Sáng 30.10, tiếp tục kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030" (gọi tắt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia).
Đại biểu Phạm Văn Hòa: 'Có vốn mà không được hoặc chậm đến tay người dân là có lỗi với dân'
Còn nặng thành tích để "bằng chị bằng em"
Nêu ý kiến tại phiên giám sát, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói, chương trình xây dựng nông thôn mới dù đạt nhiều kết quả, song bất cập là một số địa phương chưa ban hành tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Việc giải ngân chậm, vốn đối ứng cao gây khó khăn cho các tỉnh thu nhập thấp.
Cạnh đó, xã được công nhận nông thôn mới hoặc nâng cao chưa thật sự bền vững, còn nợ tiêu chí, có sự "du di" để đạt tiêu chí, còn nặng thành tích để "bằng chị bằng em", dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản đến nay chưa xử lý được.
Ông Hòa cũng phản ánh, cơ sở hạ tầng có dấu hiệu xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa, việc vận động xã hội hóa rất khó khăn cho tu bổ sửa chữa đường giao thông nông thôn vì người dân cho rằng đã vận động rồi thì việc nâng cấp tu sửa là việc của Nhà nước nên ít người tham gia.
Cũng theo ông Hòa, năng lực của cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới còn có những mặt hạn chế nhất định, lại luôn thay đổi do yêu cầu nhiệm vụ...
Từ những bất cập trên, ông Hòa cho rằng, việc chạy theo thành tích để đạt chuẩn nông thôn mới là điều cần phải tránh. "Các tiêu chí là phải đảm bảo khi nào đạt thì mới công nhận", ông Hòa nêu.
Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị cần phải giải quyết rốt ráo nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả vốn cho doanh nghiệp, ngân sách nhà nước. Tiếp tục vận động tu bổ các tuyến đường giao thông nông thôn đã xuống cấp, chưa có kinh phí duy tu nâng cấp.
Ông Hòa cũng kiến nghị khắc phục việc hướng dẫn phân bổ vốn T.Ư chậm. "Có vốn mà không phân bổ được hoặc chậm đến tay người dân là có lỗi với dân", ông Hòa nhấn mạnh và lưu ý, đối với các xã khu vực 2, 3 khi đạt chuẩn nông thôn mới thì không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội của Nhà nước. Do đó, nhiều nơi có biểu hiện chần chừ không muốn phấn đấu đạt chuẩn.
"Thậm chí, có xã đến ngưỡng rồi vẫn chần chừ. Đó là nghịch lý của từng chính sách và nhận thức của cán bộ đảng viên, người dân về lợi ích và thiệt hại khi xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cho nên, cần phải hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài của các xã này, để được sự đồng thuận cao", ông Hòa nói.
Có tình trạng "cù cưa" không muốn thoát nghèo
Với chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, ông Hòa cho rằng, qua giám sát đã phát hiện còn một số tồn tại hạn chế. Đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành T.Ư với địa phương có mặt chưa chặt chẽ, cần phải khắc phục để guồng máy hoạt động tốt.
Tình trạng giải ngân vốn ngân sách T.Ư và địa phương đạt rất thấp, dưới 50%. Thậm chí, có những dự án đạt dưới 10% là "chuyện dài nhiều tập", làm ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội.
Theo ông Hòa, cần có chỉ đạo quyết liệt để khắc phục, gắn với trách nhiệm, giữa các địa phương cũng có kết quả giải ngân khác nhau, trong khi có cùng một cơ chế, chính sách thời điểm phân bổ, giao vốn, điểm đáng quan tâm là rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở.
Cạnh đó, ông Hòa cho rằng, có tình trạng hộ nghèo, cận nghèo không muốn thoát nghèo, vì thoát nghèo thì không còn hưởng chính sách của Nhà nước nên cứ "cù cưa" mãi.
Việc vay vốn để phát triển sản xuất hoặc xây dựng sửa chữa nhà, con em học hành... nhiều đối tượng sử dụng sai mục đích, không có khả năng hoàn vốn, nên việc quay vòng vốn cho đối tượng khác vay là không thể, nên Nhà nước cứ phải bơm vốn mãi để đảm bảo an sinh xã hội. "Đó là thực trạng mà các địa phương đều có, chỉ là nhiều hay ít", ông Hòa nêu.
Từ đó, đại biểu Hòa kiến nghị việc giáo dục nhận thức, tuyên truyền là điều kiện cần, để mọi người có ý thức chung, cùng vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào chính sách an sinh xã hội, mới là thoát nghèo bền vững, hạn chế mức thấp nhất nguy cơ tái nghèo trong khi nguồn vốn của Nhà nước, nguồn vốn khác là hữu hạn.
Bình luận (0)