Coi chừng 'cái chết dịu êm' do đốt than sưởi trong nhà

19/03/2023 04:00 GMT+7

Người dân tuyệt đối không đốt củi, đốt than để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong nhà, trong không gian kín.

Trong khoảng 2 tuần gần đây xảy ra hỏa hoạn tại một số địa phương có nguyên nhân liên quan đốt than sưởi trong nhà. Không chỉ gây hỏa hoạn, đốt sưởi bằng than có thể gây ngạt, ngộ độc khí CO khiến nạn nhân bị biến chứng não gây liệt, mất trí nhớ, thậm chí tử vong.

Coi chừng 'cái chết dịu êm' do đốt than sưởi trong nhà - Ảnh 1.

TS-BS Nguyễn Trung Nguyên chỉ rõ tổn thương trên não bệnh nhân bị ngộ độc khí CO

BV Bạch Mai

Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từng cùng lúc tiếp nhận 3 người trong một gia đình nhập viện do ngộ độc khí CO, gồm mẹ (68 tuổi), con gái (26 tuổi) và cháu trai (7 tuổi). Gia đình đốt than tổ ong trong nhà để sưởi ấm do thời tiết Hà Nội khi ấy đang rét đậm. Qua xét nghiệm, cả ba người đều cho thấy nồng độ CO trong máu cao.

Một bệnh nhân 62 tuổi ở Thanh Hóa nhập viện trong tình trạng có biến chứng não, biểu hiện rối loạn tâm thần kinh. Đây là di chứng nặng nề của ngộ độc khí CO. Chồng của bệnh nhân này đã tử vong tại nhà khi xảy ra ngộ độc khí.

TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo: Người dân tuyệt đối không đốt củi, đốt than (than củi, than tổ ong…) để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong nhà, trong không gian kín, vì trong không gian kín việc đốt sưởi sẽ khiến ô xy tiêu hao dần, thay vào đó khí CO độc hại ngày càng tăng. Đốt cháy trong điều kiện thiếu ô xy sẽ hình thành CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào "cái chết dịu êm".

CẦN LÀM GÌ KHI PHÁT HIỆN NGƯỜI BỊ NGẠT KHÍ ?

Khi có người bị ngạt khí CO, cần nhanh chóng mở tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, lập tức đưa tới bệnh viện để cấp cứu và điều trị kịp thời. Người cấp cứu đồng thời nên gọi hỗ trợ, đề phòng trường hợp bị ảnh hưởng bởi khí độc. Trong quá trình đưa đến cơ sở y tế, nếu nạn nhân thở yếu, bất tỉnh thì phải tiến hành hà hơi thổi ngạt (hô hấp nhân tạo).

Giải thích thêm về khái niệm "cái chết dịu êm", chuyên gia cho biết: Bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi chúng ta hít phải, CO nhanh chóng ngấm vào máu và "cướp" mất ô xy trong máu, khiến nạn nhân khởi đầu có hiện tượng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu lả, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn. Nếu bị ngạt khí CO trong giấc ngủ thì có thể không nhận ra triệu chứng. Nếu hít phải lượng lớn khí CO, có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. Khoảng 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.