Như Thanh Niên thông tin, một trẻ 13 tuổi ở Hà Nội vừa phải điều trị cấp cứu do bị rắn độc cắn. Người nhà cho biết trước khi nhập viện 2 tuần, trẻ giấu gia đình tự đặt mua trên mạng rắn lục về nuôi tại nhà. Chiều 3.5, khi trẻ thay chuồng cho rắn thì bị cắn vào ngón tay trỏ. Lúc này gia đình mới tá hỏa biết trẻ nuôi 3 con rắn trong hộp và thậm chí giấu kỹ trong tủ quần áo. Gia đình lập tức đưa trẻ vào Bệnh viện Nhi T.Ư cấp cứu.
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu chống độc - Bệnh viện Nhi T.Ư điều trị cho trẻ bị rắn cắn |
VY HIẾU |
TS-BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu chống độc Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tỉnh nhưng mệt, bàn tay phải sưng nề, thâm tím và chảy máu ngón trỏ, đau nhức. Theo lời kể của bệnh nhi, rắn lục đuôi đỏ đã cắn vào ngón tay trỏ phải. “Con rắn mà cậu bé giữ làm vật nuôi là một trong những loài rắn cực độc”, BS Duy cho hay.
Thú chơi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ sự lo ngại, đồng thời lên tiếng cảnh báo thú chơi nguy hiểm này, vì hiện nay trào lưu nuôi thú cưng “quái dị” như rắn, bò cạp... đang dần trở nên phổ biến. “Hiện nay nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, có sở thích nuôi thú cưng là các con vật có màu sắc, hình dáng độc lạ, trong đó có nhiều sinh vật nguy hiểm như rắn độc... Tuy nhiên kiến thức về những loài này thì các em không có, cũng như chưa lường trước được các nguy hiểm mà chúng có thể gây ra. Điều này rất nguy hiểm vì hiểm họa tiềm ẩn từ các con thú cưng quái dị này là vô cùng lớn. Người lớn cần định hướng, giáo dục các em tuyệt đối không nuôi những loài nguy hiểm này”, BĐ Phúc Trần cảnh báo. Tương tự, BĐ Huy Nguyễn viết: “Biết là việc yêu động vật không có gì sai cả nhưng các bạn trẻ cần cân nhắc khi chọn nuôi, đặc biệt là những loài có khả năng gây nguy hiểm. Chúng ta đâu thể lường trước được điều gì và câu chuyện cậu bé này là một ví dụ điển hình. Coi chừng mang họa với thú chơi nuôi bò sát độc, lạ...”.
“Muốn nuôi thú cưng thì phải tìm hiểu, chọn loài nào có thể tương tác được với mình, mến chủ, giúp chủ, trung thành với chủ... Ai lại nuôi loài đe dọa sự sống cho chính bản thân và người xung quanh. Trẻ thiếu hiểu biết thì người lớn cần chủ động giáo dục, định hướng cho các em”, BĐ N.C.T góp ý. BĐ Minh Mai cũng nêu ý kiến: “Nhiều bạn trẻ có thời gian lên mạng đặt mua rắn về làm thú cưng thì cũng nên dành thời gian đọc xem nó có thật sự phù hợp khi nuôi ở nhà không. Sở thích có thể giữ, nhưng nếu sở thích đó gây nguy hiểm cho bản thân và cả người khác thì cần dẹp bỏ”.
Cha mẹ cần hướng dẫn cho con
Dưới góc độ chuyên môn, chuyên gia chống độc lưu ý, khác với chó, mèo, chim là những loài thú cưng quen thuộc, rắn có rất nhiều nguy cơ gây nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ tự mua rắn về nhà nuôi. Bên cạnh đó, rắn là loài ăn thịt sống, thường mắc các bệnh về ký sinh trùng như giun, sán, ve, các bệnh nấm da, nấm miệng rất dễ lây sang người nếu tiếp xúc với chúng hằng ngày. Thức ăn của rắn là thạch sùng, chuột… những động vật trung gian gây bệnh cho người như dịch hạch, vốn rất nguy hiểm với con người. Đặc biệt, trẻ khi nuôi những loài rắn có nọc độc như rắn lục đuôi đỏ có thể bị cắn gây nguy hiểm đến tính mạng.
Từ những nguy cơ trên, BS Duy khuyến cáo: “Các bậc cha mẹ cần thường xuyên quan tâm tới trẻ, giải thích cho trẻ hiểu và nhận thức rằng không nên nuôi rắn làm thú cưng trong nhà, nhằm tránh ảnh hưởng hay gây nguy hại đến sức khỏe người nuôi lẫn người thân của mình”.
Đồng tình với ý kiến của BS Duy, BĐ Quynh Mai cho rằng: “Phụ huynh phải quan sát, đồng hành cùng trẻ, phải là người nói cho con hiểu đâu là loài nên nuôi, đâu là loài nguy hiểm… Đừng để xảy ra chuyện đáng tiếc rồi ngồi than thở”. BĐ Trọng Tuyên cũng lưu ý: “Các bậc phụ huynh phải tìm hiểu, định hướng cho các bé biết đâu là loài nên và không nên nuôi; làm thế nào để đảm bảo an toàn cho bản thân mình và người xung quanh. Chứ để các em tự quyết thì dễ gây nguy hiểm cho bản thân”.
“Ngoài giáo dục trẻ nhỏ, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến nguồn cung. Không biết các đơn vị kinh doanh những loài động vật nguy hiểm này hoạt động thế nào và họ có quy định gì khi bán hàng hay không. Vì suy cho cùng, những loài này đều ẩn chứa sự nguy hiểm cho cả người nuôi và những người xung quanh. Rất mong các cơ quan chức năng lưu ý, tăng cường kiểm tra, giám sát. Theo tôi, cần cấm buôn bán rắn làm thú cưng”, BĐ Huỳnh Sang đề nghị.
* Cha mẹ phải dõi theo và đồng hành cùng con, định hướng cho con những điều nên và không nên. Tôn trọng sở thích của con là điều cần làm, nhưng những việc nguy hiểm thì phải kiên quyết ngăn chặn.
Hoàng Trang
* Tại sao biết rắn là động vật nguy hiểm mà người bán vẫn kinh doanh cho đối tượng trẻ em? Cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra và phạt nặng những địa điểm bán các loài vật gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Duy Võ
Bình luận (0)