'Cò vé' nhan nhản khắp ga Sài Gòn

25/01/2019 07:31 GMT+7

Càng cận Tết Nguyên đán, "cò vé” tại khu vực ga Sài Gòn càng hoạt động nhộn nhịp, ngang nhiên, trong khi lãnh đạo ga nói “không thể xử lý dứt điểm”.

Từ ngày 1.10.2018, Tổng công ty đường sắt VN chính thức mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cũng là lúc “cò vé” hoạt động nhộn nhịp tại ga Sài Gòn. “Cò vé” ngang nhiên chào mời khách ngay trong khuôn viên ga và hình thành thị trường vé “chợ đen”, ăn chênh lệch từ 200.000 - 300.000 đồng/vé.
Nhiều ngày có mặt tại ga Sài Gòn, PV Thanh Niên ghi nhận hàng chục “cò” trải dài từ trước cổng đến tận sâu trong ga, chào mời khách hàng mua vé tết “ngày vàng” và khẳng định “ngày nào cũng có”.

“Trong đó không còn vé, chỉ có tụi chị mới có !”

Em ơi! Cứ một vé tuồn ra ngoài cho tụi chị thì nhân viên nhà ga đều được hưởng 50.000 đến 100.000 đồng, tội gì người ta bán vé cho em. Em cứ yên tâm, tụi chị làm ở đây cả chục năm, chỉ lấy tiền công để sống thôi. Nếu em đồng ý, thì đưa chị 2 CMND và ngồi đây 5 phút sau có người dẫn em vào trong quầy vé để xuất vé
“Cò” vé ở ga Sài Gòn
Chiều 22.1, trong vai người mua vé, chúng tôi đến phòng vé của ga Sài Gòn để mua vé tàu tết đi các tỉnh thành: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình... trong các ngày từ 30.1 - 2.2 (tức ngày 25 - 28 tháng chạp). Sau khi nhập thông tin kiểm tra, nhân viên bán vé thông báo tất cả các chuyến tàu đi trong những ngày này đều đã kín chỗ, một số chuyến chỉ còn ghế phụ.
Mang vẻ mặt thất vọng, chúng tôi vừa rời phòng vé thì gặp một người đàn ông khoảng 30 tuổi hỏi: “Đi đâu vậy anh? Đi đâu em mua vé cho”. Nghe chúng tôi muốn đặt vé ngày 26 tháng chạp đi Quy Nhơn, người này gật đầu: “Có chứ, trong đó không có nhưng tụi tui có. Anh đến đây trước 2 tiếng, tiền vé anh trả trực tiếp cho nhân viên trong đó, tiền công tui thu 200.000 đồng”. “Trong đó báo hết, anh bảo còn vé, sợ bị lừa quá!”, chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ thì “cò” trấn an: “Trời ơi! Ai lừa anh đâu mà sợ. Nhân viên của tụi em đang bắt khách trong đó, còn như ngày thường anh không đưa tiền, em cho anh đi miễn phí còn được nữa”.
Khi không thuyết phục được khách, “cò” này lập tức buông lời chửi bới rồi chỉ mặt bỏ đi.
Các “cò vé” hoạt động ngay trong khuôn viên ga Sài Gòn Ảnh: Trần Tiến - Nguyễn Tiến
Chiều 23.1, chúng tôi quay trở lại ga Sài Gòn. Một phụ nữ trung niên, bịt khẩu trang chạy đến hỏi han: “Hết vé rồi hả? Em về đâu cứ nói với chị, vé đi ngày nào cũng có”. Thấy chúng tôi lưỡng lự, người phụ nữ này bồi thêm: “Giờ chắc chắn với em là trong đó không còn vé, chỉ có tụi chị mới có!”. “Đi Quy Nhơn, giá bao nhiêu?”, chúng tôi hỏi. “Giá vé giống trong quầy luôn, chỉ cần cho tụi chị ít tiền công là được!”, người phụ nữ này cười giả lả.
Thấy chúng tôi có vẻ xuôi lòng, người này nói tiếp: “Đồng ý thì giờ lấy vé liền. Đúng tên, đúng số CMND của em; có người dẫn em vào làm thủ tục luôn. Xong xuôi ra đây em trả tiền phí 300.000 đồng”. Chúng tôi nói nghi ngờ chuyện vé trong ga Sài Gòn báo hết nhưng bên ngoài vẫn “còn đầy”, sợ vé giả, chị này thách thức: “Trong đó không có, bên ngoài này có mới hay, vậy mới thu tiền công 300.000 đồng của em chứ. Em không tin cứ vào đó hỏi rồi ra đây cũng được”.
Chúng tôi vừa rời đi, lập tức một phụ nữ khác khoảng 50 tuổi, đi xe tay ga, không đội mũ bảo hiểm chạy theo, đon đả mời chào: “Mua vé đi đâu em? Đi đâu chị cũng có, khẳng định với em luôn”. Chúng tôi nói cần vé đi Quy Nhơn vào các ngày 26 - 28 tháng chạp, người này không cần suy nghĩ, liền gật đầu: “Chắc chắn có! Nếu muốn mua thì trả chị 300.000 đồng tiền công rồi chị đăng ký cho. Đến ngày đó, trước 4 tiếng chị đưa vé, nhân viên xác nhận cho em đàng hoàng”, người này giải thích thêm. Sau một hồi chào mời nhưng không thành, người phụ nữ này lẩm bẩm chửi rồi đi tìm “con mồi” khác.
'Cò vé' nhan nhản khắp ga Sài Gòn
Vé đi tàu được PV Thanh Niên mua từ “cò” tại ga Sài Gòn
Tương tự, tại đầu cổng ga Sài Gòn, chúng tôi cũng được một phụ nữ khoảng 35 tuổi, mặc áo màu đỏ vẫy gọi mua vé tàu tết. Chưa kịp hỏi han, người này chắc nịch: “Khỏi vào làm gì cho mất công, chẳng còn vé đâu mà em vào, khẳng định với em vậy. Còn mua ở đây, có vé cho em”. “Vé 3 ngày 26 - 28 tháng chạp đi Quy Nhơn, chị có không?”, chúng tôi hỏi. Người này nói: “Có chứ! Em thích ghế ngồi hay giường nằm? Đưa CMND chị làm cho, chị dẫn vào nhà ga làm thủ tục lấy vé liền luôn, chỉ lấy tiền công 250.000 đồng thôi. Chịu không?”.

“Có người nhà làm trong Ga Sài Gòn”?

Chúng tôi cũng gặp một “cò vé” là phụ nữ kéo vào quán nước nằm trong khuôn viên ga Sài Gòn thuyết phục: “Em cứ yên tâm đi, chị có người nhà là nhân viên làm trong ga Sài Gòn, vé chị bán ra đảm bảo đều là vé thật”. Nghe chúng tôi tỏ ý muốn mua 2 vé về Quảng Ngãi và Quảng Bình (ga Đồng Hới) trong các ngày từ 25 - 28 tháng chạp, người này khẳng định có.
Chúng tôi thắc mắc: “Vé này có đi được không? Lúc nãy nhân viên nhà ga khẳng định đã hết vé, trên website bán vé cũng đều kín chỗ. Chúng tôi còn hỏi mua vé những tuyến dài hơn mà nhân viên nhà ga vẫn khẳng định không còn vé, chỉ còn ghế phụ, thì làm sao chị có vé được?”, thì chị này cười trấn an: “Em ơi! Cứ một vé tuồn ra ngoài cho tụi chị thì nhân viên nhà ga đều được hưởng 50.000 đến 100.000 đồng, tội gì người ta bán vé cho em. Em cứ yên tâm, tụi chị làm ở đây cả chục năm, chỉ lấy tiền công để sống thôi. Nếu em đồng ý, thì đưa chị 2 CMND và ngồi đây 5 phút sau có người dẫn em vào trong quầy vé để xuất vé”.
Đúng 5 phút sau, chúng tôi được một người đàn ông khoảng 55 tuổi hướng dẫn mua vé đi trong ngày 28 tháng chạp để có giá mềm và thông báo 1.517.000 đồng/vé, kèm theo 250.000 đồng tiền “công” cho mỗi vé.
Tại cửa vé số 2, người đàn ông đưa thông tin của chúng tôi kèm theo phiếu đặt chỗ cho một nữ nhân viên đeo bảng tên N.T.Y, mặc đồng phục của ga, để xuất vé. Xong việc, người này xòe tay xin chúng tôi tiền “công” là 500.000 đồng. Nhận xong tiền của khách, người đàn ông này không quên cho chúng tôi số điện thoại và nói: “Nếu còn có nhu cầu mua vé, thì chỉ cần gọi một tiếng là sẽ có vé đi ngay”.
Sau khi nhận được vé từ “cò”, chúng tôi kiểm tra thông tin in trên vé. Theo đó, loại vé có mã là “81312xxx” và “8131xxxx”, Sài Gòn - Đồng Hới, ngày giờ khởi hành được nhân viên xác nhận: “Vé điện tử của bạn hoàn toàn hợp lệ”.

Nhiều câu hỏi lãnh đạo ga “không thể trả lời”

'Cò vé' nhan nhản khắp ga Sài Gòn
Cò vé nhan nhản ở sân ga Sài Gòn Ảnh: Trần Tiến
Trả lời những vấn đề liên quan đến “cò” vé hoạt động trong khuôn viên ga, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết “cò vé” sử dụng chiêu thức lên mạng tìm kiếm các vé trống rồi mua vào để đầu cơ; nếu khách cần sẽ bán ra rồi mua lại cho khách để ăn tiền công. Ông Văn nói, để tránh vấn đề “cò vé” đầu cơ trong dịp tết tại ga Sài Gòn, hệ thống phòng vé đã trả vé ngẫu nhiên và phải mất từ 1 - 8 giờ mới cập nhật lại.
“Nếu vậy, việc khách trả vé phải mất ít nhất 1 giờ để hệ thống cập nhật lại vé. Tại sao “cò mồi” lại mua vé liền trong 5 phút?”, chúng tôi hỏi. “Vấn đề này tôi không thể trả lời”, ông Văn nói.
Chúng tôi hỏi về việc có hay không nhân viên tại nhà ga tiếp tay cho cò mồi, ông Văn cũng từ chối trả lời vấn đề này.
Trả lời về việc giải quyết tình trạng “cò vé” lộng hành ở khu vực ga Sài Gòn, ông Văn nói: “Ga Sài Gòn và lực lượng Công an P.9 (Q.3) chịu trách nhiệm an ninh trật tự. Tuy nhiên, hiện nay chưa có biện pháp chế tài nên không thể xử lý dứt điểm tình trạng trên”.
Ông Văn cũng cho biết, chưa phát hiện tình trạng “cò mồi” lừa gạt khách hàng tại nhà ga. Để tránh trường hợp bị lừa gạt mua trúng vé giả và bị mất thêm tiền từ “cò mồi”, ông Văn khuyến cáo người dân không mua vé từ các đối tượng trung gian, “chợ đen”. Vé giả, vé không đúng thông tin, vé bị cạo sửa giá vé, ngày đi tàu… sẽ không có giá trị đi tàu. Người dân chỉ nên mua vé trực tiếp tại các ga hoặc đặt chỗ, mua vé qua website www.dsvn.vn và tại các điểm giao dịch, đại lý bán vé chính thức của ngành đường sắt.
Trần Tiến - Nguyễn Tiến
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.