Sáng 16.10, tiếp tục phiên họp 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa kỳ về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có vấn đề cổ phần hóa.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp 6 hôm 23.10 tập trung nhiều hơn cho kế hoạch năm 2024. Theo đó, mục tiêu của năm 2024 là phải phấn đấu quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ để góp phần thực hiện cho cả nhiệm kỳ.
"Hoàn thành chỉ tiêu năm 2023 thì bây giờ khó rồi. Có 5 chỉ tiêu khó, trong đó có cả mấy chỉ tiêu về số lượng và cả chất lượng. Ngoài 2 chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội và tỷ lệ của công nghiệp chế biến, chế tạo, thì tốc độ tăng trưởng GDP cũng không đạt; GDP bình quân cũng không đạt; xuất nhập khẩu cũng không đạt", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Trong năm 2024, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn nhưng phải gắn với những vấn đề dài hạn.
"Chúng ta đang bàn về nhiệm vụ 5 năm và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là giai đoạn phù hợp nhất, vừa phải mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế... Nói ngắn hạn mà không nói đến những vấn đề về dài hạn như thế này thì không được", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Dẫn vấn đề điều hành chính sách tiền tệ mà Ủy ban Kinh tế cho rằng nhiều bất cập, nghịch lý, cần rút kinh nghiệm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, "chính sách tiền tệ nếu nhìn ngắn quá cũng không được".
"Một trong những trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế là tái cơ cấu thị trường tài chính, tiền tệ để nâng cao sức cạnh tranh, có thể chống được va đập của các cú sốc bên trong, bên ngoài. Đây là nhiệm vụ không thể nào không lưu tâm được, nhất là trong điều kiện nền kinh tế có độ mở lớn, thế giới thì biến động mạnh", Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng "phải chia sẻ với Chính phủ, các bộ, ngành chuyện này".
"Không khéo lại thành cơ chế xin cho"
Với các nhiệm vụ cụ thể trong 2 năm tới, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế, đề nghị Chính phủ khắc phục hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực như công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch; cổ phần hóa, thoái vốn…
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung tái cơ cấu DNNN, trong đó trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty. "Đề nghị phía Chính phủ các đồng chí rà soát lại xem có vướng mắc gì về nhận thức hay không mà cổ phần hóa trong thời gian gần đây hầu như không có tiến triển gì. Cũng có người nói bây giờ đang làm ăn có lãi việc gì phải cổ phần hóa, như thế lại trật với Nghị quyết 12 của T.Ư về cơ cấu lại DNNN", Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 12 của T.Ư nêu rõ cổ phần hóa cả những tập đoàn, tổng công ty đang làm ăn có hiệu quả nhưng Nhà nước không cần phải nắm giữ vốn. Với các DNNN về bia, sữa, Nhà nước đã giảm cổ phần đi rất nhiều, hiện chỉ nắm 36% cổ phần nhưng lại "to" hơn cả 100% trước đây, điển hình là Vinamilk và Sabeco…
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu không thúc đẩy cổ phần hóa các DNNN, sẽ rất khó thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, rất khó huy động vốn dài hạn. Cùng đó, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn có hàng trăm nghìn tỉ đồng thu từ cổ phần hóa, nên nếu không thực hiện sẽ không đủ tiền để đầu tư.
Về nhiệm vụ triển khai các quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện đã có quy hoạch nhưng không có kế hoạch triển khai, khiến việc triển khai đang tắc, địa phương nào cũng kêu, nhất là quy hoạch năng lượng tái tạo đang ghi trong quy hoạch rất chung chung.
"Kế hoạch triển khai quy hoạch là tổ chức nguồn lực, công tác vận hành để thực hiện quy hoạch hay lại một quy hoạch con nữa... Tôi mới đi tiếp xúc (tiếp xúc cử tri - PV) Hải Phòng về, địa phương nói bây giờ điện gió, năng lượng tái tạo chúng tôi không biết được bao nhiêu và có hay không nên chịu chết, không triển khai được. Mình chưa phân bổ việc này ra, mà không khéo lại thành cơ chế xin cho", Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị Chính phủ phải ban hành sớm kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, và "phải rất công khai, minh bạch".
Giải trình thêm vấn đề này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, cổ phần hóa cả nhiệm kỳ trước chỉ đạt 30% kế hoạch, và hiện gặp nhiều khó khăn như thủ tục xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị đất đai của doanh nghiệp cũng như khả năng hấp thụ vốn.
"Dựa trên khả năng hấp thụ vốn, Chính phủ sẽ triển khai với các bộ, ngành, các doanh nghiệp để làm sao thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng chủ trương cũng như pháp luật, hiệu quả, tránh thất thoát vốn của Nhà nước", ông Khái nêu.
Bình luận (0)