Đó là lý do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) phát động cuộc thi sáng tạo nội dung số Gọi tôi là áo vú, diễn ra từ ngày 1.4 đến ngày 7.5.
Tháo gỡ mặc cảm đoạn nhũ
Chị Nguyễn Thuỷ Tiên, đồng sáng lập và điều hành BCNV tâm sự: Trong quá trình tìm kiếm sự hỗ trợ cho chị gái mình (là "chiến binh" Thương Sobey, sáng lập BCNV, đã chiến đấu kiên cường với căn bệnh ung thư vú và qua đời vào tháng 3.2015 - PV) cũng như tiếp xúc những bệnh nhân ung thư vú phải thực hiện phẫu thuật đoạn nhũ, chị Thuỷ Tiên từng chứng kiến nhiều chị em dùng khăn tay, khăn mặt, tất… nhét vào trong áo lót để giữ cho mình một "bộ ngực bình thường".
Trước tình cảnh đó, chị Tiên cho hay có người lựa chọn không mặc áo lót để không bị đau. Thực tế, họ cũng đau không kém khi phải nghe điều tiếng bóng gió, thắc mắc về bộ ngực của mình.
"Nhiều phụ nữ không bao giờ dám nói về việc đi mua đồ lót, chưa bao giờ tiết lộ cho ai biết họ mắc ung thư, huống chi phải đích thân đi tìm một sản phẩm áo vú mà phải chạm tới cả hai điều trên. Vì thế chúng tôi chợt nghĩ: Sẽ thế nào nhỉ nếu mọi người đều có thể cởi mở, vui vẻ và dễ chịu khi nói đến áo vú?", chị Thuỷ Tiên bộc bạch về ý tưởng ban đầu của cuộc thi Gọi tôi là áo vú.
Theo ban tổ chức, cuộc thi này nhằm khuyến khích cộng đồng cởi mở hơn khi chia sẻ về đồ lót và tháo gỡ những mặc cảm của những người trải qua phẫu thuật đoạn nhũ.
Ban giám khảo cuộc thi gồm travel blogger, tác giả sách Đinh Hằng; nhà báo, nhà hoạt động xã hội Đinh Đức Hoàng và đại sứ nón hồng Thảo Nhi Lê - Á hậu Miss Universe Vietnam. Á hậu Thảo Nhi Lê chia sẻ: "Là một nhà thiết kế, Nhi hiểu rằng những chiếc áo vú là phụ kiện không thể thiếu để tôn vinh đường cong phái đẹp. Nhi cũng hiểu rằng, có rất nhiều bạn trẻ, nhiều chị em còn e ngại khi nhắc đến vú, đến áo vú. Nhi hy vọng sân chơi này sẽ là nơi các bạn chia sẻ những góc nhìn, câu chuyện cá nhân và cùng tham gia xóa bỏ định kiến về vú, áo vú".
Khi gọi đúng tên...
Fanpage www.fb.com/Pinkmate.bra đang lan toả nhiều câu chuyện mang tính thực tế, truyền cảm hứng về chiếc áo vú. Các sản phẩm dự thi được thể hiện với những hình thức đa dạng như viết, vẽ, quay video...
Thông qua các bài dự thi, ban tổ chức mong muốn những người tham gia cùng góp tiếng nói, giúp xóa bỏ sự ngại ngần và thành kiến không đáng có khi nhắc đến áo vú. "Bởi chỉ khi dám gọi đúng tên, chúng ta mới có thể chủ động tìm hiểu, chăm sóc và phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường tại bộ phận quan trọng này của cơ thể: vú", đại diện ban tổ chức nhận định.
Trong bài viết có tựa đề "Vú thôi đừng ngại", thí sinh Trịnh Thị Thanh Thanh (MS #032, một bệnh nhân ung thư xoang hàm) thổ lộ năm nay cô 25 tuổi, nhưng chẳng mấy khi nhắc đến từ "vú" do ảnh hưởng bởi vô vàn định kiến xã hội áp lên phụ nữ. Theo đó, trong tâm trí của cô gái này, "vú" là một từ thô tục, gợi lên hình ảnh một bộ phận nhạy cảm, cần giấu đi. Những định kiến này dần được gỡ bỏ, khi Thanh có nhiều trải nghiệm hơn trong cuộc sống, đặc biệt là khi cô biết đến BCNV và thấu hiểu nỗi niềm những bệnh nhân ung thư vú phải đoạn nhũ...
Cuộc thi online Gọi tôi là áo vú diễn ra từ ngày 1.4 đến ngày 7.5, với tổng giải thưởng 40 triệu đồng. Theo ban tổ chức, thành phần tham gia rất đa dạng, từ học sinh THPT đến nhân viên văn phòng, bệnh nhân ung thư… Đăng ký cuộc thi, có thể truy cập: https://forms.gle/ycmGvxv4pu6fBBqT9 hoặc gửi bài dự thi về email: [email protected]. Hiện các bài dự thi được liên tục cập nhật tại fanpage www.fb.com/Pinkmate.bra. Tổng kết trao giải vào ngày 14.5 tại TP.HCM.
Có không ít thí sinh nam cũng tham gia cuộc thi Gọi tôi là áo vú. Bài dự thi (MS #041) với tựa đề "Thật xấu hổ quá, ông là con trai mà cũng phải mặc áo vú á?", phản ánh quan niệm sai lầm và phổ biến trong thực tế. Tác giả bài dự thi phân tích: "Ung thư vú - căn bệnh mà mỗi khi nhắc đến chúng ta thường mặc định rằng bệnh nhân sẽ là phụ nữ, nhưng chúng ta thật ra chẳng biết rằng ngay cả nam giới cũng có khả năng mắc phải ung thư vú. Bạn biết không, tỷ lệ nam giới mắc bệnh không cao, vì thế mà chúng ta thường phớt lờ đi sự thật này khiến cho nam giới chủ quan và không hề quan tâm đến việc phòng bệnh...".
Cũng theo tác giả, không chỉ đối diện với nhiều vấn đề phức tạp (như tâm lý của chính mình và người thân, chi phí điều trị), một số người nam phải mang áo vú dành cho bệnh nhân ung thư vú sau khi phẫu thuật đoạn nhũ để bảo vệ chính mình. Đứng trước những mũi tên trêu chọc ác ý "Chỉ có con gái mới cần mang áo vú thôi, con trai mà đeo làm gì trông ghê lắm", ý nghĩ muốn từ bỏ chữa bệnh len lỏi vào sâu trong tâm trí của họ, hình thành một quả bom nổ chậm có sức tàn phá mạnh nhất...
Không dừng lại ở việc nêu thực trạng, hầu hết các tác phẩm còn lan toả những thông điệp tích cực và hữu ích về cuộc thi Gọi tôi là áo vú, về phòng chống ung thư đến cộng đồng. Và còn nhiều điều thú vị nữa từ cuộc thi đang chờ bạn tham gia và khám phá!
Đã hỗ trợ hơn 2.600 bệnh nhân ung thư vú
Sau 10 năm được thành lập (2013 - 2023), với mục đích tăng cường phát hiện sớm ung thư vú và nâng cao chất lượng sống của người mắc ung thư vú tại Việt Nam, BCNV đã có hơn 5.000 thành viên, hỗ trợ hơn 2.600 bệnh nhân ung thư vú và thu hút sự tham gia của 35.000 người hiến tóc, góp quỹ và tình nguyện viên.
Chị Nguyễn Thủy Tiên, đồng sáng lập và điều hành BCNV là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (năm 2015), được Forbes Việt Nam bình chọn là Nhà hoạt động xã hội nổi bật dưới 30 tuổi (năm 2016), tác giả tự truyện Sống lần thứ 2. Năm 2017, Thủy Tiên nhận học bổng của Chính phủ Úc bậc thạc sĩ ngành phát triển quốc tế. Ngày 19.4 vừa qua, chị Nguyễn Thủy Tiên được Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Úc trao tặng Giải thưởng Cựu sinh viên Australia 2023 nhằm tôn vinh thành tựu của cựu sinh viên Việt Nam tiêu biểu có nhiều đóng góp trong quan hệ hai nước, nhân kỷ niệm 50 năm mối quan hệ Việt - Úc.
Bình luận (0)