Thật ra, chuyện đáng bàn hơn là tại sao những cuộc đấu giá đáng giá như thế mãi đến bây giờ các cơ quan chức năng nhà nước mới chịu làm. Hình thức bán đấu giá có nguồn gốc rất lâu đời và đã tồn tại trong nhiều nền văn hóa khác nhau.
Có bằng chứng cho thấy việc đấu giá đã diễn ra ngay cả trong các nền văn minh cổ đại như Babylon khoảng 500 năm trước Công nguyên. Trong lịch sử phương Tây, đấu giá đã trở nên phổ biến từ thời kỳ Trung cổ, đặc biệt là trong việc bán đấu giá hàng hóa và quyền sử dụng đất đai.
Ở nhiều nước trên thế giới, hình thức đấu giá cũng được chính quyền áp dụng để phân phối, phát hành một số dịch vụ, hàng hóa hoặc cơ hội đặc biệt cho công dân nào sẵn lòng trả tiền cao hơn để được nắm giữ. "Biển số đẹp" của xe cũng là một trong số đó. Ngoài ra, còn có những thứ có thể được chính quyền đem ra đấu giá như quyền khai thác tài nguyên, tần số phát thanh và truyền hình, bất động sản công, và cả nợ công nữa. Thậm chí, cơ hội lấy thương hiệu công ty đặt tên cho một sân vận động hoặc trung tâm triển lãm cũng được chào thầu đến các doanh nghiệp quan tâm như một cơ hội quảng bá thương hiệu....
Phía sau cách làm này là lối tư duy rất cởi mở và rất thực tế để tăng thu ngân sách nhà nước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có thể góp phần làm giảm áp lực chi tiêu ngân sách nhà nước. Chẳng hạn, khi một sân vận động thuộc tài sản công được đặt tên thương hiệu của một doanh nghiệp nào đó, một khoản thu đáng kể sẽ giúp bổ sung ngân sách duy tu, bảo dưỡng sân vận động đó thay vì phải dùng ngân sách nhà nước để thực hiện. Giảm bớt áp lực chi tiêu bằng ngân sách thì cũng là giảm bớt áp lực lên việc thu thuế của dân.
Một địa phương hấp dẫn về thị trường như TP.HCM thì có không ít những hạng mục có thể đem ra đấu giá để vừa giúp tăng cường thu ngân sách, vừa giúp cải thiện nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng dịch vụ công. Đấu thầu quảng cáo trên thân xe buýt chẳng hạn, từng có giai đoạn thành phố bỗng dưng cấm việc này. Nhìn rộng ra còn có những chuyện đang trong trạng thái "treo" chờ tư duy mở để được giải hạn cấm. Những chuyện như rạp chiếu phim cấm hoạt động sau 24 giờ, casino hạn chế cho người Việt vào,… tuy có thể có những lý do về an ninh trật tự để hạn chế. Nhưng có khi đó chỉ là hạn chế trên bề mặt, vô tình tạo ra khoảng trống đầy hấp lực cho những chiêu trò lén lút tổ chức còn tai hại hơn gấp nhiều lần.
Đừng để những chuyện lẽ ra rất bình thường như đấu giá biển số đẹp lại trở thành chuyện lạ khiến dân tình ngạc nhiên bàn tán. Chính quyền nên mạnh dạn hơn trong việc áp dụng cách nghĩ, cách làm cởi mở và minh bạch hơn như cách làm đấu giá biển số xe để đạt được nhiều mục tiêu hơn trong công tác quản lý nhà nước.
Bình luận (0)