Bến dừng hoạt động vì không có người đủ tiêu chuẩn lái đò, nên giờ đây, muốn vào Cồn Cưỡi phải đi đường vòng khá xa và quanh co. Đầu tiên, phải qua cầu Công Hòa để vào Cồn Quan (cũng là cồn bãi trên sông Gianh, thuộc xã Quảng Trung, TX.Ba Đồn). Sau đó, men theo con đường bê tông nhỏ đi xuyên qua những ruộng hoa màu trũng thấp...
Đặt chân lên Cồn Cưỡi, nhìn thoáng qua cũng thấy cái nghèo ẩn hiện. Ông Nguyễn Văn Hường (trưởng thôn Tiên Xuân) cho hay mỗi năm vùng đất này ít thì đón 1-2 trận lụt, nhiều thì 4-5 trận. "Chúng tôi quen rồi, cứ thấy mưa to là sửa soạn dọn đồ đưa lên nơi cao. Mưa lụt không dễ làm người Cồn Cưỡi chết, kể cả khi nước nhấn chìm ngôi nhà cao 2-3 m. Chỉ có điều chúng tôi tiếc của, sau mỗi trận lụt thì rất nhiều đồ điện tử, xe máy hư hỏng", ông Hường chép miệng.
Vùng đất có địa thế bất lợi như vậy, nằm giữa sông Gianh, lại là nơi cư ngụ của 203 gia đình với 980 nhân khẩu. Lâu nay, người dân Cồn Cưỡi "bước ra" bên ngoài từ bến đò thôn Tiên Xuân - Trường Thọ. Ngặt nỗi, gần 1 năm trở lại đây, bến đò dừng hoạt động. Thôn vận động người dân đi học để kiếm tấm bằng, đủ điều kiện lái đò, nhưng không ai xung phong. Ai muốn đi đâu, sẽ phải chạy ngược lại hành trình mà chúng tôi đã đi vào. Tức men theo con đường bê tông nhỏ chạy xuyên qua những ruộng hoa màu trũng thấp vòng ra phía Cồn Quan, qua cầu Công Hòa…
Ông Hường nhẩm đếm chỉ riêng việc phụ huynh đưa đón con cái đi học mỗi vòng 6 - 7 cây số thì mất hết cả buổi, không làm được việc gì. "Ngày nắng cũng cố, mà ngay mưa thì quá khổ. Gặp lúc đau ốm cũng thất thế. Đúng hôm ngập lụt thì chỉ biết kêu trời vì lương thực, thực phẩm không sao chuyển vào. Một chai nước lọc thôi cũng ngồi mà mơ", ông than phiền.
ĐƯỢC, MẤT NHỜ TRỜI
Cồn Cưỡi nghèo là có lý do. Ngoài cách trở về địa lý và khó khăn về giao thông còn bởi người dân nơi đây loay hoay mãi không tìm ra nghề phù hợp để mưu sinh. Cách bờ biển chỉ khoảng 25 km, Cồn Cưỡi từng có đội tàu xa bờ 11 chiếc. Tuy nhiên, từ sau sự cố môi trường biển năm 2016, người dân lo lắng và bán hết tàu. Ngư nghiệp trên cồn chỉ còn là những chiếc thuyền nan, đánh bắt cá ven sông, đủ ăn trong ngày.
Trước đây, người Cồn Cưỡi cũng có ngón nghề cào chắt chắt (cào hến), nhưng khoảng 3 năm trở lại đây hến ở gần cồn tự dưng ít dần. Những người làm nghề cào hến phải đi rất xa, đến tận trong sông Son ở H.Bố Trạch mới cào được.
"Cả thôn chỉ có 7 hộ trồng lúa, còn hầu hết trồng hoa màu. Được, mất nhờ trời. Ngày nay, thanh niên Cồn Cưỡi lớn lên đều phải chọn tha phương, vào nam làm công nhân hoặc xuất khẩu lao động mong kiếm được chút tiền gửi cho gia đình. Tôi là trưởng thôn cũng trăn trở lắm, chỉ mong người dân cồn bãi có một cái nghề gì đó để mang lại thu nhập hằng ngày", ông Hường thở dài.
Suốt cuộc chuyện trò, ông Hường đôi lúc thoáng vui khi nói về niềm tự hào của người Cồn Cưỡi. Nơi đây không khí trong lành nên người dân ít đau ốm. Cộng đồng cũng đùm bọc, yêu thương nhau. "Khổ đấy, nhưng chúng tôi vẫn bám đất bám làng. Khổ đấy, nhưng chúng tôi vẫn luôn tìm cách để thay đổi bản thân và quê hương", ông Hường nhấn mạnh.
Cũng theo vị trưởng thôn, không chỉ người dân địa phương đang gắng sức mỗi ngày mà chính quyền cũng tìm mọi cách để đưa đời sống người dân đi lên. "Ít nhất thì chính quyền cũng giữ đất Cồn Cưỡi trước miệng "hà bá". Năm 2007, khi tình trạng xói lở kinh hoàng xảy ra, chính quyền đã đầu tư 34 tỉ đồng để xây dựng một bờ kè dài 2 cây số. Từ đó, đất Cồn Cưỡi mới yên", ông kể.
XÓM LỀU TẢ TƠI
Cồn Cưỡi đã nghèo, nhưng có một cái xóm ngay đầu cồn còn nghèo hơn mặt bằng chung của dân cư trong thôn. Người ta chẳng biết gọi đây là "xóm lều" hay "xóm liều" nữa bởi gọi cách nào cũng đúng.
Xóm lều là vì hàng chục "ngôi nhà" ở đây đều được dựng bằng lều bạt tạm bợ. Qua thời gian, mưa gió, những chiếc bạt bị rách tả tơi, nhìn rất khốn khổ. Còn gọi xóm liều, vì dù chính quyền địa phương không cho phép nhưng 23 hộ dân vẫn ra đây "cắm dùi" từ năm 2018…
Chúng tôi rời Cồn Cưỡi mà cảm xúc lẫn lộn về xóm lều. Bởi cư dân nơi đây tuổi đời rất trẻ, chỉ khoảng 25 đến 35 tuổi. Dưới những nóc lều vẫn có một vài chiếc xe tay ga… Chị Phan Thị Hà (25 tuổi) cho biết chồng chị đang đi biển đánh cá, chị ở nhà không làm gì ngoài trông con nhỏ và cơm nước qua ngày. "Gia đình chúng tôi nhiều đời trước là dân vạn đò, sống trên thuyền. Nay lên bờ rồi nhưng nhà bố mẹ hai bên nội ngoại quá chật chội, chúng tôi đành ra đây sống", chị nói.
Cũng như chị Hà, những cư dân khác của xóm cũng chật vật. Lều bạt tạm bợ, liêu xiêu, không đủ sức để chống chọi mưa bão tơi bời giữa dòng sông Gianh. "Cứ mưa to gió lớn là chúng tôi lại chạy đi. Lúc về nhà bố mẹ, lúc về nhà bà con, lúc ở nhà cộng đồng thôn. Hết mưa gió, chúng tôi lại quay về", chị Hà nói.
Ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND TX.Ba Đồn, cho hay địa phương cũng day dứt với cuộc sống lay lắt của cư dân xóm lều Cồn Cưỡi. "Biết là người dân đang định cư trái phép trên vùng đất đó, nhưng chính quyền vẫn linh động mà không cưỡng chế, buộc rời đi. Còn để giải quyết tận gốc của vấn đề, thị xã đang nghiên cứu phương án làm hạ tầng ở khu vực, khi hoàn thành sẽ có chính sách ưu tiên cho 23 hộ dân xóm lều để họ có thể mua đất, xây nhà đàng hoàng, đúng pháp luật", ông Thọ khẳng định.
Mong cho điều ông Thọ vừa nhắc sẽ sớm đến với người dân xóm lều ở Cồn Cưỡi. Bởi ở vùng cồn bãi này, giữa sóng gió tơi bời, người dân đã đủ cơ cực. Đã thế, họ lại đang phải lay lắt chờ một một mái nhà kiên cố…(còn tiếp)
Bình luận (0)