Cổ Vật Kỳ Duyên - Kỳ 5: Bí ẩn tượng Bà khỏa thân

02/05/2014 09:00 GMT+7

Dù nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cùng vào cuộc phân tích, nhưng lai lịch tượng Bà khỏa thân tìm thấy ở Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) vẫn đầy bí ẩn.

>> Cổ Vật Kỳ Duyên - Kỳ 4: Giải cứu súng thần công Nghĩa hội
>> Cổ vật Kỳ Duyên - Kỳ 3: Vết chém trên tượng Bắc đế
>> Cổ Vật Kỳ Duyên - Kỳ 2: Trống đồng suýt làm mâm cơm

Cổ Vật Kỳ Duyên - Kỳ 5: Bí ẩn tượng Bà khỏa thân 1 Bức tượng gốm “đa phong cách” vẫn đang bí ẩn về lai lịch - Ảnh: H.X.H

Ngắm san hô, gặp tượng quý

Ở độ sâu khoảng 3 m nước, anh Nguyễn Tố Nho phát hiện tượng ở bãi Xếp - Cù Lao Chàm khi đang hướng dẫn du khách của Công ty du lịch dịch vụ Hội An Xanh (Hội An) lặn ngắm san hô. Lúc tiếp cận hiện vật, anh Nho thấy 3 mảnh đầu, vai và thân rời nhau. Quan sát kỹ, anh không thấy dấu vết gì thêm liền nhặt nhạnh các mảnh tượng mang về nhà ghép lại. Sau 10 tháng lưu giữ hiện vật lạ, đến tháng 6.2013 anh quyết định hiến tặng pho tượng...

Chị Lê Thị Tuấn, Trưởng phòng bảo tàng - Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa (QLBTDSVH) TP.Hội An, cẩn thận mở từng lớp xốp bảo vệ để cho chúng tôi xem bức tượng. Đó là hiện vật đất nung cao 26 cm; tượng dáng ngồi, mắt nhắm, tay đan vào nhau đặt trước phần thân dưới và khỏa thân nửa phần trên. Trên đầu tượng có chóp cao 3,6 cm, xếp thành băng dọc giữa chóp là 6 lỗ nhỏ. Khuôn mặt tượng hơi vuông, giữa trán có hạt cườm màu đỏ, sống mũi cao, môi dày nhưng không chẻ. Lỗ tai thì không thể hiện rõ, nhưng hai bên khuôn mặt có 2 lỗ nhỏ nên nhiều người đoán định đấy là lỗ đính khuyên tai... “Rất may, do từng tham gia một khóa học về bảo quản hiện vật nên người phát hiện đã biết cách giữ gìn bức tượng quý”, chị Tuấn kể.

Cổ Vật Kỳ Duyên - Kỳ 5: Bí ẩn tượng Bà khỏa thân 2
Tượng được cất giữ tại Bảo tàng Hội An để tiếp tục nghiên cứu

 

Nam thần biến thành nữ thần

Tại Hội An, từng có chuyện một bức tượng nữ thần phải xem xét kỹ lưỡng mới phát hiện đó là tượng... nam thần. Năm 1989, cán bộ của Trung tâm QLBTDSVH TP.Hội An phát hiện tượng thờ tại lăng Bà xã Cẩm Thanh có chất liệu rất đáng ngờ. Qua kiểm tra nhiều lần, hóa ra đây là tượng Nam Thần tài lộc (Kubera) bằng sa thạch thuộc phong cách Trà Kiệu muộn, niên đại khoảng cuối thế kỷ 9... đã được người dân “sáng tạo” đắp thêm lớp đất bên ngoài rồi sơn phết để biến thành tượng Bà. Sau đó, tượng quý Kubera được thỉnh về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử văn hóa Hội An.

“Đa phong cách”

Một số chuyên gia Việt Nam, Nhật Bản, Campuchia tìm hiểu đã đến xem bức tượng, sau khi Trung tâm QLBTDSVH TP.Hội An loan tải thông tin về hiện vật thông qua Mạng lưới bảo tàng Việt Nam (Vietnam museum Network). Nhận thấy nhiều mảng kim loại màu vàng và trắng sáng, có nhà nghiên cứu nghi ngờ bức tượng mang “dấu vết” tục dát vàng bạc lên tượng của cư dân Đông Nam Á. Nhưng với viên đá đính trên trán tượng, thì cần có sự vào cuộc thẩm định của chuyên gia về đá quý mới có thể xác định tượng này là... thật hay giả.

Sổ theo dõi của chuyên viên bảo tàng còn ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau về tượng lạ. Ban đầu, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương nhận định có khả năng bức tượng “rất lạ và rất đẹp” này là của Nhật Bản, niên đại sớm khoảng thế kỷ 7. Nhưng sau đó, ông rút lại dự đoán về lai lịch, đồng thời cho rằng niên đại trễ hơn chừng 10 thế kỷ. Riêng mảng màu vàng và một số hoa văn trên tượng lại gợi ý cho một chuyên gia bảo tàng Angkor (Campuchia) về xuất xứ Thái Lan. Thú vị hơn, tượng khỏa thân (phần trên) mang phong cách Chăm, nhưng mắt lại nhắm và có váy dưới thì hoàn toàn xa lạ; chưa kể chi tiết môi dày nhưng miệng nhỏ, rồi trang phục, thần thái khuôn mặt... Một vị ở Viện Nghiên cứu khảo cổ Việt Nam tỏ ý bất ngờ vì chưa từng gặp một hiện vật có biểu hiện đan xen và đa phong cách Chăm, Nhật Bản, Ai Cập như vậy. GS-TS Kikuchi Seiichi (Đại học Nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản) khi được bảo tàng giới thiệu hiện vật cũng đã thốt lên: “Lần đầu tiên tôi thấy bức tượng lạ thế này!”.

Lúc mang hiện vật đến bảo tàng, người hiến tặng chia sẻ 2 tâm nguyện trong suốt thời gian lưu giữ tại nhà: hoặc chuyển giao hiện vật để bảo tàng tiếp tục nghiên cứu giá trị, hoặc lập am thờ để đặt tượng vào đấy. Nhưng sau hơn 10 tháng kể từ khi trung tâm kêu gọi “mong nhận được sự quan tâm trao đổi” của các thành viên Mạng lưới bảo tàng Việt Nam, xung quanh tượng lạ này vẫn bao trùm bí ẩn.

Hứa Xuyên Huỳnh

>> Cổ Vật Kỳ Duyên - Kỳ 4: Giải cứu súng thần công Nghĩa hội
>> Cổ vật Kỳ Duyên - Kỳ 3: Vết chém trên tượng Bắc đế
>> Cổ Vật Kỳ Duyên - Kỳ 2: Trống đồng suýt làm mâm cơm
>> Cổ Vật Kỳ Duyên: Tìm chân cho tượng Shiva

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.