Mấu chốt nằm ở luật Đất đai 2024 có hiệu lực, cho phép sử dụng đất kết hợp đa mục đích, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các địa phương áp dụng, cho phép sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp để phát triển du lịch, dịch vụ.
Điều này đã "cởi trói" cho nhiều chủ rừng để làm đúng quy định pháp luật. Trước đây, họ không dám đầu tư trong khi nhu cầu du khách đến đèo Hải Vân rất lớn nhưng khu vực "thiên hạ đệ nhất hùng quan" này lại không có dịch vụ tương xứng.
Các chủ rừng nay có thể dựa trên lợi thế cảnh quan tự nhiên và diện tích canh tác có sẵn, kết hợp ẩm thực, đặc sản địa phương từ vườn rừng sạch, phát triển thêm dịch vụ cắm trại, dã ngoại, trekking, leo núi chinh phục địa hình.
Sau đề án, nhiều chủ rừng đã quan tâm đầu tư các tiện ích du lịch xanh, du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng và văn hóa truyền thống, chăm sóc sức khỏe, vườn thiền, kết hợp thể thao mạo hiểm, mua sắm, vui chơi giải trí tại khu vực đèo Hải Vân, khám phá sông Cu Đê bằng thuyền, tham quan các trang trại nông nghiệp công nghệ cao…
Đề án cũng định hướng các chủ rừng đầu tư các tiện ích bãi xe, nơi lễ tân, nhà vệ sinh… bằng vật liệu dễ tháo lắp, thân thiện môi trường, phù hợp cảnh quan và không lo bị giảm diện tích rừng. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức cho hộ kinh doanh về quản trị, marketing, kỹ năng giao tiếp, phục vụ và chăm sóc khách hàng, PCCC, an toàn thực phẩm…
Đề án không chỉ giải phóng nguồn lực đất đai khu vực đèo Hải Vân, mà còn mở ra nhiều bài học kinh nghiệm, có thể áp dụng cho nhiều nơi khác, với tinh thần tìm tòi lối ra, xóa bỏ tư duy "không quản được thì cấm" lâu nay, vốn kìm kẹp rất nhiều nguồn lực.
Hiệu quả của đề án không chỉ được nhà đầu tư đồng tình, ủng hộ, mà còn cổ vũ đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục mạnh dạn thí điểm, vận dụng những chính sách, cơ chế phù hợp phục vụ cho sự phát triển chung, vượt qua sức ì cũng như tình trạng ngại khó, sợ sai vốn là điểm nghẽn lớn nhất.
Bình luận (0)