Đó là thông tin do bác sĩ Võ Triệu Đạt (Khoa Sản, Bệnh viện FV, TP.HCM) khuyến cáo tại buổi chia sẻ về chăm sóc sức khỏe sinh sản với phụ nữ ở TP.HCM hôm 14.12. Theo bác sĩ Đạt, đau bụng kinh là triệu chứng của hơn 50% phái nữ trước và trong lúc hành kinh. Đó là cơn đau thắt, khó chịu.
Trong đó, đau bụng kinh nguyên phát (chiếm phần lớn, đó là hiện tượng sinh lý bình thường, không liên quan đến bệnh lý khác), xuất hiện lúc 6-12 tháng từ khi bắt đầu có kinh nguyệt. Cơn đau này sẽ dần giảm đi khi thiếu nữ ngày càng lớn, hoặc sau sinh con.
Còn đau bụng kinh thứ phát (chỉ chiếm 10%), thời điểm đau có thể trễ hơn đau bụng kinh nguyên phát, thường sau tuổi 25. Cơn đau thường tăng lên theo thời gian; đau có thể xuất hiện vài ngày trước khi hành kinh và kéo dài hơn so với đau bụng kinh nguyên phát. Biểu hiện còn có thể đi kèm cơn đau là rong kinh, xuất huyết giữa chu kỳ, đau khi giao hợp...
Đau bụng kinh thứ phát có thể là triệu chứng tiềm ẩn của các bệnh lý phụ khoa như: lạc nội mạc tử cung; u xơ cổ tử cung; polyp cổ tử cung; u nang buồng trứng... Trong số này, bệnh lạc nội mạc tử cung là dễ gây nhầm lẫn với đau bụng kinh nhất (nó cũng khiến đau bụng dữ dội ở vùng chậu khi đến kỳ kinh).
Nội mạc tử cung là những lớp lót (mô) trong tử cung, khi nội mạc bong tróc chảy máu là kinh nguyệt. Bình thường nội mạc nằm trong tử cung và máu chảy ra ngoài khi đến kỳ kinh. Nếu các mảnh nội mạc tử cung di chuyển, phát triển bên ngoài tử cung, "đi lạc" đến những vị trí khác (buồng trứng, vòi trứng, ổ bụng...) bong tróc, chảy máu gây cơn đau lúc hành kinh. Bệnh này cần điều trị, vì có thể dẫn đến hiếm muộn, vô sinh...
Bình luận (0)