Hơn 5.500 sản phẩm không có chứng từ
Hôm qua (24.7), Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM (QLTT) vừa có báo cáo nhanh kết quả kiểm tra 3 cửa hàng Con Cưng tại TP.HCM.
Cụ thể, tại địa điểm kinh doanh số 20 - Công ty cổ phần Con Cưng địa chỉ 833 - 835 Hồng Bàng (P.9, Q.6), lực lượng chức năng đã tạm giữ 224 sản phẩm quần áo trẻ em các loại trên nhãn ghi xuất xứ “made in Thailand”, nhãn gốc hàng hóa bằng tiếng nước ngoài in trực tiếp lên sản phẩm (riêng hiệu concung.com không có nhãn gốc hàng hóa) và nhãn phụ tiếng Việt treo trên móc treo sản phẩm. Đối với 888 sản phẩm quần áo trẻ em các loại trị giá hơn 88 triệu đồng hiệu CF, concung.com đề xuất xứ “made in Vietnam” kèm nhãn giấy/bao bì nhưng ghi không đúng quy định về đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hóa...
tin liên quan
Nhiều sai phạm về xuất xứ ở Con CưngNgoài ra, phát hiện 56 mắt kính trẻ em trị giá gần 5 triệu đồng không hiệu, có đính kèm nhãn không đúng quy định về đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hóa; 4 ống mỹ phẩm kem massage bụng hiệu TitiOne trị giá 1,380 triệu đồng cũng bị tịch thu do nhãn hàng hóa tiếng Việt in trực tiếp trên bao bì sản phẩm có dán miếng giấy ghi nội dung "Sản xuất bởi: Công ty TNHH mỹ phẩm TITIONE" chồng lên thông tin in sẵn nằm dưới có nội dung "Sản xuất bởi Công ty TNHH G & C, VP: 413 đường số 1, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM, Việt Nam".
Tương tự, tại cửa hàng Con Cưng địa chỉ số 424 Nguyễn Thị Minh Khai (P.5, Q.3), qua kiểm tra đã tạm giữ 1.600 đơn vị sản phẩm gồm quần áo các loại, cài tóc, mắt kính... Trong đó, hàng hóa do nước ngoài sản xuất gồm 294 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm, 62 sản phẩm đồ chơi trẻ em, quần áo. Tổng trị giá gần 295 triệu đồng. Trong khi đó, cửa hàng Con Cưng địa chỉ 78 Tôn Thất Tùng (P.Bến Thành, Q.1) ngoài bị tịch thu gần 1.840 sản phẩm còn bị phát hiện không gắn tên địa điểm kinh doanh tại cơ sở kinh doanh.
Đáng chú ý, Chi cục QLTT TP.HCM cho biết toàn bộ hàng hóa tạm giữ chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Hành vi gian lận, lừa dối người tiêu dùng
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật BASICO, nhận định việc không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của sản phẩm ngoại nhập chỉ có thể do 2 khả năng: Con Cưng nhập hàng lậu hoặc bán hàng trong nước nhưng “thay tên đổi họ”, gắn mác nhập ngoại, giống như trường hợp khăn lụa Khải silk - nhập hàng Trung Quốc về gắn mác “made in Vietnam”. Ngay cả đối với hàng “made in Vietnam” nếu Con Cưng không thể hiện rõ được nguồn gốc, cơ sở gia công, thông tin sản phẩm theo đúng quy định thì cũng có thể là hành vi gian lận trốn thuế.
Theo ông Đức, chưa kể đến chuyện không xuất trình được hóa đơn chứng từ, bản thân sản phẩm có dấu hiệu cắt nhãn, mác đã đặt ra rất nhiều nghi vấn về nguồn gốc sản phẩm của Con Cưng. Công ty lý giải lỗi do nhà sản xuất, trường hợp này cũng có thể xảy ra nhưng rất hy hữu vì đây là cả lô hàng với số lượng lớn, không phải hàng đơn lẻ, theo chủng loại riêng biệt nên việc dán nhầm trên một vài sản phẩm là điều vô lý. Giả sử có trường hợp trên xảy ra thì quan trọng, cái cuối cùng vẫn là nguồn gốc thật của sản phẩm phải thể hiện rõ ràng bằng hồ sơ chứng từ, giá thành nhập khẩu... theo ký kết, thỏa thuận giữa hai bên.
Đồng tình, luật sư Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, khẳng định nếu không cung cấp được toàn bộ thông tin chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng của tất cả các sản phẩm đang bị tạm thu, chắc chắn hàng hóa của Con Cưng là nhập lậu. Bà Thu cho rằng, trong trường hợp hàng của Con Cưng là hàng VN gắn mác Thái Lan, dù chất lượng có ngang bằng hay thậm chí là tốt hơn thì vẫn là hành vi làm giả thương hiệu, lừa dối người tiêu dùng.
Bình luận (0)