Xe trị giá vài chục triệu đồng chỉ bán lại vài triệu đồng
Anh Đỗ Thanh Trọng (26 tuổi), làm việc ở công ty may Việt Thắng, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết vừa bị lừa 3,5 triệu đồng.
Theo đó, khi lướt mạng xã hội Facebook, anh Trọng bị thu hút bởi bài đăng trên một nhóm hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP.HCM. Trong bài đăng, người viết tin rao bán những xe máy với lý do khách cầm đồ nhưng không chuộc và đã quá hạn.
"Tôi thấy họ rao bán những xe Wave, xe Air Blade, xe Vision với những mức giá thấp nên tò mò nhắn tin hỏi. Tôi muốn mua lại chiếc xe Vision vì để có xe đi làm, giá bán họ đưa ra lại rẻ, phù hợp với túi tiền", Trọng kể lại.
Trọng kể tiếp: "Họ đã... thao túng tâm lý tôi bằng cách cho biết có khá nhiều người liên hệ hỏi mua. Nên muốn "chốt' thì cần đặt cọc nửa số tiền mua xe. Tôi đồng ý, đã chuyển tiền vào tài khoản một người có tên Nguyễn Minh P., số tài khoản 1903...014 của Techcombank. Ngay sau khi chuyển khoản thành công 3,5 triệu đồng của 50% giá họ bán xe là 7 triệu đồng thì... họ chặn tài khoản Facebook tôi. Tôi không biết làm thế nào cả. Kể cho bạn bè, đồng nghiệp nghe, họ nói tôi đã bị lừa".
Trọng không phải là nạn nhân duy nhất của "chiêu" lừa mới mẻ này. Có những người trẻ thú thật vì muốn mua xe máy để "có cái mà di chuyển đi làm, đi học" đã sập bẫy lừa "xe xịn giá rẻ".
"Kẻ lừa chỉ có một chiêu duy nhất. Đó là rao bán các loại xe. Chúng đăng lên nhiều hội, nhóm Facebook để rao bán. Chúng cho rằng xe đầy đủ giấy tờ, cầm đồ của khách hàng nhưng đã đến lúc phải thanh lý để lấy lại vốn. Và trong một phút giây mất cảnh giác, vì sợ lỡ cơ hội mua "xe xịn" với "giá thấp" nên đã chuyển tiền đặt cọc theo yêu cầu. Và rồi... tiền đi không trở lại", Nguyễn Thành Tú (34 tuổi), nhà ở hẻm 138 đường Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết.
Bản thân Tú đã bị lừa 2 triệu đồng vào ngày 20.3 vừa qua. "Tôi không hiểu sao mình lại "răm rắp" nghe lời kẻ lừa, chuyển khoản đặt cọc để mua lại chiếc xe Air Blade. Khi chuyển khoản xong, số điện thoại mà họ cho đã "ò í e", tài khoản Facebook mà chúng tôi nhắn tin qua lại khi hỏi về xe, về giá cả... cũng "bay màu". Khi đó mới sững sờ phát hiện mình đã bị lừa", Tú kể thêm.
Cũng theo một số nạn nhân, để tạo niềm tin cho người khác, khi trao đổi, kẻ lừa đã cho những địa chỉ trùng khớp với một số điểm cầm đồ khiến không ít người "tin sái cổ" rằng "người thật việc thật" và sẵn sàng chuyển tiền.
Phải cảnh giác!
Thực tế, bẫy lừa "xe xịn giá rẻ" là biến thể của chiêu lừa bán đồ giá trị với giá rẻ trước đây. Theo đó, các kẻ lừa rao bán những đồ vật giá trị với giá rẻ, để đánh vào tâm lý của những người có thu nhập thấp cũng như những người có nhu cầu sở hữu.
Cách đây không lâu, nhiều người trẻ đã từng ta thán khi mắc bẫy lừa, đã chuyển tiền đặt cọc với số tiền vài triệu đến cả chục triệu đồng để mua máy ảnh, máy tính xách tay... nhưng khi lệnh chuyển tiền hoàn tất cũng là lúc kẻ lừa đã "cao chạy xa bay".
Theo một cán bộ công an P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, khi trao đổi mua bán xe máy, máy tính xách tay, máy ảnh... trên mạng, cần giao dịch trực tiếp.
"Có nghĩa là cần phải gặp gỡ trực tiếp để mua bán theo kiểu tiền trao cháo múc. Tuyệt đối nói không với việc chuyển khoản đặt cọc. Bởi không thể biết người bán là ai, đừng vội tin vào những tài khoản trên Facebook. Dù tài khoản ấy có đăng nhiều hình ảnh, có cả số điện thoại, những bằng chứng cho thấy đã giao dịch nhiều lần với người khác... đi chăng nữa thì cũng tuyệt đối không tin. Hãy đến địa chỉ cụ thể để xem trực tiếp đồ vật muốn mua", vị cán bộ công an nói.
Cũng theo người này: "Đừng để kẻ xấu lợi dụng thao túng tâm lý bằng chiêu thức "hối thúc chuyển cọc", "vẽ vời" chuyện có nhiều người đang liên hệ mua, bắt buộc phải chuyển khoản để "giữ lại xe". Phải cảnh giác với những tin nhắn như thế. Đó là bẫy lừa!".
Ngoài ra, theo vị cán bộ công an này: "Khi mua xe nói riêng và những đồ vật có giá trị nói chung trên mạng xã hội, cần phải cẩn thận. Bởi vì có thể vướng vào hai trường hợp. Một là bị lừa tiền. Hai là có thể phạm tội mua, bán, sử dụng tài sản do trộm cắp, do vi phạm pháp luật mà có".
Bình luận (0)