Cơm chay Sài Gòn giá 0 đồng, người ly hương ăn bữa no: 30 phút hết vèo!

25/07/2019 13:28 GMT+7

Quán cơm chay lên thực đơn mỗi tuần, mỗi ngày nấu một món chính khác nhau và bán 150 suất cơm chỉ trong vòng 30 phút đồng hồ. Điều đặc biệt là mỗi suất cơm ở đây được bán với giá... 0 đồng.

Gần 7 tháng nay, quán cơm chay Diệu thường (246/4A, Hòa Hưng, Q.10, TP.HCM) trở thành địa chỉ quen thuộc đối với những người lao động nghèo ở khu vực quận 10, TP.HCM. Cứ khoảng 10 giờ 30 phút quán cơm nhỏ lại nhộn nhịp hẳn lên vì người dân lao động từ các nèo đường lại về đây để “mua” những suất cơm với giá 0 đồng.

Cơm chay mỗi ngày mỗi khác

Sau gần 1 tiếng đồng hồ đưa tận tay hơn 150 phần cơm cho người dân lao động, bà Nguyễn Hai (43 tuổi, ngụ H. Hóc Môn, TP.HCM), người trực tiếp nấu và quản lý tại quán mới rảnh tay ngồi tâm sự với chúng tôi.
Bà Hai cho biết quán cơm chay Diệu thường đã hoạt động được gần 7 tháng nay. Mỗi ngày quán bán 150 phần cơm cho những khách hàng quen thuộc chủ yếu là những người nhặt ve chai, bán vé số, xe ôm...
“Ngày nào tôi cũng bán hơn 150 phần cơm, 30 phút là hết sạch, 11 giờ mới mở mà hơn 10 giờ là các cô chú, anh chị em bán vé số, ve chai đễ đến xếp hàng chờ sẵn rồi. Đây là ngày thường nhé còn những ngày rằm nấu những món đặc biệt là lên tới 300 phần” bà Hai hồ hởi nói.

Cơm ở quán được thay đổi liên tục leo lịch đã lên sẵn, mỗi ngày bán một món để khách ăn đỡ ngán

Nói rồi bà Hai chỉ tay lên tấm bảng thực đơn trong tuần được viết bằng bút lông cẩn thận, nói: “Đây là thực đơn trong tuần được lên sẵn, mỗi ngày nấu một món, thực đơn thay đổi liên tục, còn những ngày như rằm hay lễ là sẽ làm một số món đặc biệt như cơm chiên, bún,...”.
Bà Hai cũng tâm sự thêm, ý tưởng nấu mỗi ngày một món được đề xuất để những người khó khăn ăn cơm chay của quán thường xuyên không bị ngán. Đó cũng là lý do mà thực đơn hàng tuần được lên kỹ càng.

Cứ khoảng hơn 10 giờ, khách hàng quen thuộc của quán là những người bán vé số, xe ôm,…đã đến xếp hàng nhận cơm.

“Bây giờ mình chỉ nghĩ ngày nào cũng ăn một loại thịt, một loại rau thì làm sao mà chịu được. Mọi người ăn cơm chay cũng thế, có những người họ khó khăn nên ăn thường xuyên thì mình cũng phải đổi các món cho dễ ăn. T thìhi thoảng nấu thêm mấy món nước hoặc cơm chiên để thay đổi, không phải cứ miễn phí là thế nào cũng được”, bà Hai chia sẻ.
Là "khách ruột” của quán 3 tháng nay, ông Đào Văn Tư (60 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) chia sẻ: “Sáng nào tôi cũng đi bán vé số ở khắp khu vực quận 10 này nhưng canh giờ chuẩn bị có cơm thì bán gần gần lại đây để nhận. Những người nghèo như chúng tôi chỉ cần no bụng là được, ở quán này vừa miễn phí lại vừa ngon nên đến suốt”.

‘Tình thương không miễn phí, nó vô giá’

Quán cơm chay bán mỗi ngày một món giá 0 đồng cho người nghèo

Công tác chuẩn bị đang gấp rút để phục vụ 150 phần cơm cho khách hàng.

Vừa thu xếp công việc ở công ty, anh Nguyễn Văn Điệp (41 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) trưởng nhóm quán cơm chay Diệu thường” và chị Huyền Trân (41 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) tranh thủ giờ nghỉ trưa ít ỏi chạy về xem công việc của quán cơm.
Anh Điệp cho biết, quán cơm chay được anh và những người bạn cùng có sở thích làm thiện nguyện của mình lập ra. “Ngày xưa khi chưa mở quán cơm chúng tôi thường đến các bệnh viên để trao cơm hoặc những phần quà nhỏ cho người nhà bệnh nhân. Sau này mới nảy ra ý tưởng tại sao mình không làm một cái gì đó cố định để người ta tới ăn mỗi ngày”.
Từ ý tưởng đó, quán cơm chay Diệu thường giá 0 đồng được thành lập nên. Giải thích về cái tên “Diệu thường”, chị Huyền Trân chia sẻ: “Tên Diệu thường là do anh Điệp đặt, nó có nghĩa là một cái gì đó thật đơn giản thôi, như việc làm của tụi mình vậy. Mình thích chữ “0 đồng” thay chữ “miễn phí” vì tụi mình coi như đang bán cho các cô chú chứ không phải kiểu ban phát. Mình chỉ muốn san sẻ yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn hơn, tình thương không miễn phí, nó là vô giá”.
Quán cơm chay bán mỗi ngày một món giá 0 đồng cho người nghèo

Nhiều lần quán được các bạn sinh viên tình nguyện hoặc học sinh các trường THPT trên địa bàn đến giúp chuẩn bị đồ ăn như một buổi học kỹ năng cho các bạn.

Anh Điệp và chị Trân cũng cho biết việc mở một quán cơm chay giá “0 đồng” không hề dễ dàng. Ngoài vẫn đề về tài chính thì nhân lực và kế hoạch để duy trì quán cơm được cũng là vẫn đề khó khăn. Chính vì vậy, mỗi tháng tất cả thành viên trong nhóm đều ngồi lại để bàn kế hoạch, tổng kết thu chi rõ ràng.“Tụi mình xác định đây là công việc nghiêm túc nên mọi sổ sách, kế hoạch được bàn rất cẩn thận. Bởi vì tụi mình muốn duy trì lâu dài chứ không giống kiểu tự phát rồi lại chóng nở tối tàn”, anh Điệp nói.
Trải qua nhiều khó khăn thành viên trong nhóm thiện nguyện của anh Điệp chỉ có tăng mà không có giảm. Cái được lớn nhất của nhóm thiện nguyện là kết nói yêu thương và trao tận tay đến những người cần sự. “Nhìn những cô chú vui cười tươi rói khi nhận cơm hay đơn giản một lời cảm ơn cũng đủ để nhóm có thêm động lực để giúp một phần nào đó cho người lao đông nghèo”.
Vừa nhận hộp cơm nóng hổi trên tay, bà Nguyễn thị Út (73 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) cười tươi rói, bà nói: “Quý lắm cô ạ, từ ngày được cô bán vé số kia chỉ ngày nào tôi cũng qua nhận cơm, thế nên buổi trưa không bao giờ sợ đói. Chúng tôi không có tiền nên chẳng giúp gì lại được quán, chỉ còn cách nhận hộp cơm thì ăn hết không bỏ phí coi như cảm ơn đến cô Hai, đến các cháu vậy thôi”.
Cũng là một khách quen của quán, bà Trần Thị Thêu (60 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) chia sẻ: “Sáng giờ lượm ve chai ở tít đường Nguyễn Đình Chiểu mà đến giờ cơm nên tôi đạp ngược trở lại đây. Cơm miễn phí mà lại ngon nên tôi ăn suốt, có nhiều hôm lượm ve chai về thì hết cơm, bà chủ kêu mai ghé sớm bà để phần cho. Hôm sau tôi lại về trễ, thế mà cô ấy để phần thiệt, đúng là tốt bụng. Hy vọng là có nhiều quán cơm như thế này để nhiều người nghèo khác được giúp đỡ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.