Phiên bản gốc quý giá
Mô hình đất nung hiện đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định. Theo ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định, thì: “Đây là hiện vật nguyên gốc, được xác định có niên đại vào khoảng thế kỷ 13 - 14 và là bộ hiện vật đầy đủ nhất hiện nay được tìm thấy, mô tả về kiến trúc thời Trần - một triều đại được xem là huy hoàng trong lịch sử VN với những bước tiến vượt bậc về kinh tế, xã hội và đặc biệt là chiến công 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông hùng mạnh”.
Mô hình đất nung gồm nhiều nguyên đơn kiến trúc tạo thành một khu nhà hoàn chỉnh với tường vây, 2 cổng vào nhà chính, nhà hậu, nhà bia, tháp, hành lang, sân vườn… Đặc biệt, các trang trí, bố cục, điêu khắc đều được thực hiện tinh xảo và mang đặc trưng kiến trúc thời Trần. Cũng theo ông Thư, với quy mô trên, mô hình này thể hiện kiến trúc của một phủ đệ, lăng tẩm của giới quý tộc thời Trần. “Việc tìm thấy một mô hình hoàn chỉnh như vậy cho phép các nhà nghiên cứu hình dung được thực tế kiến trúc thời Trần như thế nào. Đặc biệt, mô hình này sẽ mang giá trị là hình mẫu để các nhà khoa học, kiến trúc nghiên cứu, phục dựng các công trình lịch sử thời Trần hiện nay”, ông Thư thông tin thêm.
Tìm thấy nhờ được báo mộng ?
Ở vùng đất Vụ Bản nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung, các nhà khảo cổ đã tìm được rất nhiều cổ vật có giá trị, gắn với những truyền thuyết kỳ lạ. Mô hình kiến trúc thời Trần bằng đất nung là một cổ vật như vậy, được tìm thấy tại thôn Lời, xã Hiển Khánh vào ngày 27.10.1973. Người dân làng Lời vẫn kháo nhau về chuyện trong thôn có lăng Chiếng nổi tiếng linh thiêng, đến nỗi dân không ai dám đóng một cái cọc trâu, chặt một cành cây. Ông Phạm Văn Nghễn, nhà ngay sát lăng Chiếng, đêm hôm trước được thần báo mộng, sáng hôm sau phải dậy thật sớm, ra phía tây lăng đào xuống thì sẽ thấy vàng. Tuy nhiên, mãi trưa hôm sau ông Nghễn mới ra đào nên chỉ tìm thấy nhà cửa, thành quách, nhưng không phải bằng vàng mà bằng đất nung.
Để tìm hiểu thực hư câu chuyện này, PV đã tìm đến thôn Lời. Người đào được mô hình này là ông Phạm Văn Nghễn đã mất. Người con trai út của ông Nghễn cùng tham gia đào mô hình với bố là ông Phạm Văn Tâm cho biết: “Thực hư chuyện bố tôi có được báo mộng hay không thì tôi không biết, chỉ biết trưa hôm đó (27.10.1973), bố tôi có mang thuổng, cuốc ra sân đào, tôi lúc đó mới 10 tuổi ra đứng xem và thấy đào được những hình nhà cửa bằng đất nung. Sau đó, người ở Bảo tàng tỉnh Hà Nam Ninh đến đưa những cổ vật này đi để bảo quản. Chuyện qua hơn 40 năm rồi, nhưng quả thật đến nay trong thôn vẫn còn nhiều người nói rằng bố tôi đào được là nhờ thần báo mộng”.
Theo tài liệu ghi chép của ông Trần Đăng Ngọc, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Nam Ninh tại thời điểm đó, việc ông Nghễn đào được một số hiện vật bằng đất nung được cụ Trần Văn Phẩm, một cán bộ cũ của Ty Văn hóa Hà Nam Ninh sống ở xã Hiển Khánh, báo về ty. Khi ty cử người của Bảo tàng Hà Nam Ninh xuống thì thấy việc đào bới đang được thực hiện. Không chỉ có gia đình ông Nghễn mà người dân trong thôn nghe tin đồn có thần báo mộng cũng ào ào kéo đến cùng đào để tìm vàng. Khi tìm thấy bất cứ hiện vật gì, họ đều đập ra để mong tìm thấy vàng, bạc ở trong hiện vật. Rất may là cán bộ bảo tàng kịp thời có mặt, ngăn cản, nếu không toàn bộ hiện vật quý này đều bị phá nát.
Tuy nhiên, để phục dựng được đầy đủ mô hình kiến trúc bằng đất nung đúng nguyên bản cũng không hề đơn giản. Ông Thư cho biết: “Sau hôm đào được cổ vật, cán bộ Bảo tàng Nam Định phải ở lại “trực” tại thôn Lời cả tháng để tìm kiếm những mảnh vỡ thất lạc ghép lại. Để phục dựng mô hình đúng nguyên bản, chúng tôi phải bới đất sâu xuống gần nửa mét tìm dấu của mô hình in trong đất, đưa mô hình xuống lắp khít với dấu vết này thì mới đảm bảo đúng kết cấu nguyên bản. Sau đó, mô hình được đối chiếu với tài liệu, sử sách và đặc biệt là các mô hình kiến trúc thời Trần tương tự được tìm thấy ở nơi khác như 2 mô hình kiến trúc đất nung ở khu lăng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, H.Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) và mô hình kiến trúc tìm thấy tại Khu đền Trần Hưng Hà (xã Tiến Đức, H.Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) để xác thực tính đặc trưng. “Chưa hết, mô hình kiến trúc này còn được các nhà khảo cổ và chuyên gia Nhật Bản tham gia nghiên cứu trong hơn 10 năm để khẳng định đây là mô hình kiến trúc nguyên bản, đặc trưng và đầy đủ nhất của thời Trần”, ông Thư thông tin thêm.
Cũng theo ông Trần Đăng Ngọc, khi thấy người dân đồn thổi chuyện ông Nghễn được thần báo mộng, ông đã trực tiếp tìm gặp ông Nghễn hỏi nhưng ông Nghễn nói không phải. Tuy nhiên, một số người trong thôn lại khẳng định việc được thần báo mộng do chính ông Nghễn nói ra. Thực hư câu chuyện thần báo mộng đến nay chưa có lời đáp, nhưng giá trị của bộ cổ vật đất nung đến nay đã được khẳng định đầy đủ, trở thành một bảo vật.
Bình luận (0)