Con đam mê ngành đạo diễn, phụ huynh lưỡng lự

24/07/2024 11:43 GMT+7

Sợ con thất nghiệp, công việc không ổn định hay định kiến về các ngành nghệ thuật là rào cản khiến phụ huynh khó xử khi con muốn chọn theo nghề đạo diễn.

Không ít bậc cha mẹ bày tỏ mong muốn con chọn những công việc quen thuộc như giáo viên, bác sĩ… để có tương lai ổn định. Do đó, khi con chọn các ngành học thiên về nghệ thuật, phụ huynh bắt đầu tìm hiểu và hoang mang về cơ hội nghề nghiệp.

“Học đạo diễn có tương lai không?”

Trong một diễn đàn dành cho phụ huynh trên Facebook, một phụ huynh trăn trở khi con đam mê ngành đạo diễn sân khấu. Cụ thể, ba mẹ còn đang phân vân, trong khi ông bà phản đối và muốn cháu nối nghiệp bác sĩ của gia đình.

Một trường hợp khác là anh Minh Tâm (ngụ Q.6, TP.HCM) có con trai năm nay lên lớp 12 muốn học ngành đạo diễn điện ảnh nhưng bố mẹ khuyên con suy nghĩ lại. Anh cho rằng thích xem phim là một chuyện nhưng để theo nghề làm phim lại là một vấn đề.

“Công việc này nếu làm tự do sẽ dễ thất nghiệp, lương không ổn định và khi về già không có lương hưu để xoay xở. Còn làm cho doanh nghiệp thì không bền, đến độ tuổi nhất định sẽ bị thay thế bằng người trẻ hơn. Chưa kể, các đoàn phim hiếm khi tuyển người mới mà đa số chỉ làm với người quen. Do đó, tôi mong con trai chọn một công việc ổn định hơn như giáo viên hoặc nhân viên văn phòng để lo cho bản thân”, anh Tâm trải lòng với PV Báo Thanh Niên.

Nói về mối lo ngại của phụ huynh, thạc sĩ Lê Phương Mai, Phó trưởng khoa Điện ảnh - Truyền hình, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, cho rằng trong lúc nhiều gia đình phải lo toan mưu sinh thì nghệ thuật có thể không phải là ưu tiên cho sự lựa chọn nghề nghiệp của con em mình.

Theo thạc sĩ Phương Mai, nhiều sinh viên ban đầu học với suy nghĩ mong được nổi tiếng hay cho rằng nghề này nhàn rỗi, được đi nhiều nơi… chỉ sau một năm đã cảm thấy không trụ nổi và dừng lại. Cô Phương Mai đồng thời lưu ý nghề đạo diễn cần đam mê rất lớn, sinh viên phải không ngừng sáng tạo, vì nếu hời hợt hoặc lười biếng sẽ bị đuối sức và không theo kịp.

“Còn những bạn chọn ngành đạo diễn kịch nói phải chấp nhận ‘đầu tư khó sinh lời’ mới có thể phát triển sự nghiệp”, thạc sĩ Nguyễn Hòa An, giảng viên khoa Sân khấu - Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, lưu ý.

Con đam mê ngành đạo diễn, phụ huynh lưỡng lự- Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh còn lưỡng lự khi con chọn theo nghề đạo diễn

NVCC

Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành đạo diễn

Chia sẻ với PV Thanh Niên, đạo diễn Đào Bá Sơn cho biết, quan điểm về nghề nghiệp ổn định của thời nay khác xưa rất nhiều. Mỗi sinh viên khi ra trường đều cùng đối mặt với khó khăn giống nhau nhưng nếu gặp bất kỳ tình huống khó khăn nào cũng bình tĩnh xử lý được thì sẽ có cơ hội hơn.

Tại TP.HCM, nhiều công ty truyền thông, hãng phim lớn nhỏ hiện có nhu cầu tìm kiếm nhân sự giỏi, được đào tạo bài bản. Sinh viên tốt nghiệp ngành đạo diễn ngoài làm đúng chuyên môn còn có thể làm một số công việc như: thư ký, trợ lý, phó đạo diễn, trợ lý sản xuất, biên kịch hoặc nhận gia công sản xuất chương trình phim truyền hình…

Chẳng hạn, Phan Lê Nhật Minh, sinh viên năm nhất ngành đạo diễn điện ảnh - truyền hình, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, đang đảm nhiệm vị trí Line Producer tại một công ty truyền thông chuyên sản xuất TVC, MV ca nhạc của các nghệ sĩ. (Line Producer là người phụ trách lập kế hoạch ngân sách và giám sát các hoạt động hành chính, tài chính và kỹ thuật của quá trình sản xuất phim).

Trước đây, nam sinh viên này từng làm việc cho một công ty truyền thông và sau đó thi ĐH lại để đi học chính quy. “Tôi học ngành đạo diễn không chỉ vì đam mê và muốn trang bị kiến thức, nghiệp vụ bài bản để tăng kỹ năng của mình trong mỗi dự án”, Nhật Minh chia sẻ.

Con đam mê ngành đạo diễn, phụ huynh lưỡng lự- Ảnh 2.

Sinh viên ngành đạo diễn cần tích lũy nhiều kinh nghiệm trước khi trở thành đạo diễn thực thụ

NVCC

Bên cạnh đó, sinh viên các ngành đạo diễn có thể làm những lĩnh vực khác như tổ chức sự kiện, người dẫn chương trình (MC), kinh doanh dịch vụ du lịch, quảng cáo…

“Sinh viên mới ra trường hay đang thực tập như tôi khó có thể trở thành một đạo diễn ngay lập tức. Vì vậy, chúng tôi cần thử sức ở nhiều vị trí khác có liên quan để rèn luyện nghề nghiệp”, Nguyễn Anh Kiệt, sinh viên năm 3 ngành đạo diễn điện ảnh - truyền hình, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, chia sẻ.

Hiện Anh Kiệt làm thêm công việc tổ chức sự kiện liên quan đến talkshow, liên hoan phim, tuần phim… Nam sinh viên này kể: “Tôi đã tự quyết định chọn ngành đạo diễn, chỉ dám thông báo với gia đình khi có kết quả trúng tuyển. Cha mẹ có chút bất ngờ, nhưng hoàn toàn đồng ý và ủng hộ”.

Một số sinh viên như Đinh Phạm Phước Bình (năm cuối ngành đạo diễn điện ảnh - truyền hình, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) thì đang điều hành một công ty hậu kỳ riêng dù chưa tốt nghiệp.

“Theo đuổi nghệ thuật và làm đạo diễn là ước mơ từ khi mình học cấp 2. Lần đầu trình bày với bố mẹ mình cũng chưa nhận được sự ủng hộ ngay, chưa kể gia đình lo con gái theo nghề này sẽ rất cực. Tôi mong muốn những dự án cá nhân sắp tới có thể chạm tay đến với những liên hoan phim lớn trên thế giới”, Phước Bình chia sẻ. Phước Bình đã nhận giải thưởng Cánh Diều Vàng hạng mục phim ngắn tại lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2023 và dự kiến sẽ du học thạc sĩ.

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp các ngành đạo diễn có thể tiếp tục học ở cấp học cao hơn, như thạc sĩ, tiến sĩ để trở thành giảng viên hay nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật.

Cô Phạm Ngọc Lan, nhà sáng lập dự án khởi nghiệp SeedCareer (TP.HCM), lưu ý phụ huynh đồng hành cùng con trong việc chọn ngành nghề. Phụ huynh có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Các bậc cha mẹ có thể giúp con tìm hiểu thêm về ngành nghề dựa trên sở trường, năng lực bản thân, hãy để con là người quyết định, không nên áp đặt định kiến nghề nghiệp. Điều này sẽ giúp hạn chế tình huống xảy ra căng thẳng giữa phụ huynh và con cái trong quá trình hướng nghiệp.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.