Cuộc nghiên cứu đã được nhóm của giảng viên Tatsuaki Sakamoto (Đại học tỉnh Kumamoto) thực hiện và kết quả được công bố trên chuyên san Journal of Japanese Society of Health Education and Promotion.
Giảng viên Sakamoto và các đồng sự phát hiện con cái ở độ tuổi theo học cấp trung học cơ sở cảm thấy bữa ăn nhạt nhẽo nếu cha mẹ bận rộn với màn hình mà bỏ quên chúng.
Không những thế, các nam sinh còn dễ dàng bị ảnh hưởng tâm trạng nếu người bố dùng điện thoại trên bàn ăn, còn cảm xúc của nữ sinh bị tác động từ cả cha lẫn mẹ.
Đây được xem là cuộc nghiên cứu đầu tiên nhằm xác định mối liên hệ giữa bữa ăn gia đình và thói quen dùng smartphone, theo tờ The Mainichi Shimbun hôm 16.4.
|
Để rút ra kết luận trên, nhóm của ông Sakamoto gửi câu hỏi cho các học sinh học lớp 7 tại tỉnh Fukui và phân tích phản hồi của tổng cộng 759 đối tượng.
Gần 20% số trẻ cho biết cha hoặc mẹ chúng dùng thiết bị điện tử trong lúc ăn, như điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng ít nhất 1 lần trong tuần. Và trong những trường hợp này, tỷ lệ trẻ cảm thấy “ăn uống vô vị” gia tăng.
“Trẻ có thể cảm thấy rằng cha mẹ không quan tâm đến chúng nếu phát hiện họ sử dụng điện thoại trong các bữa ăn gia đình. Điều quan trọng là các thành viên trong gia đình nên duy trì sự tương tác với nhau khi quây quần bên bàn ăn”, theo ông Sakamoto.
Ý nghĩa của bữa ăn gia đình
Bên cạnh đó, bữa ăn gia đình còn mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những con người dưới cùng một mái nhà.
Trả lời Thanh Niên, tiến sĩ Châu Nhật Tân của Học viện Voviology, bang California, cho biết sự tiến triển, gắn bó, phát triển của một gia đình trong đại đa số trường hợp có liên quan mật thiết đến bữa ăn chung với sự tham gia của toàn bộ các thành viên.
Sự gắn kết giữa cha mẹ, con cái, anh em đều tùy thuộc vào bữa ăn chung đó. Trong thời buổi hiện nay, có thể khó duy trì bữa ăn gia đình suốt 365 ngày trong năm, nhưng truyền thống này không nên bị lãng quên nếu muốn gia đình còn tồn tại, theo tiến sĩ Tân.
Bình luận (0)