Chỉ là cái nhọt bé tẹo, nhưng nếu chủ quan tùy tiện chích, đắp lá để 'tiêu' nhọt, nó có thể bị bội nhiễm, thậm chí mất mạng.
Nặn mụn cũng phải đúng cách, tránh nhiễm trùng - Ảnh: Shutterstock |
Các bác sĩ lưu ý, cần giữ vệ sinh, khô thoáng vùng bị nhọt, tuyệt đối không nặn mụn non hay đắp lá. Nên đi khám ở cơ sở y tế khi bị sưng tấy vùng nhọt, để được chỉ định dùng thuốc hoặc chích nặn đúng thời điểm với dụng cụ chích nhọt được vô khuẩn.
Trẻ chịu thương tật do sai lầm của người lớn
Mới đây Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, Hà Nội tiếp nhận bé trai 18 tháng tuổi (ở Hà Giang) nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng máu, hoại tử da do bố mẹ đắp lá chữa nhọt. Trước đó, bé bị sốt kèm theo mọc nhọt ở vùng mông trái. Nghe có người mách, mẹ bé lấy kim chọc vào nhọt cho vỡ, sau đó lấy cây dọc mùng cùng một số loại lá giã ra đắp cho con. Nhưng cái nhọt ngày càng sưng to, bé sốt cao, li bì nên gia đình đưa đến BV tỉnh và được chuyển tiếp về BV Nhi T.Ư. Theo bác sĩ Hoàng Hải Đức, Phó trưởng khoa Chỉnh hình nhi của BV, với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng ngay lập tức cháu bé được điều trị kháng sinh liều cao và rạch dẫn lưu mủ ở vùng mông. Tuy nhiên sau 2 ngày, da vùng mông và đùi trái của bé tiếp tục hoại tử, các bác sĩ buộc phải chỉ định mổ cắt lọc tổ chức hoại tử này. “Đây là một trường hợp nhiễm khuẩn phức tạp sau đắp lá dẫn đến tình trạng viêm nhiễm lan rộng, hoại tử da và các tổ chức phần mềm, gây nguy hiểm tính mạng”, bác sĩ Đức cho biết.
Trước trường hợp này, BV Nhi T.Ư cũng đã tiếp nhận các bé bị nhiễm trùng, áp xe do gia đình tự ý đắp lá cây hoặc đắp cao khi trẻ bị thương, bị nhọt. Có những bệnh nhi khi nhập viện phải cắt bỏ chi do biến chứng hoại tử nặng.
Có thể tử vong
Vừa qua, một bệnh nhân nữ (59 tuổi, ở Hà Nội) vào BV Bệnh nhiệt đới T.Ư trong tình trạng sốc nhiễm trùng huyết mà khởi đầu là một cái nhọt. Bản thân người này có bệnh đái tháo đường. Trước nhập viện, bệnh nhân có nhọt ở mông và chích nặn, sau đó nhọt sưng tấy. Sau 3 ngày sốt cao li bì, hôn mê, bệnh nhân được gia đình đưa vào cấp cứu tại BV Việt Đức. Kết quả chụp CT scanner đã phát hiện các ổ tổn thương ở gan, lách, não và được chuyển sang BV Bệnh nhiệt đới T.Ư nhưng lúc này đã trong tình trạng sốc nhiễm trùng nặng. Do tiên lượng xấu, không còn cơ hội cứu chữa nên gia đình xin cho bệnh nhân về.
BV Việt Đức cũng từng tiếp nhận bệnh nhân nam vào viện với hoại tử lan rộng vùng gáy và mang tai sau 10 ngày đắp lá “tiêu” nhọt. Các bác sĩ đã phải điều trị nhiễm khuẩn, phẫu thuật lấy bỏ các phần da hoại tử.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, các mụn nhọt thường do tụ cầu gây ra. Khi nhọt bị sưng tấy cần được điều trị bằng những kháng sinh phù hợp và việc chích nặn chỉ thực hiện khi đã hình thành rõ ổ mủ. Còn khi chích nặn non sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu. Nhiều trường hợp nhiễm trùng máu do chích, nặn mụn non đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí đã có trường hợp tử vong.
Những vết xây xước trên bề mặt da cũng có thể là cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập gây sưng tấy, mưng mủ, thậm chí xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết, suy đa tạng. “Chúng tôi từng điều trị bệnh nhân 13 tuổi bị nhiễm trùng huyết mà khởi đầu chỉ là vết ngứa, rồi có sưng tấy, sốt. Đợt điều trị cho ca bệnh này kéo dài đến gần hai tháng do bệnh nhi bị tấn công bởi vi khuẩn kháng thuốc”, TS Nguyễn Tiến Dũng, công tác tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ.
Bình luận (0)