Làm gì để chấn chỉnh 'cò xếp lốt' bệnh viện?

05/09/2024 13:44 GMT+7

Chỉ cần bỏ số tiền từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng để mua số thứ tự từ 'cò xếp lốt' là bệnh nhân có ngay phiếu khám tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (H.Thanh Trì, Hà Nội), thay vì vạ vật xếp hàng từ tờ mờ sáng đợi đến lượt theo quy định.

Làm gì để chấn chỉnh 'cò xếp lốt' bệnh viện?- Ảnh 1.

Bệnh viện K cơ sở Tân Triều

ẢNH: ĐÌNH HUY

Bán "lốt" 50.000/vé để… "ban phúc"

Là bệnh viện tuyến cuối điều trị ung thư, mỗi ngày, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đón nhận hàng nghìn người từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước đổ về khám, chữa bệnh. Từ tờ mờ sáng, hàng trăm người dân đã có mặt xếp hàng lấy số thứ tự khám bệnh trước sảnh bệnh viện.

Càng về sau, các khu vực làm thủ tục khám bệnh theo bảo hiểm y tế, khám dịch vụ và khám theo yêu cầu đều chật kín người bệnh. Khuôn mặt ai cũng tỏ ra mệt mỏi, có người chợp mắt tạm trên ghế hoặc một góc nào đó trong bệnh viện cho lại sức.

Làm gì để chấn chỉnh 'cò xếp lốt' bệnh viện?- Ảnh 2.

Từ 5 giờ sáng, Bệnh viện K đã tiếp đón rất đông người đến khám bệnh

ẢNH: ĐÌNH HUY

Nắm bắt tâm lý chờ đợi mệt mỏi của người bệnh, nhiều "cò" đã sử dụng mánh khóe lấy số thứ tự rồi bán lại kiếm lời.

Trong vai người có nhu cầu khám bệnh tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều vào sáng 27.8, phóng viên (PV) đã được một người phụ nữ trung niên giới thiệu tên là T. chào mời "mua vé khám nhanh" ngay trước cổng bệnh viện. Khi PV hỏi "vé khám nhanh là gì" thì người phụ nữ này giơ mẩu giấy thể hiện số thứ tự 83 rồi giải thích có phiếu này thì 7 giờ là đến lượt vào khám. Giá mua số thứ tự là 50.000 đồng.

Không chỉ "bán lốt", bà T. còn tỏ ra rất hiểu biết về giờ khám của bác sĩ và hướng dẫn tận tình số thứ tự này sẽ đứng ở khu vực nào. "Khoảng 1 tiếng nữa là bác sĩ sẽ gọi đến 100 số, vé này đăng ký 2 cửa, 7 giờ sẽ đến lượt khám", bà T. nói.

Làm gì để chấn chỉnh 'cò xếp lốt' bệnh viện?- Ảnh 3.

Bà T. chèo kéo PV mua vé khám nhanh ngay trước cổng bệnh viện

ẢNH: ĐÌNH HUY

Khi thấy PV tỏ ra lưỡng lự, bà T. đổi giọng "có lấy không, tôi gọi người khác là họ lấy luôn, ra là không còn đâu. Yên tâm đi, tôi giúp bao nhiêu người rồi. Mấy đứa cháu tôi phải xếp hàng từ 3 giờ mới có vé này để bán", bà T. chèo kéo thêm.

Để tăng sự uy tín và giá trị của "vé khám nhanh", bà T. cho biết dù bản thân và người nhà xếp hàng từ sớm nhưng chỉ lấy giá 50.000 đồng/vé để "ban phúc" cho người bệnh. Nếu không mua của bà T. mà đi mua của người khác thì giá lên từ 150.000 - 200.000 đồng/vé.

Làm gì để chấn chỉnh 'cò xếp lốt' bệnh viện?- Ảnh 4.

Chiếc vé thứ tự mua của bà T. (bên phải) và chiếc vé của bệnh nhân khác khám bệnh (bên trái)

ẢNH: ĐÌNH HUY

Cầm số thứ tự mua của bà T. vào Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, PV được bảo vệ và bác sĩ hướng dẫn đến xếp hàng đăng ký mua sổ khám bệnh tại bàn tiếp đón cửa 18 và ứng phí khám với số tiền 2,1 triệu đồng. Và, ngạc nhiên hơn, thời gian đến lượt đăng ký cực kỳ chuẩn xác với khoảng thời gian mà bà T. đã chào trước đó.

Chỉ cần gọi điện, số thứ tự nào cũng có

Trong những ngày quan sát tiếp theo, PV nhận thấy địa bàn hoạt động của "cò xếp lốt" tên T. là quanh khu vực từ cổng bệnh viện đến các bãi gửi xe "lậu" trên đường Cầu Bươu. Trước những lời mời hấp dẫn, không ít người đã trả tiền để mua "vé khám nhanh" của bà T. Ngoài việc bán vé, bà T. còn gửi số điện thoại của mình cho người bệnh để chào mời thuê nhà trọ hoặc nếu có nhu cầu lấy số khám lại "chỉ cần alo từ tối hôm trước, số nào cũng có, dịch vụ khám như thế nào cũng được".

Làm gì để chấn chỉnh 'cò xếp lốt' bệnh viện?- Ảnh 5.
Làm gì để chấn chỉnh 'cò xếp lốt' bệnh viện?- Ảnh 6.

Bà T. (áo đen, mũ bảo hiểm đỏ) liên tục chạy quanh khu vực cổng bệnh viện để bán vé khám nhanh, không ít người đã bỏ tiền ra mua

ẢNH: ĐÌNH HUY

Và không chỉ mỗi bà T. hành nghề "cò xếp lốt", ngay cả người trông xe máy "lậu" trên vỉa hè trước cổng Bệnh viện K cơ sở Tân Triều cũng tranh thủ kiếm chác từ người bệnh có nhu cầu mua số thứ tự mà không cần phải xếp hàng.

Tiếp tục trong vai người có nhu cầu, PV được một người đàn ông giới thiệu tên là Đ., vừa trông xe trên vỉa hè đối diện Bệnh viện K cơ sở Tân Triều gợi ý: "Muốn lấy số thứ tự sớm, khám gì để tôi "xếp lốt". Giá khoảng 150.000 - 200.000 đồng và đúng 6 giờ ngày hôm sau phải có mặt ở đây. Tôi sẽ lấy số sớm để anh được khám đầu".

Khi PV đặt vấn đề muốn có số thứ tự bé nhất thì anh Đ. cho biết sẽ bốc số thứ tự từ 10 - 30 và cũng chỉ hơn 6 giờ là đến lượt khám. Tuy nhiên, giá là 200.000 đồng vì "rất đông người đợi".

Làm gì để chấn chỉnh 'cò xếp lốt' bệnh viện?- Ảnh 7.

Anh Đ., người trông xe trên vỉa hè đối diện Bệnh viện K cơ sở Tân Triều

ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG

Đúng như lời hẹn, sáng 29.8, PV gặp anh Đ. và nhận được vé có số thứ tự 13. Sau khi nhận vé, chúng tôi phát hiện anh Đ. vẫn còn vé để bán cho người khác. Tất nhiên, trước khi đi vào bệnh viện, anh Đ. vẫn không quên nhắn nhủ "số điện thoại có rồi, nếu sau này khám lại thì cứ nháy để được khám sớm".

Khoảng hơn 6 giờ ngày 29.8 tại Bệnh viện K, ngay khi bắt đầu giờ làm việc, y tá ở bệnh viện lập tức thông báo vé có số thứ tự 13 đăng ký khám và mua sổ ở lượt đầu tiên.

Làm gì để chấn chỉnh 'cò xếp lốt' bệnh viện?- Ảnh 8.

Chiếc vé thứ tự khám PV mua của anh Đ.

ẢNH: ĐÌNH HUY

Cứ như vậy, mỗi ngày, quanh khu vực Bệnh viện K cơ sở Tân Triều trở thành mảnh đất màu mỡ để "cò xếp lốt" hưởng lợi. Việc trà trộn vào dòng người xếp hàng mỗi sáng đã phần nào gây ra hệ lụy khiến nhiều người có mặt tại bệnh viện từ 5 giờ nhưng vẫn phải chờ đợi hàng trăm người đang xếp hàng mới đến lượt lấy số.

Với mỗi phiếu số thứ tự được sang tay theo cách này, đồng nghĩa với việc có bệnh nhân bị chen ngang khi đợi làm thủ tục tại bệnh viện này.

Trao đổi với PV Thanh Niên sáng 4.9, theo phân công của Giám đốc Bệnh viện K Lê Văn Quảng, PGS-TS Phùng Thị Huyền, trưởng Khoa nội 6, phụ trách Phòng Quản lý chất lượng cho biết, Bệnh viện K đã có thông báo trên website chính thức benhvienk.vn về triển khai đón tiếp bệnh nhân từ 6 giờ 15, và có các bàn khám sớm từ 6 giờ 30. Về hiện tượng mua bán số khám mà PV phản ánh, bác sĩ Huyền chia sẻ, nhiều tháng trước, bệnh viện cũng từng phát hiện nhóm người xếp hàng lấy số khám trước, sau đó bán lại số khám cho người đến khám thật.

"Bệnh viện đã chấn chỉnh và hiện hầu như không còn tình trạng này", bà Huyền thông tin.

Người nhà, bệnh nhân nói gì khi khám và điều trị tại bệnh viện K?

Trước đó, từ ngày 15.7 - 16.8, tài khoản TikTok của chị Đậu Thanh Tâm đã đăng tải nhiều video về Bệnh viện K có nội dung tố "bệnh nhân ung thư phải chi 200k để được xạ trị". Sau khi video được đăng tải, rất nhiều bạn đọc chia sẻ bản thân cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đồng thời đề nghị các cơ quan điều tra để làm rõ những tiêu cực tại bệnh viện này.

Làm gì để chấn chỉnh 'cò xếp lốt' bệnh viện?- Ảnh 9.

Người đàn ông quê Ninh Bình

ẢNH: ĐÌNH HUY

Một người đàn ông giấu tên quê Ninh Bình cho biết, ông chăm vợ mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều 2 năm nay, dù có bảo hiểm và con cái hỗ trợ nhưng vẫn phải vay ngân hàng để điều trị cho vợ với hy vọng vợ có thể khỏe mạnh trở lại.

"Vợ tôi mổ 2 lần và xạ 25 mũi. Xạ thì nhanh, mỗi ngày một lần, mỗi lần có 5 - 7 phút nhưng mình không có tiền, và máy móc hay hỏng nên mỗi tuần chỉ được 1 - 2 mũi, bác sĩ kéo giãn thời gian xạ của mình ra. Họ có tiền, mỗi lần đi xạ họ kẹp vào mỗi lần 200.000 - 500.000 đồng là sẽ được ưu tiên.

Mấy lần đầu, tôi cũng có kẹp tiền. Cứ trên khoa xuống phải kẹp 500.000 đồng, đầu tuần thì 200.000 đồng thì được nhanh hơn", người đàn ông nói. Người đàn ông này nhớ lại, có lần trên khoa xạ xem bệnh án để đưa xuống phòng xạ, nếu bác sĩ mở bệnh án ra bên trong không có gì thì có khi bệnh án bị vứt đi. Khi ông hỏi thì nhận được câu trả lời gắt gỏng "chưa đến lượt".

"Trường hợp của nhà tôi bị ở khoa xạ, còn khoa truyền hóa chất thì không có gì bất thường, tôi đã từng đưa nhưng bác sĩ không lấy. Đặc biệt khoa xạ, họ không từ gì, ít nhiều cầm hết, cứ kẹp vào hồ sơ, thấy là họ gọi luôn, không có thì cuối cùng mà hồ sơ rõ ràng trước mặt", ông nói tiếp.

Trong khi đó, một nữ bệnh nhân ở cổng Bệnh viện K chia sẻ, đã điều trị ở viện từ lâu nên hàng ngày ở trọ gần viện. Trong quá trình điều trị, người này đã có lần phải đợi hồ sơ 1 tháng vì không có "bồi dưỡng". Sau đó, nghe bệnh nhân khác truyền miệng, mỗi lần bà bồi dưỡng từ 500.000 - 1.000.000 đồng thì điều trị rất nhanh. Tính đến nay, đã mất khoảng 20 triệu đồng tiền "bồi dưỡng". Người phụ nữ cho biết thêm, sau ồn ào 200k trên mạng xã hội, bây giờ các bệnh nhân không bị gây khó khăn dù không bồi dưỡng bác sĩ.

Làm gì để chấn chỉnh 'cò xếp lốt' bệnh viện?- Ảnh 10.

Bệnh nhân, người nhà ở khu vực cổng Bệnh viện K

ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG

Liên quan đến Bệnh viện K, hồi tháng 5.2016, một bác sĩ và một nhân viên hộ lý Bệnh viện K (cơ sở 1, phố Quán Sứ, Hà Nội) đã bị kỷ luật sau khi bị bệnh nhân tố giác nhận tiền "cò mồi" với Bộ trưởng Bộ Y tế.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.