4 chữ thay vì họa tiết chim se sẻ được thấy rất nhiều ở gốm Chu Đậu. Quyết tâm phải sở hữu bằng được, anh về mượn hết vàng của gia đình, rồi mượn thêm tiền bạn bè rồi đi mua vàng để đổi bình. “Nhờ được bảo quản dưới biển nên các lớp men của các bình gốm còn nguyên vẹn, rất đẹp”.

Chiếc bình quý giá này của anh đã có biết bao người lân la hỏi mua. Ngay cả Bảo tàng Hải Dương, quê hương của gốm Chu Đậu cũng đã vào tận nơi gặp anh, đề cập chuyện mua lại chiếc bình này. Dù giá có cao bao nhiêu, dù hoàn cảnh gia đình vốn không dư dả, thậm chí nhiều lúc túng bấn vì anh vừa nuôi mẹ già, con nhỏ, nhưng anh vẫn quyết không bán mà giữ để làm kỷ niệm. Một số sách nghiên cứu về gốm Chu Đậu và trên internet đã lấy hình chiếc bình này của anh in làm bìa sách, cho dù anh chưa gặp tác giả một lần nào, cũng chưa từng được họ ngỏ xin… chụp ảnh. Có lẽ trong những lần anh đưa bình đi triển lãm tại phố Hội, hình ảnh chiếc bình đã nhanh chóng được phổ biến. Anh cười xòa. Đối với anh, chuyện ấy không quan trọng. Gắn bó với ngành bảo tàng gần 30 năm, bộ sưu tập cá nhân anh cũng chỉ chừng vài chục món, nhưng với anh, đó là cả một sự cố gắng lớn để nuôi dưỡng đam mê sưu tầm cổ vật của mình.

Vũ Phương Thảo

>> Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng
>> Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng - Cơ duyên với 300 tượng Phật cổ

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.