Phổ biến đến mức, nếu nói về một dự án giao thông, một công trình thủy điện bất kỳ chúng ta dễ dàng nghe được những tiếng thở dài đại loại như "dự kiến là 5 năm nhưng nhanh lắm thì 7 - 8 năm mới xong" hay "thế nào mà chẳng cao su vài năm so với kế hoạch"...
Mỗi công trình chậm tiến độ lại đội vốn lên gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí gấp ba lần và cuối cùng ngân sách phải gánh chịu. Nhưng đội vốn chưa phải là thiệt hại lớn nhất của việc chậm tiến độ. Những hệ lụy của nó đến nền kinh tế còn lớn hơn rất nhiều. Đó là chi phí thời gian, chi phí cơ hội, chi phí vật chất mà doanh nghiệp, người dân phải trả thêm hay bị mất đi cho khoảng thời gian chậm trễ của những con đường, cây cầu cũng như rất nhiều dự án đầu tư công trên cả nước.
Đó là chưa kể những ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, làm ăn của người dân. Biết bao doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể mất cả nghề sinh nhai vì làm đường, sửa đường kéo dài năm này qua năm khác. Có thể nói, đội giá, chậm tiến độ đã và đang gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả đầu tư, là nguyên nhân gây ra lạm phát cao dẫn tới những bất ổn mà chúng ta phải đối phó suốt mấy năm qua.
Đáng nói là tình trạng này kéo dài nhiều năm qua và chưa hề có dấu hiệu giảm đi. Không quá lời khi nói, đội vốn, chậm tiến độ đã trở thành hội chứng, trở thành "truyền thống" của các dự án đầu tư công.
Tại sao tình trạng nguy hiểm này lại tràn lan như vậy? Câu trả lời là do chúng ta chưa quy trách nhiệm và có chế tài cụ thể cho những cá nhân, tổ chức gây ra tình trạng này. Hầu hết công trình chậm tiến độ, đội vốn ngàn tỉ, thậm chí chục ngàn tỉ thì chủ đầu tư lại đổ lỗi cho giải phóng mặt bằng, trượt giá, chi phí nguyên liệu gia tăng... mà lờ đi các nguyên nhân chủ quan như năng lực nhà thầu, thi công ì ạch.
Thậm chí không ít trường hợp cố tình kéo dài để tăng tổng vốn đầu tư như ở các dự án mà tổng thầu là Trung Quốc. Việc bỏ thầu thấp để lấy dự án sau đó cố tình kéo dài thời gian để tăng tổng vốn đầu tư của các nhà thầu Trung Quốc đã được mổ xẻ, phân tích rất nhiều nhưng không hiểu vì lý do gì, chúng ta vẫn liên tục dính "bẫy". Rồi trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư các dự án đầu tư công... Trách nhiệm của đơn vị trực tiếp ký hợp đồng khi không ràng buộc nhà thầu phải chịu trách nhiệm trong trường hợp dự án đội vốn mà cứ "trả" về cho ngân sách phải gánh...
Dự án này “cơi nới” vốn được thì tất nhiên sẽ có dự án khác làm theo; dự án này chậm trễ không bị chế tài sẽ tạo tiền lệ cho các dự án khác đủng đỉnh theo... Cả nền kinh tế bị kéo trì vì tình trạng chậm tiến độ và đội vốn. Quan trọng hơn, tình trạng này đang gây mất lòng tin cho người dân. Mỗi dự án được phê duyệt, chúng ta đều cam kết về tiến độ, chúng ta nói những lời "có cánh" về những lợi ích mà dự án mang lại cho người dân, cho đất nước. Thế nhưng thực tế lợi chưa thấy đâu chỉ thấy tiền thuế của dân đang bị lãng phí, bị thất thoát.
Chính vì vậy, kiểm soát và có chế tài thật nghiêm để hạn chế tối đa tình trạng chậm tiến độ rồi tìm cơ hội xin tăng vốn. Nếu không, vô hình trung chúng ta sẽ hợp thức hóa việc thất tín dây chuyền cho cả nền kinh tế mà trong đó, nghiêm trọng nhất là sự thất tín của chính quyền với người dân, những người đã đóng thuế, đã nhường đất, nhường vườn với niềm tin vào cam kết về lợi ích của các dự án đầu tư công.
Bình luận (0)