Con chó nhỏ... - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

Năm nào thời tiết tháng ba âm lịch cũng lừa được vài người chủ quan mang chăn chiếu cất đi. Bà già cằn nhằn đứa con dâu chưa gì đã thu dọn hết quần áo mùa đông của thằng nhỏ vứt vào tủ khóa lại.

Trời bỗng nhiên mưa dầm dề, gió lạnh tràn về mà tìm mãi mới thấy quần áo dài mặc cho thằng cháu. Bà già cười móm mém, tay lấy chổi lông đập bụi trên tấm đệm. Vài trận nắng vã mồ hôi làm sao mà đánh lừa được bà. Kiểu gì cũng phải mưa rửa đền sau ngày Giỗ tổ Hùng Vương kéo theo đó là cái rét nàng Bân ập đến. Nửa đêm thấy xương khớp đau nhức, toàn thân ê ẩm là sáng ra đã thấy gió về. Sấm ùm ùm, từng tia chớp ăn lan ra bầu trời như rễ cây chùm. Trên đồng cạn dưới đồng sâu đầy ăm ắp nước. Bao nhiêu việc đồng áng cũng đều phải gác lại. Đành ngồi trong nhà nhìn ra ngoài màn trời đen kịt. Con dâu bà cũng từng nhiều ngày ngồi đúng vị trí này nhìn ra khoảng trời kia. Bà từng thắc mắc không biết Nhài nhìn gì, thấy gì, và nghĩ suy gì? Hai vai trũng xuống tựa như ai đó vừa đặt lên một gánh nặng vô hình. Mắt Nhài không chớp, nhìn như găm vào vô định vài ý nghĩ hoang hoải. Nhìn cho đến một buổi chiều đầu hạ, bằng động tác dứt khoát Nhài chống tay xuống gối dùng hết sức lực đứng bật dậy. Như không nghe thấy tiếng thằng nhỏ khóc ở góc sân, tiếng nhiếc móc đay nghiến của bà mẹ chồng. Nhài đi lẫn vào buổi chiều tàn. Tan biến…
Chỉ là một cánh đồng xanh thẫm. Những dải đồi chồng lên nhau trông xa như núi. Một tán cây cổ thụ vươn cao sừng sững. Thỉnh thoảng lại thấy một cánh chim đơn độc rệu rã bay qua. Ở góc nhìn này không có gì ngoài cảnh tượng đơn điệu đó. Bà già không tìm thấy điều gì bất thường có thể khiến Nhài bỏ con mà ra đi. Không có bóng dáng người đàn ông nào. Cũng không thấy thấp thoáng một vùng đất tươi mới hay một thành phố lạ xa. Có chăng là những cánh chim kia gợi về một hành trình nào đó. Bà già vịn tay đứng dậy, hai đầu gối rít lên từng cơn đau nhức. Điện mất, củi thì ướt, lửa vừa nhóm lên đã tắt lụi. Bà loay hoay giữa màn khói cay xè. Du ngồi trên giường thò chân qua song cửa hứng mưa. Nó nhìn chằm chằm dòng nước chảy từ mái nhà xuống xoáy theo những chiếc lá na. Nhiều ngày nay không ai biết thằng nhỏ nghĩ gì. Từ khi mẹ bỏ đi người ta luôn thấy nó giữ khuôn mặt vô hồn đó. Nó không biết nói. Vui buồn gì cũng chỉ kêu a a. Thứ âm thanh đó thay cho mọi cuộc đối thoại trong nhà. Trước kia thỉnh thoảng mẹ còn ôm nó vào lòng vỗ về, nịnh nọt hoặc than trách vài câu. Từ khi mẹ bỏ đi hình như chỉ có con chó vàng là lắng nghe và hiểu thằng nhỏ nói gì.
Không ai gọi nó bằng cái tên ghi trong giấy khai sinh. Mọi người đều gọi nó là “thằng a a”. Đó là thứ ngôn ngữ duy nhất phát ra từ mồm nó. A… a có thể là nó đang kêu đói. A… a có thể là nó kêu đau bụng. A… a cũng có thể là nó đang phẫn nộ. Làm sao để phân biệt được những tiếng kêu đơn điệu ấy với vô vàn trạng thái cảm xúc của một thằng nhỏ dễ bị kích động. Thằng a a không chỉ câm mà còn điếc. Người đời nói như thế cũng tốt vì nó không phải nghe lời cay nghiệt. Không cần hiểu những đôi môi mấp máy đang nói những gì. Họ nghĩ thằng nhỏ thậm chí còn không thể nghe thấy âm thanh phát ra từ chính miệng mình. Thế giới không âm thanh bỏ mặc những đôi môi nhảy múa. Những đôi môi biết đơm hoa kết trái. Những đôi môi biết nhả ra ngàn nọc độc ngôn từ.
Bảy tuổi, thằng nhỏ vẫn phải ở lại lớp năm tuổi. Đơn giản vì các cô giáo lớp trên không chịu nhận một đứa trẻ ngỗ nghịch vào lớp của mình. Thằng a a khiến các thầy cô phát điên. Nó cũng khiến những đứa trẻ khác phải thường xuyên hoảng sợ. Nó gần như không chịu ngồi yên lúc nào. Nó ngỗ ngược và không ngừng tấn công các bạn. Cầm bất cứ vật gì trong tay thằng nhỏ cũng biến thành vũ khí làm tổn thương người khác. Thỉnh thoảng lại thấy tiếng khóc thét lên của một đứa trẻ bị cắn chảy máu tai. Bị véo cho thâm tím mặt mày hoặc sưng u đầu vì bị chọi đá. Giờ ra chơi thằng a a bê một chậu nước vào lớp và bắt tất cả các bạn phải rửa mặt. Nếu bạn nào không chịu nghe theo là lập tức bị dúi đầu chìm nghỉm trong chậu nước. Vì không nghe được tiếng nói của thầy cô giáo nên nó bất hợp tác với mọi phương pháp dạy dỗ và dọa nạt. Đã nhiều lần nhà trường định trả lại thằng nhỏ để gia đình tìm một lớp học câm điếc cho phù hợp. Nhưng ở một xã miền núi nghèo như xứ này thì biết kiếm trường câm điếc ở đâu? Bà già bực bội vào trường làm um lên. Rằng cháu bà sinh ra đã chịu thiệt thòi vậy mà nỡ lòng nào các thầy cô giáo quay lưng. Các cơ quan đoàn thể thi nhau kiểm điểm thầy cô trong trường. Kiểm điểm xong thì quay ra động viên nhau. Chớ có trêu tức bà già ấy, vớ vẩn là ngày nào bà cũng ra cổng trường làm loạn lên chứ chẳng chơi. Đến con cháu bà nghe chửi còn không chịu nổi phải bỏ nhà đi nữa là người dưng thiên hạ. Nhưng khổ nỗi các phụ huynh khác lại gây sức ép buộc trường phải cách ly thằng a a ra xa con cái họ. Nhưng cách ly làm sao khi trường lớp và giáo viên chỉ có vậy. Thôi thì đành động viên nhau “sống chung với lũ”.
* * *
Thằng a a không có bạn. Nói đúng hơn bạn của nó chỉ có con chó vàng còi cọc. Nó gầy guộc đến mức khi bà già mang đàn chó ra chợ bán nhưng không ai thèm ngó dòm đến nó cả. Nó bị ghẻ, lông rụng sạch. Cả cơ thể nó luôn bốc lên mùi hôi tanh khiến ai cũng khiếp. Bà già đành mang về nhà kèm với lời nhiếc móc “nuôi mày chỉ tốn cơm, chưa biết chết lúc nào”. Ấy thế mà con vàng không chết, trái lại nó đã được hồi sinh nhờ bàn tay thằng nhỏ. Hằng ngày bà già ra vườn làm lụng bỏ một mình thằng nhỏ lang thang ngoài sân. Con chó vàng luôn quanh quẩn bên chân thằng nhỏ. Nó nghiêng đầu tỏ vẻ lắng nghe mỗi khi thấy tiếng a a cất lên rồi gật gù như thể chuyện gì cũng hiểu. Thỉnh thoảng con vàng bất ngờ bị đánh cho một đòn chí tử kêu ăng ẳng. Nó nhanh chóng lẩn vào đâu đó một lúc mới dám thò mặt ra ngoài. Có khi đòn hiểm khiến nó đi tập tễnh cả ngày, lấm lét nhìn cậu chủ nhỏ ngỗ nghịch của mình. Nhưng chẳng bao lâu nó lại quấn lấy chân thằng nhỏ không rời. Bà già từng lắc đầu than “khốn khổ thay hai đứa nhỏ tội nghiệp” khi thấy chúng nằm lăn lóc ôm nhau ở đống rơm. Vật lộn nhau ở xó nhà. Hôn hít nhau dưới tán cây vú sữa. Giữa trưa nắng lôi nhau ra giếng kỳ cọ. Bà già thêm thắt vào chi tiết cảm động đó bằng mấy nắm lá cúc quỳ chữa ghẻ. Cũng có khi bà vứt cho tuýp thuốc mỡ xin được bên hàng xóm rồi ra hiệu cho thằng nhỏ bôi khắp người con vàng. Chẳng mấy chốc mà hết bệnh ghẻ lở, lún phún những đám lông vàng mọc lên từ thân xác gầy guộc. Con vàng đã được hồi sinh một cách ngoạn mục. Một bát cơm thằng nhỏ cũng rình sẻ nửa cho bạn. Có que kem cũng đứa mút trên, đứa thè lưỡi phía dưới hứng từng giọt một. Sáng sớm con vàng đã ngoe nguẩy đứng sẵn ở cổng chờ cậu chủ đi học. Đến trường con vàng nằm cuộn tròn dưới gốc bàng. Mắt dõi về phía ô cửa sổ luôn thấy đầu cậu chủ loi nhoi nghịch ngợm. Ánh mắt nó đầy trìu mến lẫn lo toan bao bọc mọi cử chỉ hành động của chủ nhân. Chỉ cần thấy ai đó có ý định bắt nạt thằng nhỏ là con vàng lao đến ngoạm vào chân. Nếu còn dám có ý định làm tổn thương thằng nhỏ thì đừng trách vàng. Rất có thể sẽ là cái ngoạm in dấu răng trên da thịt.
Chiều đến người ta thấy thằng nhỏ cùng con chó lẽo đẽo theo nhau la cà hái hoa bắt bướm dọc đường. Chiều về đến nhà là thằng nhỏ vật con vàng ra giữa sân chơi trò khám bệnh. Chơi cho đến khi cả người và chó đều mệt lử cũng là lúc bà già dọn bữa cơm chiều. Người ta nói thằng nhỏ đó hình như không có thời gian rảnh rỗi mà nhớ mẹ. Bởi từ ngày mẹ bỏ đi nó chưa từng gào khóc kêu đòi. Tối cũng lén bế con vàng lên giường ngủ cùng mình. Gối của mẹ giờ dành cho người bạn nhỏ kê đầu. Bà già mắng nhiều lần nhưng cả người lẫn chó cứ quấn riết lấy nhau như thế. Chúng ôm nhau ngủ ngon lành mặc kệ ngoài trời mưa dông sấm chớp. Nhưng nửa đêm con vàng thường tỉnh giấc bởi tiếng thổn thức của thằng nhỏ. Những tiếng nức nở được ghìm chặt trong lồng ngực giờ muốn bung vỡ ra ngoài. Con vàng dùng bàn chân hôi hám của mình đập nhẹ vào lưng cậu chủ. Có khi nó thè chiếc lưỡi liếm những giọt nước mắt lăn dài trên má thằng nhỏ. Con vàng cũng từng khóc như thế hôm người ta đến bắt mẹ nó cho vào rọ mang đi.
Bà già ngày nào cũng đụng phải chiếc ghế mây vài lần. Nó nhẹ bẫng, đổ chổng quềnh dưới đất. Trước đây chiếc ghế đó con dâu bà thường ngồi, mắt nhìn đăm đăm ra cánh đồng trước mặt. Lần nào cúi xuống nhặt chiếc ghế lên bà cũng tự hỏi “nó đã ngồi đây và nghĩ những gì?”. Nghĩ những gì bà già làm sao biết được khi suốt những mùa dài chỉ thấy Nhài ngồi câm lặng. Dáng ngồi có lúc như tạc tượng lại có khi mờ ảo như mây khói. Đã có lúc bà già hoài nghi sự tồn tại ấy nên cố tình chạm vào Nhài bằng những lời cay nghiệt thử xem sao.
Con dâu bà đã sống một cuộc đời cam chịu kể từ khi thằng nhỏ ra đời và người chồng bỏ đi biệt xứ. Bà già đay nghiến hoài khiến Nhài cũng có lúc từng nghĩ chắc kiếp trước mình sống chẳng ra gì nên kiếp này sinh ra một đứa con vừa câm vừa điếc. Ý nghĩ ấy găm vào đầu Nhài ngày này qua ngày khác. Nhất là khi Nhài biết tin chồng đã chung sống với người đàn bà khác ở một vùng đất hứa. Còn ở đây, mẹ chồng chỉ coi Nhài như cái gai trong mắt. Thỉnh thoảng đi qua chỗ Nhài ngồi bà đay nghiến “đàn bà như cái cây. Cây lành thì ra trái thơm. Cây độc thì ra trái độc”. Bà xuống bếp nhóm lửa cháy phừng phừng. Hả hê vì vừa đâm vào lòng Nhài những ngôn từ sắc lẹm. Trái tim đàn bà vốn có hai thái cực. Ấm áp và tàn nhẫn. Không gì đáng sợ bằng đàn bà tàn nhẫn với nhau. Biết đâm vào chỗ nào sẽ đau. Đánh vào chỗ nào sẽ gục. Những cú tấn công liên tiếp nhằm vào một người gần như không có khả năng tự vệ hoặc không muốn tự vệ như Nhài. Thắng một kẻ yếu thế hơn mình thì có gì đáng để hả hê? Có lúc bà cũng giật mình tự hỏi. Để làm gì? Liệu cơn đau mất con của bà có vơi đi?
Bà chỉ sinh được một đứa con trai đặt tên là Núi. Chồng chết, bà một mình nuôi con khôn lớn. Bao nhiêu yêu thương bà đều chắt chiu cho nó. Cả cuộc đời sống vì con, vui buồn cũng vì con. Thứ tình yêu duy nhất ấy dần trở thành độc đoán. Nên khi con trai đưa Nhài về ra mắt bà đã thấy mất mát trong lòng. Đàn bà cô độc thường tự xây thánh địa cho mình rồi suốt đời trở thành người gác cổng trung thành. Bà đã đối đãi với Nhàn bằng sự hằn học ấy. Thằng a a ra đời câm điếc và ngỗ nghịch. Thêm nhiều mảnh ngôn từ cứa vào tim Nhài. Ngày Núi ra đi thánh địa của bà sụp đổ. Bà như kẻ điên loạn xót xa nhặt từng mảnh vỡ đẩy Nhài về phía cùng cực tội đồ. Bà không biết rằng có hôm ngồi bất động trên chiếc ghế mây Nhài thấy trong đầu mình vang lên câu nói “Mình là cây độc. Mình là cây độc. Mình là cây độc…”. Tiếng nói chạy trong từng mạch máu, lan tỏa đến đâu ăn ruỗng cơ thể đến đó. Nhài ngồi cho đến khi thấy mình sắp rụng xuống. Vội vàng đứng dậy, nhìn xung quanh tìm một thứ để bấu víu. Có hôm gặp ánh mắt thằng nhỏ đang nhìn Nhài chằm chằm. Cũng có hôm Nhài va vào cái lườm nguýt của mẹ chồng ngã dúi dụi. Bên ngoài mặt trời đã bị dải đồi nuốt chửng. Cánh đồng đen sẫm. Bóng cây cổ thụ như một gã ăn mày khổng lồ ngồi ngủ gục. Nhài đi…
Thằng a a lớn lên giữa sự đổ vỡ hỗn độn ấy, ngậm mớ ngôn từ ấm ứ lẫn trong nước bọt. Nó thích chơi trò cúi đầu nhổ từng chùm nước bọt xuống miệng chú chó đang chờ sẵn. Chó vẫy đuôi tíu tít, chủ cười sằng sặc. Ai đó đi qua xoa đầu thằng nhỏ hỏi “trò đó chắc là vui?”. Bà già lắc đầu, khẽ thở hắt ra. Từ khi Núi đi bà học cách vun lại một mầm xanh trong lòng để bắt đầu yêu thương chăm chút thằng cháu tội nghiệp của mình. Nhưng lòng bà đã thật sự nguội lửa hay chưa? Bà đã bao giờ ôm thằng nhỏ vào lòng mà không hằn học? Người ta ru cháu bằng lời ầu ơ thấm đẫm tình người còn bà ôm thằng a a vào lòng ru cháu bằng những lời cay nghiệt. Thằng nhỏ câm điếc thỉnh thoảng giật mình nấc lên những tiếng nấc khan. Hóa ra ông trời không cướp đi của ai tất cả, không tận diệt của ai tận cùng xúc cảm. Mắt mù thì tai thính. Tai điếc thì trái tim nhạy cảm. Nên có nhiều đêm khi mọi vật đã chìm trong bóng đêm thì vẫn còn có một trái tim bé bỏng đang thổn thức. Có những đêm gặp cơn ác mộng thằng nhỏ hoảng hốt kêu “a... a”. Con vàng bật dậy vươn hai chân trước lay mạnh cậu chủ nhỏ đánh thức. Có đêm thằng nhỏ cảm, bà già nằm ở nhà ngoài không biết. Con vàng nghe thấy tiếng rên rỉ nó lồm cồm bò dậy liếm láp khắp khuôn mặt lấm tấm mồ hôi của thằng nhỏ. Không thấy chủ vòng tay ôm ghì nó như mọi bận, nó dụi mõm lên khắp cơ thể đang nóng bừng của thằng nhỏ rồi vội chạy ra ngoài gọi bà già. Hai chân nó líu ríu, miệng rên ư ử cặp lấy gấu quần bà già lôi đi. Con vàng ngồi dưới chân giường ngó từng động tác của bà già. Nó nhấp nhổm không yên mỗi khi thấy bà già rền rĩ đắp lên đầu cậu chủ chiếc khăn. Cho đến khi cơn sốt đi qua, bà già ngồi ngủ gục bên cạnh thì con vàng mới dám len lén bò lên giường nằm gần cậu chủ. Hình như nó cũng vừa trút một tiếng thở dài…
* * *
Thằng a a từ khi có con vàng làm bạn tính tình thuần hơn hẳn. Đến lớp đã bớt ngỗ nghịch hơn. Thỉnh thoảng thích ai đó thằng nhỏ lao vào ôm bạn như ở nhà vẫn lao vào ôm con vàng. Vò đầu bạn như vẫn vò đầu con vàng. Hôn vào má bạn như hôn má con vàng. Bạn bè không còn sợ thằng a a nữa. Trong những trò chơi tập thể thằng nhỏ luôn là người khuấy động bằng cách chạy loạn xạ kêu a a vang khắp sân trường. Thằng nhỏ vui chắc hẳn vì nó biết ở một góc nào đó con vàng đang nằm cuộn tròn nghếch mõm đưa mắt dõi theo cậu chủ. Cho đến khi nắng trưa dội thẳng xuống đầu thì con vàng mới uể oải đứng dậy, lắc mạnh khiến đám cỏ khô dính trên lông bay tung tóe. Nó thong thả đi loanh quanh đợi thằng nhỏ tan học. Dù có hôm thằng nhỏ ham chơi với bạn suốt đường về, con vàng thất thểu phía sau. Có hề gì, những người bạn tri kỷ sẵn sàng đứng ở phía sau. Con vàng dường như hiểu được chân lý ấy nên chỉ cần thằng a a vẫy tay là nó lao vào lòng chủ như thể chưa từng bị bỏ rơi. Bà già từng nghĩ sẽ thế nào nếu một đứa trẻ lớn lên chỉ biết quẩn quanh bên một chú chó? Thằng nhỏ cần ai đó để chăm sóc yêu thương, mà bà thì đã già rồi…
Bà già mệt mỏi ngồi xuống chiếc ghế mây. Bà đưa mắt nhìn thằng nhỏ đang xâu từng chuỗi hạt bưởi khô bằng chỉ. Cái dáng đơn độc của nó tạc vào buổi chiều thu một nỗi niềm day dứt. Nó lẽ ra đã có một gia đình nếu như người lớn bớt đi toan tính và hằn học. Bà lẽ ra đã không cô đơn nếu như không xua đuổi người thân bằng mớ ngôn từ sắc lẹm. Những buổi chiều im ắng nơi đây nếu như không có cảnh tượng thằng nhỏ và con vàng quấn quýt bên nhau thì sẽ u ám đến chừng nào. Hai đứa nhỏ tội nghiệp ấy đã xoa dịu lòng bà bằng những thương yêu khờ khạo. Bà thở dài nhìn mông lung về phía cánh đồng. Ở đó thấp thoáng trên nên trời tối sẫm vài cánh chim rã rời nỗ lực sải cánh bay về tổ. Bà đang mải nghĩ ngợi vẩn vơ, bỗng con vàng từ ngoài ngõ chạy vào miệng rên ư ử, đuôi quẫy tít. Nó như muốn khoe với cậu chủ điều gì đó. Bà già rời mắt khỏi cánh đồng, dải đồi và bóng cây cổ thụ như một gã khổng lồ ngủ gật. Không phải bởi tiếng mừng quýnh quáng của con vàng mà vì nghe thấy ngoài ngõ có tiếng bước chân quen thuộc. Như vừa đi xuyên qua từ hoàng hôn này đến buổi hoàng hôn khác, Nhài đã trở về. Trong chiếc túi xách của Nhài có vài món đồ chơi, vài bộ quần áo cho thằng nhỏ và lọ thuốc khớp mua về biếu mẹ chồng. Nhài đặt túi đồ xuống sân ngó tấm lưng nhỏ bé của con, nức nở. Thằng nhỏ từ từ quay lại, nó đánh rơi xâu hạt bưởi trên tay, miệng liên tục kêu a a chạy ùa vào lòng mẹ. Bà già lẻn xuống bếp thổi lửa cay xè mắt, vờ càu nhàu than củi phơi mấy nắng rồi mà sao vẫn ướt. Khán giả của màn kịch hội ngộ ấy chỉ có con vàng. Nó nằm cuộn tròn trên đống lá chuối khô nghếch mõm nhìn cậu chủ nhỏ đang mặc quần áo mới…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.