'Con bé nhà khổ lắm, nhưng học giỏi'

26/01/2021 09:23 GMT+7

Con đường đến trường của em khá chông chênh, vì ba làm nông, mẹ là công nhân nên nhà nghèo. Thế nhưng, cô học sinh ấy 12 năm đều là học sinh giỏi, điểm trung bình luôn trên 9,0 trở lên.

Đến xóm 7, thôn An Bình, xã Nghĩa Kỳ, H.Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), hỏi thăm nhà em Đinh Thị Huyền Trang (Trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi), bà con ở đây cứ chép miệng: “Con bé nhà khổ lắm, nhưng học giỏi”. Đến trước ngôi nhà tuềnh toàng của em, mới biết chữ “khổ lắm” người dân nói quả không sai. Đi qua khoảnh sân có cây rơm, chuồng nuôi bò là đến ngôi nhà lợp ngói cũ kỹ, tường nhà không có màu sơn. Bên trong căn nhà, vách đang màu ố vàng với nhiều chỗ lở lói, bong tróc. Cả căn nhà không có gì đáng tiền.
Ông Đinh Tiên Dư (51 tuổi), ba em Huyền Trang cho biết gia đình sống dựa vào 2 - 3 sào (500 m2/sào) đất lúa. Ngần ấy không thể duy trì cuộc sống cả nhà, ông Dư đi làm thêm nghề đổ bê tông sàn nhà, mỗi tháng được hơn 10 ngày và mỗi ngày là 300.000 đồng. Còn vợ ông Dư, bà Huỳnh Thị Xanh (47 tuổi) trước đi làm thuê cho các hồ nuôi tôm, mấy năm nay thì làm công nhân phân loại tôm. Sáng ra, bà Xanh đi mãi đến chiều mới về, quần quật nhưng lương cũng chỉ 3 triệu đồng/tháng.
Cách đây mấy năm, hôm chở con trai đi lên đường làm nghĩa vụ quân sự, ông Dư bị tai nạn giao thông, gãy một chân. Từ đó sức khỏe có phần yếu dần, không bươn chải làm được nhiều để lo cho con ăn học. Thấy con thua sút bạn bè, ông Dư buồn, nhưng lực bất tòng tâm. Hằng ngày thấy con chăm học, nhất là buổi chiều và đêm từ 18 giờ đến 24 giờ, con ngồi bên bàn, chứ không đi đâu với bạn bè, ông thương con mà không biết làm gì.
Chúng tôi ngồi trò chuyện với thầy Nguyễn Tấn Huy, thầy dạy văn của em Huyền Trang. Nổi tiếng là người thương học trò, nói đến em Huyền Trang, thầy Huy xúc động: “Nói đến nó là muốn khóc”, vì thương đứa học trò nghèo đầy nghị lực, tự vượt qua chính mình, biết quý trọng thầy cô và đặc biệt là khi em tiến bộ hẳn với môn văn.
Một buổi trưa, tôi trò chuyện với em Huyền Trang khi em vừa đi học về và bắt tay vào nấu cơm. Em nói, từ năm học THCS, môn văn của em cao 9,2 là nhất. Sau đó, nhờ thầy giáo ôn luyện thi vào lớp 10 hun đúc nên em quyết thi vào chuyên văn Trường THPT chuyên Lê Khiết, dù khi đó các môn tự nhiên học khá hơn. Khi vào lớp 10 rồi, em học thầy Huy, chất văn trong em lại thấm hơn. “Đọc sách văn là đọc chuyện từ đời sống. Khi đọc rồi, biết rồi, mình sẽ bình thản đón nhận nó khi vào đời”, em nói.
Cái “bình thản” đó là chuyện em về TP.Quảng Ngãi học. Lớp có nhiều bạn gia đình kinh tế khá giả, ban đầu em cũng tự ti. Còn về sau, các bạn cũng tốt, không có ai nhắc đến cái nghèo của cô bạn từ quê lên phố học. “Em chọn sự hòa đồng vào các bạn cho tâm trí mình thảnh thơi để đầu tư vào việc học, nên không tự ti, mặc cảm lắm”, Huyền Trang chia sẻ.
Góc học tập của Huyền Trang ở ngay trong phòng ngủ, hơi chật chội nhưng ngăn nắp. Từ căn phòng này, em thao thức cùng trang vở, với môn văn mà em chọn. Sách văn thiếu thì em mượn thầy Huy, sách bộ môn thiếu thì các bạn cho mượn, mà mượn thì phải ghi nhanh, đọc nhanh, ngấu nghiến để mà nhớ rồi trả lại.
Tạm biệt em, tôi về, đi qua hiên nhà tuềnh toàng ấy. Ông Dư đợi tôi ngoài cửa, mắt ông bỗng lo lắng: “Cháu được tuyển thẳng vào đại học, nhưng tiền đâu lo cho cháu ăn học? Đó là con đường còn xa lắm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.