'Cỗ xe song mã' chống đại dịch

15/12/2021 04:27 GMT+7

Câu hỏi lớn về việc huy động tổng nguồn lực y tế tham gia chống đại dịch dần dần đã có những lời giải đáng được mong đợi.

Hôm 13.12, Sở Y tế TP.HCM có văn bản huy động hơn 6.500 nhà thuốc tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Trước đó là chủ trương cho phép bệnh viện tư, phòng khám tư tham gia xét nghiệm, điều trị Covid-19.

Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 thử thách năng lực của nền y tế ở mức cao nhất, vậy thì chiến lược huy động tổng lực y tế để ứng phó phải là một chiến lược then chốt. “Cỗ xe” y tế chống đại dịch phải được thiết lập động cơ “song mã”, với nguồn lực y tế công và y tế tư song hành. Rất tiếc, trong suốt thời gian đầu của cuộc chiến chống dịch, gần như chỉ có nguồn lực y tế công được huy động, và huy động tới mức kiệt lực. Những ngày này, tuyến y tế cơ sở xã phường đang lâm cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm”, xử lý từ những ca sơ cấp cứu cho đến hỗ trợ các trường hợp nhiễm Covid-19.

Với 64 bệnh viện, 215 phòng khám đa khoa, 6.223 phòng khám chuyên khoa và hơn 9.000 nhà thuốc, khu vực y tế tư nhân tại TP.HCM có thể bổ sung một nguồn lực đáng kể để “chia lửa” với y tế công. Chưa kể, trong một góc nhìn khác, việc chỉ cho phép y tế công điều trị Covid-19 không chỉ gây áp lực quá tải với y tế công mà còn vô tình hạn chế quyền của người dân trong tiếp cận y tế để chữa trị bệnh tật.

Thiết lập trạng thái bình thường mới không chỉ đơn giản là kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng dịch và tuân thủ quy tắc 5K. Rất nhiều đòi hỏi của trạng thái bình thường mới phải được thiết lập từ nhà quản lý, theo đó các khuôn khổ quản lý phải vừa đủ thông thoáng để trả lại cuộc sống và cơ hội sinh kế cho người dân, vừa phải đủ hiệu quả để ứng phó với các nguy cơ tiềm ẩn. Điều chỉnh chiến lược huy động nguồn lực y tế là một trong những giải pháp có thể đáp ứng đòi hỏi kép đó.

Chúng ta không tránh né để nói rằng, việc huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia chống dịch chắc chắn sẽ phát sinh một số vấn đề xã hội về chi phí điều trị, nhưng vấn đề đó xét cho cùng chẳng đáng gì so với chuyện có ý nghĩa hơn là tạo cơ hội tối đa để người dân tiếp cận hỗ trợ y tế trong trường hợp là F0.

Và để không xảy ra tình cảnh “cỗ xe” y tế chống dịch được gắn “song mã” nhưng mỗi “ngựa” chạy mỗi hướng thì việc tổ chức phân công trách nhiệm rõ ràng trong chuỗi hành động chống dịch sẽ là giải pháp. Cung ứng gói thuốc và vật dụng y tế cần thiết để điều trị F0 tại nhà tại sao chỉ là việc của 312 trạm y tế xã phường mà không thể là việc của hơn 6.500 hiệu thuốc? Tại sao một nguồn lực y tế gồm hàng nghìn bệnh viện, phòng khám lại vướng rào cản quản lý mà không thể tham gia chống dịch sớm hơn?...

Tháo gỡ rào cản nhận thức về ranh giới hành chính trong chống dịch, phá bỏ ranh giới công - tư để huy động mọi nguồn lực tham gia chống dịch Covid-19 là lời giải cho bài toán bình thường mới mà người dân rất mong đợi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.