Coi chừng uống 'rượu độc'

07/12/2020 06:08 GMT+7

Một số người, thường là nam giới, thích trong nhà có một vài bình rượu thuốc, với lý do trước là để bồi bổ sức khỏe , mỗi ngày lai rai 1 - 2 ly trong bữa ăn, sau là để trưng bày trong tủ cho đẹp.

Cũng có người không biết uống rượu hoặc uống ít nhưng ngâm rượu để chứng tỏ mình là người sành rượu. Nhưng cũng có không ít “ma men” ngâm theo lời đồn thổi, ai đồn cái gì bổ béo cũng mang đi ngâm. Ở thôn quê hay bắt gặp cảnh một số người ngâm con bổ củi, tắc kè, rắn, hải mã, củ sâm, đinh lăng… được cho là nam giới uống vào rất “sung”, “cường dương”. Họ tề tựu vài ba người, ban đầu uống 1 - 2 ly rồi vỗ đùi khen ngon, hiệu quả. Sau thì uống say túy lúy, quên cả đất trời.
Theo các chuyên gia, có tới 2/3 trong số 1.720 loại rượu được coi là bổ ở Việt Nam chưa được khoa học chứng minh tác dụng, chỉ là dân gian truyền miệng. Và cũng đã có nhiều người phải cấp cứu do uống rượu thuốc, rượu bổ như trường hợp uống rượu ba kích đến nỗi phải cấp cứu ở Hà Nội vào giữa tháng 11.2020.
Nói đến thuốc, thì phải uống đúng liều, đúng giờ giấc. Nên, nếu có thứ rượu gọi là rượu thuốc thì uống nhiều sẽ quá liều, có hại cho gan, thận chứ không phải nói bổ là uống bao nhiêu cũng được.
Mặt khác, chỉ có chuyên gia về đông y, hiểu biết về âm - dương trong cơ thể, thông qua bắt mạch, khám… mới có khả năng kê ra bài thuốc để ngâm với rượu. Một bài thuốc hài hòa âm - dương, phù hợp với cơ địa từng người và uống đủ liều lượng theo lời thầy thuốc.
Bài học nhãn tiền về ngộ độc rượu, về rối loạn cơ thể sau khi uống rượu thuốc đã có. Hãy tỉnh táo vì thường dịp cuối năm, việc mua bán, được mời uống “rượu thuốc” rất phổ biến. Đừng nên tùy tiện ai nói con gì bổ, cây gì bổ cũng tìm về ngâm, uống để rồi có ngày thiệt thân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.