Những câu chuyện buồn
Mới đây, khi nhậu cùng người quen trong dịp cuối năm, T.V.T. (36 tuổi, ở TP.Cần Thơ) đã xảy ra mâu thuẫn với bạn cùng bàn. T. bị người này đâm cây chĩa vào ngực dẫn đến thủng tim, đồng thời có dấu hiệu chèn ép tim cấp vô cùng nguy hiểm.
Trường hợp trên không phải hiếm mỗi dịp tết đến xuân về, khi các cuộc nhậu thường được tổ chức. Tất niên xóm, tổ chức nhậu. Gặp lại bạn bè sau một năm xa quê, cũng nhậu… Đủ lý do để bắt đầu cho những cuộc nhậu.
Huỳnh Thanh Bình (31 tuổi, ở xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), cho biết trong một dịp liên hoan xóm cách đây vài năm, chỉ vì hiềm khích, hai thành viên đã lao vào ẩu đả. Và sau đó, cả nhóm đều "mất tết". Hàng loạt thanh niên phải làm việc với công an để khai về vụ việc. Người bị đâm không qua khỏi. Còn người có hành vi tấn công nạn nhân sau đó bị kết án giết người. Câu chuyện này đến nay vẫn còn là nỗi ám ảnh với người dân địa phương mỗi dịp tết đến.
Đặng Trọng Nghi (33 tuổi), ngụ tại thị trấn Phú Túc, H.Krông Pa, tỉnh Gia Lai, kể: "Đã từng chứng kiến nhiều vụ việc liên quan đến những cuộc nhậu cuối năm và có cái kết rất buồn. Cãi vã, đánh nhau, tình bạn bè chấm dứt. Mà lý do đôi khi xuất phát từ những việc rất đơn giản. Như tranh giành micro để hát karaoke, chê giọng của người khác. Hoặc hỏi tiền lương cao không? Hay cho rằng bạn kém sang vì sử dụng điện thoại, xe máy ít tiền...".
Đây là điều cần lưu ý
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh Tuyết, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng năm nào cũng vậy, hễ đến dịp tết, những vụ ẩu đả xảy ra rất nhiều.
"Mà nguyên nhân chủ yếu vì sử dụng bia rượu. Khi ngà ngà say, chuyện nhỏ bỗng hóa thành to. Những câu nói tưởng chừng vu vơ có thể dẫn đến xung đột, lạm dụng bạo lực", bà Tuyết nói.
Theo bà Tuyết, để né được tình trạng này, mỗi người trẻ cần trang bị kỹ năng sống tốt. "Nghĩa là phải biết cách kiềm chế bản thân khi có người khác nói những điều không hay. Hãy chọn phương án hòa giải nhẹ nhàng thay vì dùng… nắm đấm. Nếu cảm thấy không thể tự chủ bản thân khi đã uống bia rượu, tuyệt đối đừng dùng", bà Tuyết khuyên.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Văn Việt (Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM) kể từng chứng kiến nhiều vụ việc đáng buồn. Khi mới bắt đầu cuộc liên hoan cuối năm, ai cũng tỉnh táo nên xưng hô lịch sự. Nhưng đến lúc đã uống được vài lon bia, ly rượu, lại thốt ra những câu chửi thề, hoạnh họe, chửi bới người khác vô cớ.
"Chính vì thế, tôi nghĩ mỗi người cần tỉnh táo để không rơi vào những hành vi mất kiểm soát. Ngoài ra, cũng cần nói không với tình trạng ép người khác uống", ông Việt nói.
Một lưu ý nữa theo ông Việt trong những cuộc gặp cuối năm, người trẻ nên khiêm tốn. "Đừng khoe khoang về bản thân một cách quá đà. Đừng "nổ" về tiền lương, thưởng tết. Cũng đừng "cà khịa", chê bai người khác. Và đừng hỏi đến những điều tế nhị như: mức lương, đã mua nhà, có vợ chưa, bao giờ lập gia đình?... Vì có thể từ những câu nói bông đùa sẽ vô tình khiến người khác khó chịu dẫn đến xích mích", ông Việt chia sẻ thêm.
Theo ông Việt, nhiều vụ việc sử dụng bạo lực để rồi "mất tết" từng xảy ra trong nhiều năm là bài học cho mỗi người. Qua đó, biết tự răn mình không rơi vào tình huống tương tự. Và những cuộc gặp cuối năm nhằm mục đích kết nối bạn bè, người quen sau một năm làm việc. Chính vì thế, tự mỗi người cần hướng đến việc tận hưởng tết vui.
Bình luận (0)