Coi chừng bị bệnh giữa mùa nắng nóng

24/03/2023 16:27 GMT+7

Nếu bạn trẻ phải lao động, di chuyển hay tập luyện thể thao thời gian dài dưới thời tiết nắng nóng mà không có các biện pháp bảo vệ sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Những ngày gần đây, mỗi sáng khi đi làm, Đặng Giang Anh (32 tuổi, ngụ đường số 3, P.Bình An, TP.Thủ Đức) bắt đầu cảm thấy rất khó chịu vì thời tiết chuyển mùa khá oi bức. Vì công việc phải di chuyển nhiều trên đường nên anh không tránh khỏi việc phơi mình giữa nắng nóng. Đôi khi điều này dẫn đến cơ thể anh bị mệt mỏi, mất nước, làm giảm đi khả năng làm việc trong ngày.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào hôm nay, 24.3, khu vực Hà Nội nhiệt độ thấp nhất 21-23 độ, cao nhất 33-35 độ. Có mây, ngày nắng, đêm không mưa, gió đông nam đến nam cấp 2-3. Khu vực Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ, cao nhất 35-38 độ, riêng vùng núi phía Tây có nơi trên 39 độ. Có mây, ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, riêng vùng núi phía Tây có nơi đặc biệt gay gắt; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió tây nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Coi chừng bị bệnh giữa mùa nắng nóng - Ảnh 1.

TP.HCM nắng oi ả vào giờ trưa

Nhật Thịnh

Còn tại Nam bộ có mây, ngày nắng, riêng miền Đông có nắng nóng, đêm không mưa. Gió đông đến đông nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ, nhiệt độ cao nhất 32-35 độ; riêng miền Đông 34-36 độ, có nơi trên 36 độ.

Bác sĩ Đỗ Sanh Hữu Tín, Bệnh viện TP.Mỹ Tho, Tiền Giang, cho biết thời gian gần đây, cũng là lúc thời tiết bắt đầu chuyển mùa. Khí hậu oi bức, nắng nóng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nắng nóng làm cơ thể tiết nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa.

Nếu trực tiếp tiếp xúc với nắng nóng quá lâu sẽ làm cơ thể tăng nhiệt quá mức hay còn gọi là sốc nhiệt. Biểu hiện thường xảy ra khi chơi thể thao, lao động, làm việc, di chuyển trong thời tiết quá nóng và ẩm ướt trong thời gian dài. Điều này dẫn đến cơ thể dễ bị ảnh hưởng thần kinh như: ảo giác, đau đầu, đi lại khó khăn, co giật, có thể hôn mê. Bên cạnh đó còn một số biểu hiện khác như: thở nhanh, nhịp tim nhanh, chuột rút hoặc yếu cơ, da nóng và ửng đỏ.

Nắng nóng cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các triệu chứng ngoài da bởi trong ánh sáng mặt trời có nhiều bức xạ cực tím. Đặc biệt từ khung 10 đến 14 giờ, cường độ các bức xạ này tăng cao gây ảnh hưởng đến da và mắt.

Nói về tác hại của ánh nắng với da, bác sĩ Tín chia sẻ nếu tiếp xúc với tia UV cường độ cao trong thời gian dài sẽ làm thay đổi cấu trúc da khiến da nhăn, thô và sạm, thay đổi sắc tố da, phổ biến nhất là tàn nhang, đồi mồi ở mặt, mu bàn tay, cánh tay, ngực, vai, lưng.

Ngoài ra, thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh tiêu đường tiêu hóa. Khi mới đi nắng về, nhiều bạn trẻ tìm cách giải nhiệt bằng tắm nước lạnh, quạt gió mạnh, hướng trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp cũng có thể làm cơ thể bị nhiễm lạnh, hội chứng đường hô hấp…

Coi chừng bị bệnh giữa mùa nắng nóng - Ảnh 2.

Bạn trẻ cần lưu ý sử dụng nhiều biện pháp chóng nắng khi ra đường

Đinh Huy

Cũng theo bác sĩ Tín để phòng bệnh mùa nắng nóng bạn trẻ đừng để cơ thể quá khô, uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động, đi lại và chơi thể thao ngoài trời. Nếu cảm thấy cơ thể bị mất nước nên uống bổ sung nước trái cây hoặc nước lọc, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

Hạn chế đi trực tiếp dưới nắng nóng quá lâu, nếu bắt buộc phải đi ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo kín, đeo kính, thoa kem chống nắng, khẩu trang, váy chống nắng. Đồng thời, không để nhiệt độ máy lạnh quá thấp, không để quạt gió thổi trực tiếp vào người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.