Cơm sinh viên: 'Ăn qua loa rồi vùi đầu học hành, làm thêm là sai lầm'

18/09/2023 09:00 GMT+7

"Cần xóa bỏ quan niệm cơm sinh viên là giản đơn, ăn qua bữa là được. Ăn qua loa rồi vùi đầu học hành, đi làm thêm là sai lầm", thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường khẳng định.

Cơm sinh viên: 'Ăn qua loa rồi vùi đầu học hành, làm thêm là sai lầm'- Ảnh 1.

Một tiệm cơm sinh viên trước ký túc xá Cỏ May, phần cơm từ 25.000 - 30.000 đồng, sinh viên được ăn thêm cơm miễn phí

NHẬT THỊNH

Thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường, giảng viên bộ môn dinh dưỡng, Trường ĐH Y dược TP.HCM còn nhớ những ngày học nội trú tại Mỹ, với một chiếc nồi cơm điện, một lò vi sóng, chị lần lượt chế biến được nhiều món ăn nóng sốt, đầy đủ dinh dưỡng mà rất nhanh gọn, cũng không mất nhiều thời gian. Nhưng nhiều sinh viên ngày nay không nghĩ như chị. Các bạn xem nhẹ bữa cơm sinh viên.

Còn nhiều bạn trẻ nghĩ rằng vào đại học rồi thì ăn uống không quan trọng bằng điểm số, bằng những thành tích trong học thuật và hoạt động ngoại khóa, kỹ năng mềm. Điều này dẫn đến hệ lụy lớn về sức khỏe về sau.

Ăn trưa bằng xâu cá viên chiên

Giấc trưa, khu vực tự học của sinh viên một trường đại học trên đường An Dương Vương, Q.5, TP.HCM khá đông sinh viên tập trung để ăn trưa, làm bài tập nhóm. Trên một chiếc bàn dài, một nhóm nữ sinh vừa uống trà sữa, ăn xâu cá viên chiên. H.A, nữ sinh viên năm nhất cho biết đây là bữa trưa của cô.

Trà sữa 20k (20.000 đồng), cá viên chiên 20k. Hoặc nhiều hôm, cô thay cá viên chiên bằng bịch bánh tráng trộn 15k. Tổng cộng vẫn là 35k - 40k, không rẻ. Vấn đề quan trọng hơn, đây là một thực đơn mất cân bằng. Trà sữa có thể cung cấp chất đạm. Cá viên chiên có thể cung cấp tinh bột. Nhưng bữa ăn thiếu rau xanh, trái cây.

Cơm sinh viên: 'Ăn qua loa rồi vùi đầu học hành, làm thêm là sai lầm'- Ảnh 2.

Sinh viên mới từ quê lên TP.HCM làm thủ tục nhập học đầu tháng 9.2023

NHẬT THỊNH

Cơm sinh viên: 'Ăn qua loa rồi vùi đầu học hành, làm thêm là sai lầm'- Ảnh 3.

Cơm tấm 25.000 đồng tại khu vực gần Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM

NHẬT THỊNH

Còn bánh tráng trộn, món khoái khẩu của nhiều sinh viên có một chút thành phần là bột (bánh tráng), một ít xoài xanh (trái cây), vài quả trứng cút (đạm), nhưng hàm lượng dinh dưỡng lại quá ít trong khi lượng đường, muối nhiều, bữa ăn như vậy là mất cân bằng dinh dưỡng.

H.A ăn uống không theo bữa nhất định. Nếu buổi sáng ăn sáng trễ, còn no, cô sẽ nghỉ ăn trưa và dành tiền đó để ăn bữa tối. Các bữa ăn không nhất thiết là cơm, phở, hủ tiếu. Vì ở ký túc xá, không nấu nướng tại chỗ ở, cô thường ăn ngoài. Tùy lịch học và đi làm gia sư, bữa ăn của H.A cũng tiện đâu ăn đó. Khi thì cơm sinh viên là "cơm bụi", lúc thì ly trà sữa kèm ổ bánh mì cũng xong. Có khi buổi tối, các bạn rủ ra ngoài, cô chọn ăn tối với trà sữa và bánh tráng trộn, cá viên chiên. Chế độ ăn thiếu rau xanh, vitamin, trái cây trong một thời gian khiến da mặt của cô xấu đi, sức đề kháng giảm, hay bị ốm vặt…

H.A không phải là số hiếm về sinh viên hiện nay chưa hiểu đúng được tầm quan trọng của thực phẩm và một chế độ ăn uống khoa học cân bằng. Nhiều bạn cho rằng cơm sinh viên miễn chỉ cần no bụng, qua bữa, còn lại họ đâu phải em bé mà cần ngày nào cũng lo uống sữa, ăn đủ nhóm thực phẩm cần thiết để cao lớn? Sinh viên nghĩ rằng cơm sinh viên như vậy là đơn giản, tiết kiệm chi phí, nhưng thực ra họ đang lãng phí đi sức khỏe của mình.

Cơm sinh viên: 'Ăn qua loa rồi vùi đầu học hành, làm thêm là sai lầm'- Ảnh 4.

Sinh viên quan tâm tới bữa ăn là đang đầu tư đường dài cho tương lai của mình

NHẬT THỊNH

Cơm sinh viên: 'Ăn qua loa rồi vùi đầu học hành, làm thêm là sai lầm'- Ảnh 5.

Bữa cơm sinh viên tự nấu của bạn Trương Hà Uyên, sinh viên y khoa Trường ĐH Võ Trường Toản, Hậu Giang với đủ nhóm thực phẩm đạm, tinh bột, trái cây, rau củ

NVCC

Không phải chỉ trẻ nhỏ mới cần quan tâm ăn uống!

Thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường cho biết nếu sinh viên ăn đồ ăn nhanh nhưng đủ nhóm thực phẩm cần thiết thì không sao. Mỗi bữa ăn, cần các nhóm tinh bột, đạm, rau xanh, trái cây. Mô hình cân bằng dinh dưỡng "My Plate" là một ví dụ cho cách ăn uống cân bằng. Trong mọi bữa ăn, sinh viên cần được ăn đủ nhóm thực phẩm đạm, tinh bột, trái cây, rau củ và sữa.

Ví dụ một xâu cá viên chiên + 1 chiếc bánh mì ngọt thì không ổn. Nhưng nếu sinh viên ăn trưa bằng một xâu cá viên chiên, một hộp salad cùng với một chiếc bánh bao là ổn. Ngoài ra, sinh viên cũng cần bổ sung dinh dưỡng qua các bữa phụ bằng sữa, trái cây.

Cơm sinh viên: 'Ăn qua loa rồi vùi đầu học hành, làm thêm là sai lầm'- Ảnh 6.

Thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường

NVCC

"Sinh viên cần thay đổi tư duy về bữa ăn. Không phải chỉ khi còn nhỏ chúng ta mới cần quan tâm, chăm sóc cho bữa ăn. Khi sinh viên đi học, đi làm, thực phẩm nuôi dưỡng trí não, tốt cho trí nhớ, tốt cho việc học tập của các bạn, cung cấp cho các bạn một nền tảng sức khỏe vững chãi để chuẩn bị bước vào đời. Sinh viên vẫn cần uống sữa, vì sữa cần cho mọi lứa tuổi. Cần xóa bỏ tư duy cơm sinh viên là qua loa. Ăn uống qua loa rồi cắm cổ học hành, đi làm, kiếm tiền, như thế là sai lầm, sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn sẽ được nuôi dưỡng bằng gì với một chế độ ăn uống mất cân bằng?", thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường nhấn mạnh.

Một chiến lược đường dài

Thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường cho biết kinh phí để lo cho việc ăn uống với sinh viên ngày nay không phải là bài toán lớn nhất. Bởi mức sống tăng lên, nhiều gia đình có 1-2 con đi học, chu cấp sinh hoạt phí khá đầy đủ cho con em mình. Và thứ hai, nhiều sinh viên năng động, chịu khó trong học tập, làm thêm, có thể chủ động được nguồn sinh hoạt phí để cải thiện chất lượng bữa ăn, có thể tự thuê được những nơi ở trọ an toàn, có thể tự nấu nướng, tự chăm sóc được cho bản thân.

Cơm sinh viên: 'Ăn qua loa rồi vùi đầu học hành, làm thêm là sai lầm'- Ảnh 7.

Bữa cơm sinh viên tự nấu cân bằng dinh dưỡng của Trương Hà Uyên

NVCC

Đáng chú ý, không chỉ là bữa cơm sinh viên với chế độ ăn uống cân bằng, thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường còn lưu ý về vấn đề sống khoa học, rèn luyện thể dục thể thao, chăm chỉ vận động của người trẻ. Đây cũng là một chiến lược đường dài để các bạn chinh phục mục tiêu, dự định phía trước. 

Không phải chỉ tới phòng gym, hồ bơi, sân golf mới là tập luyện, các sinh viên có thể đi cầu thang bộ, đi bộ quanh ký túc xá, chọn đi xe buýt, đạp xe, đi ván trượt… những khoảng cách gần. Bởi những bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp, rối loạn chuyển hóa… đang trẻ hóa, một phần không nhỏ đến từ cách ăn uống mất kiểm soát, thiếu cân bằng và lười vận động của người trẻ.

"Thay đổi ý thức là sự thay đổi quan trọng nhất. Quan tâm tới bữa cơm sinh viên là không phải chỉ sống khỏe, sống lành mạnh cho hôm nay, mà đó là cách các bạn đang chuẩn bị trí não, thể lực, tinh thần, để bắt đầu cuộc sống, sự nghiệp cho tương lai. Tất cả đều bắt đầu từ sự đầu tư đúng đắn cho sức khỏe cơ thể mình, đi kèm đó là kỷ luật của bản thân và tinh thần biết vượt qua chính mình", giảng viên bộ môn dinh dưỡng Trường ĐH Y dược TP.HCM trao đổi.

Cơm sinh viên: 'Ăn qua loa rồi vùi đầu học hành, làm thêm là sai lầm'- Ảnh 8.

Tân sinh viên đang sắp xếp chỗ ở tại ký túc xá Cỏ May, các bạn quan niệm ăn uống khoa học, sống lành mạnh là đầu tư cho tương lai

NHẬT THỊNH

Ăn nhanh tiện lợi mà vẫn đảm bảo sức khỏe

Theo thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường, những bạn ở ký túc xá không thể nấu nướng, nhưng các bạn có thể bổ sung cho bữa cơm sinh viên của mình với nhiều phần rau salad tại các cửa hàng tiện lợi, trái cây, sữa, để phần ăn của mình đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng hơn.

Những bạn ở phòng trọ, nhà thuê có thể nấu nướng thì đơn giản hơn nhiều. Hiện nay chiếc tủ lạnh trở thành thiết bị thân thiết với nhiều sinh viên ở trọ. Các bạn có nguồn thực phẩm khá đa dạng từ gia đình ở quê gửi lên, hoặc nếu dành thời gian đi chợ, siêu thị, bạn có thể mua được nguồn thực phẩm an toàn, giá thành vừa túi tiền. Với một chiếc lò vi sóng, một chiếc nồi cơm điện, bạn có thể nấu nhiều món ăn tiện lợi, không tốn nhiều thời gian.

Như cho vắt mì, bún, miến vô tô kèm gói gia vị, cho thêm các loại rau ăn lá như các loại rau cải, tần ô…, nước. Thịt bò thái lát, thịt nạc xay, tôm băm nhỏ cho kèm thêm. Hoặc trứng, đậu hũ cũng là những thực phẩm giàu đạm mà dễ dàng mua, nấu nhanh chín. Bạn có thể dễ dàng nấu chín món ăn này bằng lò vi sóng.

Những thực phẩm như xúc xích, cá viên, bò viên… cũng có thể cung cấp một hàm lượng dinh dưỡng nhất định, sinh viên nên quan sát, tìm mua thương hiệu uy tín. Bởi tùy theo cơ sở sản xuất mà sản phẩm có tỉ lệ thành phần tinh bột khác nhau…

Hay với chiếc nồi cơm điện cũng có thể nấu được bữa cơm sinh viên với cơm, canh, đồ mặn… Những thực phẩm như thịt heo miếng, gà miếng cần nấu ở nhiệt độ cao hơn, trong thời gian lâu hơn nên sinh viên có thể nấu chín trong nồi cơm điện, nồi hấp….

Cơm sinh viên: 'Ăn qua loa rồi vùi đầu học hành, làm thêm là sai lầm'- Ảnh 9.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.