"Phố ẩm thực" cơm sinh viên 25k
Mới tới nhập học, không được nấu ăn trong ký túc xá, kinh nghiệm đầu tiên của Ngọc Huỳnh là phải đi hỏi các anh chị đi trước "nên ăn ở đâu thì ngon, bổ, rẻ?".
"Phố ẩm thực" khu vực ký túc xá Cỏ May, TP.Thủ Đức, TP.HCM đầu năm học mới với đa dạng món ăn, từ cơm chay, bún bò, hủ tiếu, phở, cơm tấm tới "sang" hơn là lẩu, nướng… Hầu như mọi quán cơm, hủ tiếu, phở đều có giá 25.000 - 30.000 đồng/suất. Những sinh viên năm 2, 3, 4 đều rành hết quán ăn, điểm mặt chỉ tên được đâu là quán cơm nhiều thịt, cho cơm thêm miễn phí hay tiệm hủ tiếu nào chị chủ quán dễ thương, thấy sinh viên là tự động bỏ thêm cái trứng cút hay miếng thịt heo, nhúm giá hẹ… Cứ thấy quán nào nhiều sinh viên nhất, y như rằng quán đó "bao no", "bao rẻ".
Hai tô hủ tiếu được bưng ra trên bàn của Ngọc Huỳnh nghi ngút khói, thịt và rau cũng khá tươm tất với giá 25.000 đồng. Mẹ của Ngọc Huỳnh cho biết bà chỉ buôn bán, kinh tế gia đình khó khăn, mừng nhất là con gái được cấp học bổng ở ký túc xá Cỏ May, được miễn phí chỗ ở khang trang sạch đẹp, ký túc xá cũng trang bị cho hết chăn, mền, chiếu, lại còn hỗ trợ tiền ăn cho sinh viên với 40.000 đồng/ngày và nhiều hỗ trợ khác. Ở quê bà cũng sẽ cố gắng làm việc, gửi thêm cho con gái chút đỉnh, để con yên tâm ăn học, chỉ mong con luôn khỏe mạnh.
Cạnh bàn của Ngọc Huỳnh, nhóm sinh viên năm 2, 3 và 4, cũng của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - khách ruột của quán - vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ. Kiệt, sinh viên năm 3 ngành Quản trị kinh doanh, cho biết tại xung quanh khu vực làng ĐH thì giá cả đồ ăn, nước uống khá mềm, phù hợp với túi tiền của sinh viên.
Sinh viên trong ký túc xá không nấu nướng bên trong phòng ở mà sẽ ăn uống ở ngoài để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Do đó, quan trọng nhất là cách tính toán, sắp xếp sao cho khoa học, lựa chọn quán xá an toàn, tin cậy để ăn bởi không phải quán ăn nào cũng ngon và chất lượng. Và cũng có nhiều sinh viên đầu tháng thì rủng rỉnh ăn phở bò, cơm gà, cuối tháng triền miên 10-15 bữa mì gói "không người lái" - cách gọi vui của cách ăn mì gói không, không kèm rau, không thịt, không trứng…
"Thông thường, mỗi sáng tụi em sẽ ăn ổ bánh mì giá 11k - 12k (12.000 đồng - PV) hoặc hủ tiếu, bánh canh. Ở đây hủ tiếu, bánh canh ăn sáng có thể có đa dạng giá, từ 15k, 20k, 22k và 25k là giá phổ thông nhất. Nước uống thì trung bình 10k một ly trà tắc, thông thường sinh viên chỉ kêu một ly nhỏ 5k là người ta cũng bán. Tính sơ sơ một ngày sinh viên ăn ở ngoài cũng tốn ít nhất là 80k. Một tháng ít nhất là 2,4 triệu đồng cho việc ăn uống", Trí tính nhẩm.
Trên bàn của Trí, mỗi người kêu một tô bún bò. Bún bò "làng đại học" một tô lớn, đầy bún, đủ cho sinh viên ăn no nê, giá chỉ 25k. "Ở đây cũng có tô 30k, nhiều thịt hơn. Nhưng chủ quán biết tụi em là sinh viên, cứ thấy tụi em là bưng ra tô 25k", Trí nói thêm.
Cả ngày chỉ ăn uống bên ngoài thì có đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cả ngày học tập, đi thực hành, thực tập hay không? Các sinh viên cho biết ký túc xá có phòng cộng đồng, bình nước nóng lạnh để sinh viên có thể nấu mì gói, pha cà phê, sinh viên cũng mua trái cây, sữa để bổ sung thêm dinh dưỡng cho bữa ăn của mình.
"Sinh viên bây giờ rất năng động, sáng tạo, nhiều bạn đã chủ động tự lo được cho các sinh hoạt phí của mình trong thời gian học ĐH. Một bộ phận là các bạn sẽ cố gắng học thật chăm chỉ, thật giỏi để giành các phần học bổng. Một bộ phận, các bạn đi thực tập, đi làm sớm, với các công việc liên quan tới ngành học của mình nên cũng có thu nhập, để các bữa ăn có thêm thịt, trứng và bổ sung thêm sữa, trái cây, salad rau xanh hàng ngày đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần để học tập và làm việc tốt nhất. Nếu biết tính toán, cân đối hợp lý thì với mức giá phù hợp, sinh viên cũng có bữa ăn đủ chất", Trí, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM chia sẻ.
Những bữa cơm sinh viên gây sốt
Với tư duy, "ăn" cũng là một cách học, "ăn" cũng là một cách rèn luyện, thời gian qua rất nhiều sinh viên chịu khó tự nấu ăn tại phòng trọ của mình để bữa ăn "no, ngon, bổ, rẻ" và hỗ trợ đường dài cho việc chinh phục mục tiêu tương lai.
Nguyễn Kim Ngọc, cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM, ban đầu khi ở trong ký túc xá khu B, ĐH Quốc gia TP.HCM cô chủ yếu ăn ở hàng quán bên ngoài. Việc ăn uống không lành mạnh, món ăn nhiều tinh bột, dầu mỡ, ít rau xanh diễn ra thời gian dài. Và đây cũng là thời gian cô thấy mình tăng cân nhiều, da mặt xấu đi.
"Khi chuyển ra ở trọ bên ngoài, tôi bắt đầu tự nấu ăn, cho tới bây giờ, khi đã đi làm chúng tôi vẫn tự nấu cơm và mang đi buổi trưa. Mỗi suất ăn đều gồm đủ các loại thực phẩm: tinh bột, đạm, rau, trái cây, chi phí không đắt hơn mà đảm bảo cho sức khỏe", Kim Ngọc nói.
Nấu ăn tại nhà trọ giúp Kim Ngọc có bữa ăn rẻ và ngon, bổ cho sức khỏe
NVCC
Trong khi đó, Trương Hà Uyên, 23 tuổi, nữ sinh viên y khoa năm 6, Trường ĐH Võ Trường Toản, Hậu Giang thời gian qua đang gây sốt khắp mạng xã hội với những bữa cơm sinh viên "ngon như cơm nhà mẹ nấu".
Thực đơn cơm sinh viên của Trương Hà Uyên có thể kể tới như thịt xào đậu bắp, thịt kho tiêu xanh, cơm, trà dâu tằm; tôm luộc, hoành thánh chiên, trứng dầm mắm, rau muống luộc; mực xào rau củ, dưa leo, cá ba sa kho tương, cơm; cá kho, canh khoai mỡ nấu tôm hay đơn giản chỉ là cơm chiên, rau xà lách, gà xốt chua ngọt…
Theo Hà Uyên, chi phí cho những bữa ăn dao động từ 30k đến 70k/ngày, thời gian nấu ăn mất khoảng 30 đến 45 phút. Tùy vào lịch học và thời gian rảnh, cô sẽ nấu ăn vào buổi trưa hoặc buổi chiều. Hoặc nếu lịch học dày, nữ sinh viên sẽ nấu vào buổi tối, sáng hôm sau sẽ hâm nóng lại để tiết kiệm thời gian.
NVCC
"Tôi ưu tiên nấu những món từ nguyên liệu có sẵn trong tủ lạnh do ba mẹ gửi từ dưới quê lên, mua thêm một ít nguyên liệu như các loại rau, củ, đậu khác rồi chế biến thành nhiều món khác nhau là sẽ có được nhiều món ăn cho cả tuần đầy đủ dinh dưỡng nhưng không bị ngán", nữ sinh viên y khoa cho biết.
Xóa bỏ quan niệm "sinh viên mà, ăn gì chẳng được"
Trong quan niệm của nhiều người, sinh viên phải ăn uống qua loa kham khổ, cứ no bụng, qua bữa là được. Miễn sao tiết kiệm được nhiều tiền nhất, học tập tốt nhất để chuẩn bị hồ sơ đẹp cho quá trình xin việc sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, theo chuyên gia, điều này phản khoa học. Bởi nếu ăn uống không đủ lượng và chất thì cơ thể sao có thể khỏe mạnh, tập trung, sáng tạo? Chưa kể còn nhiều hệ quả lâu dài của thói quen ăn uống không cân bằng, thiếu chất. Các bạn sinh viên có thể sẽ phải trả cho chi phí khám chữa bệnh, điều trị các bệnh do thói quen ăn uống không lành mạnh này còn nhiều hơn là chi phí cho việc ăn uống đúng cách.
Trương Hà Uyên, chủ nhân những thực đơn cơm sinh viên gây sốt nói: "Khi nhắc đến cơm sinh viên, nhiều người thường nghĩ đến những bữa ăn đơn giản, qua loa. Song, tôi quan niệm, sinh viên phải ưu tiên bữa ăn hàng ngày đầy đủ dinh dưỡng vì đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần. Một bữa ăn ngon tạo ra nhiều năng lượng để học tập và làm việc hiệu quả hơn. Với kinh nghiệm đi chợ và nấu ăn, tôi thấy để có được một bữa ăn tiêu chí ngon, bổ, rẻ cho sinh viên là không khó, chỉ cần chế biến thì nguyên liệu đơn giản cũng trở thành món ngon".
Nguyễn Văn Tú, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đang là sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, người từng ăn "cơm bụi" triền miên ngoài hàng trong nhiều năm ở trọ đúc kết kinh nghiệm "nếu chỉ ăn ngoài, không bổ sung thêm rau xanh, chất xơ, trái cây hay vitamin, sinh viên sẽ hoàn toàn không đủ chất. Vì khi ăn 'cơm bụi' triền miên, hàm lượng ăn uống nhiều tinh bột, không được chú trọng hàm lượng khác như vitamin, vi chất để tạo các enzym trong cơ thể. Thế nên có một thực trạng chung là sinh viên hoạt động về trí não nhiều, trong khi ăn mất cân bằng, dẫn đến việc cứ tưởng mình đã ăn đủ chất mà vẫn thấy thường xuyên suy nhược cơ thể, đau đầu. Đặc biệt khi các bạn thi cử áp lực".
"Chìa khóa" của vấn đề này ở đâu? Theo Tú, nếu tự nấu nướng được là rất tốt. Song, sinh viên ở ký túc xá không thể nấu nướng, các bạn có thể mua thêm rau xanh dạng salad, trái cây, sữa, nước ép, các loại hạt, đậu hũ… để ăn bổ sung. Đặc biệt sinh viên nên tập trung các loại hạt như đậu nành đậu phộng xay nhuyễn. Đây là những hạt có nhiều dưỡng chất, có đạm, tinh bột, xơ, vitamin, vi chất, và có cả chất béo thực vật. Đó là lý do mà có nhiều người đã đi làm, không ăn nhiều thịt cá, chỉ cần ăn đa dạng các loại hạt vẫn làm việc rất hiệu quả.
"Vấn đề lớn của sinh viên hiện nay là nhiều người chưa nhận ra tầm quan trọng của thức ăn trong hoạt động thường ngày. Đó là lý do lớn của việc ăn uống không lành mạnh. Các tân sinh viên mới nhập học thì chủ yếu nghĩ làm sao phát triển được kỹ năng, hay học tập giỏi, đi làm thêm nhiều tiền. Nhưng chính những thứ cơ bản nhất thì bị bỏ quên - đó là bữa ăn, là giấc ngủ sao cho đúng cách", Tú nói.
Bình luận (0)