Ngày 3.4, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết thông tin mới nhất từ Đại sứ quán VN tại Pháp, chiếc xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh (mẹ vua Thành Thái) sẽ được chuyển từ Pháp về VN vào ngày 14.4.
Chiếc xe kéo sau khi đấu giá thành công đã được chuyển về Đại sứ quán VN tại Pháp
- Ảnh: ông Phan Thanh Hải cung cấp |
Chiếc ngai thái tử của triều Nguyễn hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Cung điện quốc gia Hàn Quốc
- Ảnh: ông Phan Thanh Hải cung cấp |
Cổ vật đầu tiên sắp trở về
|
Trước đó, ngày 13.6.2014 ở phiên đấu giá diễn ra tại Văn phòng Rouillac (Pháp), đại diện của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã đấu giá thành công chiếc xe kéo này với mức đấu giá 45.000 euro (cộng thêm phần lệ phí đấu giá thành 55.800 euro - khoảng 1,3 tỉ đồng). Sau phiên đấu giá, Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet (Paris) tuyên bố nhà nước Pháp đề nghị mua lại chiếc xe ấy (với giá trên) theo nguyên tắc “quyền ưu tiên mua” ở nước sở tại. Sau quá trình vận động ngoại giao, Bộ Văn hóa Pháp đã đồng ý không tranh mua cổ vật với VN đối với chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh, mẹ vua Thành Thái.
Như vậy, đây là cổ vật đầu tiên của VN đang lưu lạc ở nước ngoài được VN đấu giá thành công và đưa trở về nước.
Còn bao nhiêu cổ vật bị thất lạc ?
Ông Phan Thanh Hải cho biết, còn hàng trăm nghìn cổ vật của VN và Huế đang lưu lạc ở nước ngoài, trong đó ở Pháp là nhiều nhất. Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, cổ vật triều Nguyễn đã xảy ra những đợt mất mát lớn vào các năm 1775, 1862, 1885, 1945, 1947, 1972... Nhưng vụ mất mát lớn nhất của Huế trong lịch sử lại gắn liền với sự kiện thất thủ kinh đô (5.7.1885, nhằm ngày 23.5 năm Ất Dậu), khi tấn công vào kinh đô Huế, quân đội Pháp đã cướp bóc.
Linh mục Père Siefert, người chứng kiến sự kiện thảm khốc này, đã ghi lại: “Kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc... Khi đối chiếu với bảng kiểm kê tài sản của hoàng gia lập trước ngày 5.7.1885 với những gì đã mất, thì quân Pháp đã cướp: “228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ... Tại các tôn miếu thờ các vua: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị thì hầu hết các thứ có thể mang đi như mũ miện, đai áo, thảm đệm, triều phục, long sàng và bàn xoay có chạm trổ, các giá treo vũ khí, hộp đựng trầu để thờ, ống nhổ, chậu quán tẩy bằng vàng, hỏa lò, mùng và màn thêu hoa, đỉnh trầm, ấm trà và khay chén, tăm xỉa răng... đều bị cướp”.
Ngay bản thân tướng De Courcy, người chỉ huy cuộc tấn công vào kinh đô Huế, vào ngày 24.7.1885 đã gửi cho chính phủ Pháp một bức điện với nội dung sau: “Trị giá các quý vật bằng vàng hay bằng bạc giấu kỹ trong các hầm kín phỏng chừng là 9 triệu quan. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim sách đáng giá bạc triệu. Xúc tiến rất khó khăn việc tập trung những kho tàng mỹ thuật. Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhiều nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng”.
Như vậy, phần lớn của cải trong hoàng cung nhà Nguyễn và cả trong giới quý tộc Huế đã bị người Pháp đưa về “chính quốc” và hiện được trưng bày tại các bảo tàng của Pháp. Ngoài ra, do chiến tranh qua các thời kỳ lịch sử khác nhau mà cổ vật triều Nguyễn đã mất mát, rơi vào tay nhiều giới khác nhau, thậm chí không ít số đó đã bị tuồn ra nước ngoài. "Trong đó, ở Nhật, Hàn Quốc... đều có cổ vật của triều Nguyễn mà tôi đã trực tiếp nhìn thấy", ông Hải nói.
Bình luận (0)