Cỗ xe 'tam mã đặc khu' cần tư duy đột phá

24/05/2018 07:35 GMT+7

Theo các đại biểu Quốc hội, nếu không vượt qua được những suy nghĩ bó buộc, không có sự táo bạo, thoát khỏi tư duy cục bộ thì đặc khu kinh tế sẽ không thể trở thành “cỗ xe tam mã” cùng đầu tàu TP.HCM đưa VN bứt phá, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia khác.

Phiên thảo luận về dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (luật Đặc khu kinh tế) ngày 21.5 tại hội trường diễn ra sôi nổi với nhiều vấn đề nóng như: có nên cấp quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư lên đến 99 năm; việc trao quyền quá lớn cho Chủ tịch UBND đặc khu có dẫn tới lạm quyền, lợi ích nhóm…
Chỉ nên thí điểm 1 đặc khu ?
Đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) lo ngại, chủ trương đầu tư đặc khu nếu không tính toán kỹ sẽ đi vào vết xe đổ khi nhiều nước thất bại, thậm chí trở thành thảm họa do khâu tổ chức thực hiện. Theo ông Nghĩa, việc dành ra hàng ngàn ki lô mét bờ biển, đầu tư hàng trăm ngàn tỉ đồng vào đường sá trước kia, nay lại phải đầu tư thêm 1,5 triệu tỉ đồng nữa thì liệu rằng ngân sách có kham nổi.
Việc cấp đất lên tới 99 năm và các vấn đề an ninh quốc phòng được ông Nghĩa đặt ra: “Cần phải quy định tiêu chí và quy trình rà soát chặt chẽ đối với nhà đầu tư chiến lược, vì dự luật dành cho họ những ưu đãi khá dễ dãi và quyền hạn quá lớn”.
Để có những bước đi thận trọng hơn, ông Nghĩa đề xuất trước mắt làm theo lộ trình chỉ thành lập 1 đặc khu và có cơ chế kiểm soát quyền lực, trách nhiệm, nhóm lợi ích cho thật tốt.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đưa ra những phản biện trên tinh thần đổi mới khi cho rằng, VN không còn nhiều thời gian để trở thành quốc gia thịnh vượng khi dân số vàng và nhiều cơ hội đã trôi qua. Vì thế, những đột phá để đổi mới tinh thần táo bạo, dám nghĩ, dám làm là điều cấp thiết để giảm những nguy cơ đang từng ngày hiển hiện trong tương lai gần. Dự luật lần này lại một lần nữa cần sự táo bạo trong tư duy để tiếp tục đổi mới đất nước.
Ông Nhân cho rằng, dường như vẫn còn mâu thuẫn trong chính bản thân của nhiều người, bởi một mặt mong muốn kinh tế đặc khu sẽ mang một hình hài mới và vượt trội so với phần còn lại. Mặt khác, bộ máy để điều hành kinh tế đặc khu lại vẫn để dáng dấp của mô hình hiện tại. Sự mâu thuẫn này khó có thể phát huy hết hiệu lực, hiệu quả của một đặc khu như kỳ vọng. “Chúng ta đã từng bước qua tư duy cục bộ địa phương khi đồng lòng thông qua nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách đặc khu phát triển TP.HCM, tôi tin rằng tinh thần ấy vẫn còn nhiều lắng đọng… Ba con tàu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được kết nối vào đoàn tàu TP.HCM như thế nào tùy thuộc vào tư duy và mức độ tinh thần cải cách đổi mới của tất cả chúng ta. TP.HCM xem như đã có thể đi nhanh được một mình nhưng để đi xa và đi đến thành công chung của nền kinh tế đất nước thì chúng ta hãy để Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được đi cùng nhau”, ĐB Nhân đề xuất.
Môi trường, thủ tục đầu tư mới là mấu chốt
ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) phân tích, chính sách ưu đãi chưa phải yếu tố mang tính quyết định mà môi trường đầu tư thông thoáng, thiết kế bộ máy hoạt động có chất lượng, hiệu quả, thủ tục hành chính nhanh gọn, đảm bảo tính cạnh tranh mới là quan trọng hơn. “Tôi đồng tình với phương án chính quyền đặc khu chỉ có 1 văn phòng giúp việc chung cho HĐND và UBND. Qua tiếp xúc, nhiều nhà đầu tư mong muốn khi đã có đặc khu hành chính kinh tế rồi, với những ngành nghề ưu đãi cụ thể thì từ khi tìm hiểu dự án, làm thủ tục thực hiện dự án đến khi triển khai xây dựng dự án, nhà đầu tư không phải đi làm thủ tục ở nhiều nơi, nhiều cấp mà chỉ liên hệ 1 nơi, đó là chính quyền đặc khu”, ĐB Tuấn nêu ý kiến.
ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cũng khẳng định, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh hiện nay nhà đầu tư trong và ngoài nước đang rất quan tâm. “Đơn cử như trường hợp trong dự thảo luật quy định cấp giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp nộp hồ sơ đến trung tâm hành chính công trong 15 ngày. Nhưng từ trung tâm hành chính công đến Chủ tịch đặc khu lại chưa quy định, tạo một khoảng trống và như vậy không có thời hạn. Vì vậy, tôi đề nghị rà soát kỹ lại nội dung, không tạo khoảng trống”, ĐB Thân dẫn ví dụ.
"Nóng" chuyện cấp đất 99 năm
Đối với việc cấp quyền sử dụng đất ở đặc khu cho nhà đầu tư chiến lược lên tới 99 năm, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, khi đặt ra vấn đề về thời lượng 99 năm được coi như một ưu thế vượt trội cho đặc khu. “99 năm thì tôi nghĩ những nhà đầu tư công nghệ cao ở thời đại 4.0 này họ không cần đến thời gian. Chỉ có các nhà đầu tư hoặc đầu cơ bất động sản thôi. Tôi rất tán đồng có điều khoản này nhưng hết sức thận trọng chứ nếu không nó sẽ trở thành nơi di dân mà thôi”.
Tuy nhiên, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng không nên quá lo ngại. “Ở đây phải nhận thức thuê đất 99 năm không giống như tô nhượng của Hồng Kông và Macau đối với toàn bộ lãnh thổ mà đây chúng ta chỉ xem xét vào một số các dự án cụ thể. Dự án này phải được xem xét hết sức cẩn thận, lựa chọn những nhà đầu tư thông minh và những nhà đầu tư có tiềm năng, chứ còn chúng ta không thể kiểm soát để mà chúng ta mất đất, tôi cho rằng không cần phải lo lắng về câu chuyện đó, tôi rất yên tâm về chuyện này”, ĐB Nhưỡng bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề thu hồi đất, theo ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), tại khoản 5, điều 32 dự thảo luật đã quy định 3 trường hợp Chủ tịch UBND đặc khu quyết định việc thu hồi đất để thực hiện dự án vì lợi ích quốc gia cộng đồng là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương, dự án do Thủ tướng chấp thuận quyết định gồm: dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chức năng, dự án đầu tư có sử dụng đất trong khu chức năng để thực hiện quy hoạch đặc khu và dự án được HĐND đặc khu chấp thuận việc thu hồi đất. Qua phân tích, ĐB Phúc đề nghị việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia cộng đồng nên điều chỉnh theo hướng căn cứ quy hoạch sử dụng đất đặc khu được Thủ tướng phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất của dự án đầu tư, Chủ tịch UBND đặc khu thực hiện thu hồi đất, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và giải quyết nhu cầu chính đáng của người bị thu hồi đất để giao đất cho thuê đất đối với từng dự án.
Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh dự kiến đạt 56%
Chính phủ vừa gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) báo cáo về tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4, QH khóa 14 thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan của Chính phủ. Theo đó, trong nội dung trả lời các kiến nghị về phòng chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra, Chính phủ cho hay nạn nhũng nhiễu người dân khi thực hiện một số thủ tục hành chính có xu hướng giảm. Cụ thể, hiện tượng phải đưa “lót tay” để xin việc trong cơ quan nhà nước giảm từ 54% năm 2016 về 48% trong năm 2017. Tình trạng chi thêm tiền để được quan tâm khám chữa bệnh giảm từ 39% xuống còn 36%.
Theo báo cáo, các cơ quan nêu trên cũng đã tiến hành kiểm tra việc triển khai quy định của pháp luật về công khai minh bạch tại 5.606 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã phát hiện 88 đơn vị có vi phạm. Qua thanh tra đã phát hiện 87 vụ việc, với 123 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 70% số vụ việc, 45% số người so với năm 2016).
Về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, từ tháng 7.2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành 18 nghị quyết, đơn giản hóa 1.066 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại 316 văn bản quy phạm pháp luật. Trong 2 năm 2017 - 2018, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cắt giảm 423/638 sản phẩm, mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, 757 điều kiện kinh doanh và có phương án cắt giảm, đơn giản hóa 2.502 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm lên 3.259/5.786 điều kiện kinh doanh (con số cắt giảm, đơn giản hóa dự kiến đạt 56%).
Chính phủ cũng vừa có báo cáo gửi QH về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công năm 2017, kế hoạch năm 2018. Theo đó, tại thời điểm 31.12.2017, tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia là 2,451 triệu tỉ đồng, bằng 49% GDP. “Chỉ số này nằm trong giới hạn được QH cho phép (nhỏ hơn 50% GDP). Tuy nhiên, chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia có xu hướng tăng so với năm 2016 và tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài của quốc gia được QH phê duyệt”, báo cáo cho hay. Nguyên nhân chủ yếu, theo Chính phủ là quy mô vay nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo hình thức tự vay tự trả tăng nhanh. Theo đó, tốc độ tăng dư nợ của các khoản vay trung và dài hạn là 22,56%, của các khoản vay ngắn hạn là 73% so với năm 2016.
Về nợ công, thống kê cho thấy, đến hết năm 2017, Chính phủ nợ hơn 3 triệu tỉ đồng, bằng 61,37% GDP. Dù con số tuyệt đối cao hơn đầu năm 2017 (lúc đó là 2,86 triệu tỉ đồng) nhưng so với tỷ lệ trên GDP thì lại giảm (nợ công/GDP hồi đầu năm 2017 là 63,7%) là do quy mô GDP đã tăng từ 4,5 triệu tỉ đồng (hồi đầu năm) lên hơn 5 triệu tỉ đồng khi kết thúc năm 2017. Trong đó, nợ Chính phủ là 2,59 triệu tỉ đồng (chiếm 84,37%), nợ được Chính phủ bảo lãnh là trên 450.000 tỉ (14,66%) và nợ chính quyền địa phương hơn 66.000 tỉ đồng (0,97%).
Về kế hoạch trả nợ, báo cáo cho biết, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong năm 2018 khoảng hơn 275.000 tỉ đồng, gồm trả nợ trong nước gần 217.000 tỉ đồng và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trực tiếp của ngân sách T.Ư là trên 40.000 tỉ đồng. Chính phủ dự tính bố trí trong cân đối ngân sách T.Ư để trả lãi 110.000 tỉ đồng, vay mới để trả nợ gốc khoảng 146.770 tỉ đồng. Còn Quỹ Tích lũy trả nợ và các đơn vị nhận vay lại trực tiếp thực hiện trả nợ đối với các khoản vay về cho vay lại khoảng 18.560 tỉ đồng.
Chí Hiếu
Thị trường bất động sản nơi được chọn thành đặc khu diễn biến khá phức tạp
Chiều 23.5, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết gần đây, thị trường bất động sản có nhiều biến động về mua bán chuyển nhượng đất nền vùng ven các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... Đặc biệt là thị trường bất động sản tại 3 địa phương được chọn phát triển thành đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) có diễn biến khá phức tạp. Chính phủ đã chỉ đạo giao chính quyền các địa phương nêu trên có biện pháp kiên quyết kiểm soát tình hình. Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương nắm bắt tình hình và báo cáo.
Ông Ninh cũng cho hay, rất khó để đánh giá được thị trường bất động sản, nhất là ở những khu vực được chọn phát triển thành đặc khu kinh tế có xảy ra vỡ bong bóng hay không. Hiện Chính phủ giao Bộ Xây dựng lập đề án đánh giá thị trường bất động sản, dự kiến Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng vào tháng 3.2019.
Lê Quân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.