Con bị cáo 'bán' con ruồi trong chai Number One có cha đỡ đầu

19/12/2015 07:55 GMT+7

Vụ án con ruồi trong chai Number One giá nửa tỉ đồng đã khiến bị cáo Võ Văn Minh nhận mức án 7 năm tù giam. Con trai anh Minh sẽ bơ vơ nếu không có hành động đầy tình người của vị luật sư bào chữa.

Sau khi vụ án 'con ruồi trong chai nước của công ty Tân Hiệp Phát' kết thúc bằng bản án 7 năm tù đối với anh Minh, luật sư Phạm Hoài Nam, người bào chữa miễn phí đã xin phép gia đình cho anh đỡ đầu con trai của bị cáo, là cháu T.K. 

Đứa con trai bé bỏng ngơ ngác nhìn cha trước vành móng ngựa mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra với cha mình - Ảnh: H.DĐứa con trai bé bỏng ngơ ngác nhìn cha trước vành móng ngựa mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra với cha mình - Ảnh: H.D
Hành động này của vị luật sư Nam khiến dư luận khen ngợi vì nghĩa cử cao đẹp, đầy nhân văn của người bào chữa.
Luật sư Phạm Hoài Nam, thuộc Đoàn LS TP.HCM, là luật sư bào chữa cho bị cáo Võ Văn Minh trong vụ án cưỡng đoạt 500 triệu đồng vì chai nước Number One có con ruồi của công ty Tân Hiệp Phát. Hành động đỡ đầu con trai của bị cáo của LS Nam khiến dư luận hết sức cảm động vì tình cảm chân thành của luật sư dành cho gia đình thân chủ của mình.
Sau khi vụ án xảy ra, anh Minh bị bắt, luật sư Phạm Hoài Nam cùng với luật sư đồng nghiệp Nguyễn Tấn Thi, thuộc Đoàn LS TP.HCM nhận bào chữa miễn phí cho anh Minh.

Bị cáo Minh ôm con vào lòng trong giờ nghị án - Ảnh: H.P
Luật sư Nam nhớ lại lần đầu xuống thăm gia đình anh Minh, thấy hoàn cảnh gia đình anh này rất khó khăn. Anh Minh – người con, người chồng, người cha, là trụ cột chính trong gia đình nay lại gặp nạn.
Lúc này, thương nhất vẫn là đứa con thơ của anh Minh, bởi nhìn luật sư Nam, nó cứ ngơ ngáchỏi “chú có thấy ba cháu không?”. Nghe lời này, dù chưa lập gia đình, chưa một ngày làm cha nhưng với cảm xúc của một người bình thường ai nghe cũng xót lòng, anh Nam đã thấy động lòng.
Qua quá trình theo dõi vụ án từ đầu, tiếp xúc hỏi cung với Minh, nghiên cứu rất kĩ hồ sơ vụ án và kết quả tranh luận tại phiên toà này, LS Nam đánh giá: "Tôi thấy đây là vấn đề hình sự hóa quan hệ dân sự, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm và việc toà án tỉnh Tiền Giang tuyên anh Minh 7 năm tù là không đúng". 
Là một luật sư bào chữa cho anh Minh bằng cái tâm của mình, luật sư Nam chia sẻ, thương không chỉ anh Minh mà còn vợ anh, con anh, cha mẹ anh nữa.
"Minh là lao động chân chính của gia đình, vậy mà từ khi vướng vào vòng lao lý, gần 1 năm nay vợ Minh phải gửi con cho cha mẹ mình chăm sóc, lên Bình Dương kiếm sống nuôi cả gia đình. Trong khi đó, cha mẹ Minh đều trên 70 tuổi, không còn khả năng lao động nữa, họ chỉ biết ở nhà mong ngóng tin con, mong toà trả tự do cho Minh", LS Nam cho biết.
"Thương hơn khi cháu bé con Minh mới 4 tuổi, nó chưa đủ nhận thức để hiểu hết được sóng gió cuộc đời mà cha mình đang lâm phải", vị LS kể.

Đặc biệt nhất khiến tôi có quyết định nhận con đỡ đầu là vì liên tục chứng kiến tận mắt cảnh cháu bé đứng ở cửa lớn phòng xử án, lấp ló nhìn cha mình qua vành móng ngựa. Xét xử liên tục, cháu mệt nên ngồi bệt ra trước cửa xét xử nhìn chằm chằm ba mình, còn anh Minh đang xét xử nhưng cứ ngoài ra cửa nhìn con. Tôi nghĩ không chỉ tôi đau lòng mà những người dự khán cũng vậy

LS Phạm Hoài Nam

Trở lại Tiền Giang với phiên xét xử sơ thẩm, cảnh tượng đầu tiên luật sư Nam nhìn thấy đó là con trai Minh cứ đứng thập thò ngoài cửa phòng xử án đợi ba vì gia đình có nói với cháu nay con sẽ được nhìn thấy ba mình. 
"Lúc đó bé rạng rỡ hẳn, ban đầu ai nói gì cũng cười, nhưng rồi khi thấy ba từ trên xe tù đi xuống, xung quanh có nhiều công an dẫn giải, còng tay cháu bé lại ngơ ngác nhìn ba không hiểu tại sao ba mình lại bị như thế", vị LS nói thêm.
Lúc đó, anh Minh ngồi trước vành móng ngựa, cháu con anh Minh chạy vào trong nhưng phòng xử không cho phép trẻ con vào nghe xét xử nên mắt cháu bé đỏ hoe, ngấn nước. "Có lẽ cháu tủi thân vì thấy ba nhưng không được đến gần", LS Nam nhớ lại.
“Đặc biệt nhất khiến tôi có quyết định nhận con đỡ đầu là vì liên tục chứng kiến tận mắt cảnh cháu bé đứng ở cửa lớn phòng xử án, lấp ló nhìn cha mình qua vành móng ngựa. Xét xử liên tục, cháu mệt nên ngồi bệt ra trước cửa xét xử nhìn chằm chằm ba mình, còn anh Minh đang xét xử nhưng cứ ngoài ra cửa nhìn con. Tôi nghĩ không chỉ tôi đau lòng mà những người dự khán cũng vậy”, luật sư Nam nói.
Theo LS Nam, trong giờ nghị án, được các anh công an tạo điều kiện, cho con anh Minh lại gần ba. Anh Minh còn ôm con thật chặt vào lòng mỗi khi có cơ hội. Mỗi lúc như vậy tôi cảm thấy đứa bé cần cha biết nhường nào, một cái ôm thôi cũng đủ làm cho nó ấm lòng hơn, cũng bù đắp chút ít cho gần 1 năm xa cách.
Theo LS Nam, anh hiểu hơn ai hết bởi mỗi lần vào trại gặp anh Minh, anh ấy đều tâm sự thương con vì con còn quá nhỏ để thiếu vắng bóng cha, con quá nhỏ để hiểu được câu chuyện này. “Đến khi con lớn nó nhận thức được nhiều hơn chắc nó tổn thương lắm”, anh Minh tâm sự với luật sư Nam.
Cũng từ đó, luật sư Nam đã có một quyết định táo bạo là xin phép anh Minh và gia đình đồng ý cho luật sư Nam nhận làm cha đỡ đầu cho cháu bé. Suy nghĩ này xuất hiện từ lúc phiên xử mới bắt đầu. 
Luật sư nghĩ: “Nếu toà tuyên anh Minh có tội, tôi sẽ nhận đỡ đầu cho bé ngay để bé không cảm thấy tủi thân quá khi không có người cha bên cạnh. Và rồi toà tuyên anh Minh lãnh 7 năm tù….Đây cũng là lúc luật sư thực hiện ý nghĩ của mình”, luật sư Nam tâm sự.
“Tôi nhận đỡ đầu con trai anh Minh là xuất phát từ trái tim, từ tình cảm yêu thương chân thành nhất dành cho cháu bé chứ không vì mục đích nào khác”, luật sư Nam khẳng định.
Chỉ với hành động nhận làm cha đỡ đầu đấy thôi một tình yêu thương giữa người với nhau đã len lỏi hiện lên. Ít ra, cũng bù đắp được phần nào cho cháu bé. Ít nhất, bé vẫn cảm nhận được rằng mình vẫn còn ‘cha’, mình có cha quan tâm chăm sóc và chắc hẳn luật sư Nam cũng hạnh phúc vì đã làm được việc làm đầy táo bạo nhưng đầy nhân văn này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.