Tình yêu không phải lúc nào cũng nở hoa hồng với hương thơm ngọt ngào, và ở lứa tuổi học trò khi mới “chập chững” yêu, việc đón lấy những “thăng trầm” quá sớm đã khiến các em trở nên chông chênh.
Tình yêu và những hệ lụy đến xót xa…
Tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện tình cảm của hai em học sinh lớp 11 , xảy ra đã khá lâu, nhưng mỗi khi nhắc lại, tôi vẫn xem đó như một bài học không bao giờ quên.
Hai em học giỏi, sáng sủa, con nhà khá giả, phải lòng nhau. Tình cảm các em sẽ không ầm ĩ nếu như không có việc, vào một buổi chiều, do không kiềm chế cảm xúc, em nam sinh đã hôn vội trên má bạn gái trong nhà vệ sinh nữ. Giám thị bắt gặp. Ba mẹ hai bên được mời lên. Nam sinh đó bị nhà trường bắt buộc phải chuyển trường. Mọi chuyện nhanh như một giấc mơ, em dường như vẫn chưa hiểu chuyện gì đang đến. Em mất niềm tin, phương hướng, trở nên suy sụp. Nữ sinh vì xấu hổ, xa bạn trai của mình nên đã tìm đến cái chết. May mắn là gia đình phát hiện, em qua được cơn nguy kịch, nhưng từ đó trở đi, em thay đổi hẳn, trở nên trầm buồn, ít giao tiếp…
Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện của hai em học lớp 12, quen nhau nhờ những lần tham gia phong trào của nhà trường. Mọi chuyện tưởng êm đẹp cho đến ngày hai em bị bắt gặp khi làm “chuyện ấy” ở một góc trong trường. Qua trò chuyện, tâm sự, cô giáo và mẹ của bạn nữ sinh mới “chết lặng” khi biết con mình và cậu bạn ấy thường xuyên làm chuyện này ở một khách sạn bên Q.7 (TP.HCM), thấy “không chịu được” nếu thiếu. Giải pháp chuyển trường đưa ra, khóc lóc, thậm chí hai bên gia đình lời qua tiếng lại, dẫn đến hai bạn ấy trở nên thù ghét, chửi nhau không tiếc lời… Mới ngày nào dành cho nhau bao lời yêu thương, vậy mà…
Tôi chắc chắn cũng sẽ không quên câu chuyện hai em cũng đang học 12, yêu nhau nồng ấm lắm, ngày ngày cô bạn làm đồ ăn, mang qua tận lớp cậu bạn, cùng ăn cùng trò chuyện. Nhưng những món ăn đầy yêu thương đó vẫn không giữ chân được đôi trẻ cho đến lúc cô bạn kia phát hiện ra bạn trai của mình đang “thả thính” một người bạn nữ khác trong đội văn nghệ. Giận dữ, hai bạn nữ hẹn nhau cùng “nói chuyện”, hậu quả cùng dắt nhau ra hội đồng kỷ luật, đình chỉ học tập một tháng. Cậu bạn kia thì được mẹ mình khuyên nhủ trước hội đồng kỷ luật “Mẹ không chấp nhận con gái mà đánh nhau như thế đâu, , con yêu ai thì phải biết chọn lựa chứ?”. Kết quả là cả ba bạn đường ai nấy đi, và tất nhiên, các em đã ngoảnh mặt làm ngơ với bao lời cay nghiệt…
Trên chỉ là một số những câu chuyện mà tôi góp nhặt trong vô vàn những chuyện đau lòng – hệ luỵ từ những “chuyện tình” lứa tuổi “ẩm ương này”. Qua báo chí, truyền thông, chắc hẳn chúng ta cũng đã biết thêm muôn mặt khác và có những chuyện đã hằn một “vết sẹo” không bao giờ xoá nỗi trong tâm hồn và ký ức của các em – lứa tuổi đang hồn nhiên đón nhận cuộc sống…
Tình yêu là bệ phóng
Nhưng cũng sẽ oan cho các học sinh nếu như lúc nào cũng nghĩ tình yêu tuổi học trò luôn mang lại những bi thương.
Tôi cũng biết hai học sinhquen nhau từ những ngày tháng tham gia lớp học bồi dưỡng thi học sinh giỏi cấp thành phố, cùng động viên, chia sẻ, cố gắng học và kết quả cả hai đều đạt giải Nhất ở kỳ thi năm đó. Đến giờ vẫn còn quen nhau, vẫn nhắc nhở nhau học, kết quả sau này thì chưa rõ, nhưng nhìn cách mà hai em đang phấn đấu, tôi nghĩ rằng, sẽ có một kết thúc đẹp cho câu chuyện tình cảm của hai em.
|
Có một cô bé học trò khác, học lớp 11, thương thầm một người anh học lớp trên. Thương nên phấn đấu học cho xứng đáng vì “người thương” của cô bé học rất giỏi. Kết quả là cuối năm ấy, cô bé đã giành giải Nhất trong một kỳ thi học sinh giỏi và em đã quyết định “ngỏ lời yêu”. Kết quả là hiện nay, hai em đang quen nhau, cùng đặt ra các mục tiêu trong học tập, trong cuộc sống. Nam sinh kia đã là sinh viên đại học, lâu lâu tôi thấy đứng trước cổng trường sau giờ tan học, chờ nữ sinh này ra để đưa ly trà sữa, bịch bánh tráng… Nhìn kết quả học tập của em nữ sinh tốt hơn qua mỗi giai đoạn, tôi cũng thầm mong một cái kết đẹp cho “chuyện tình” này…
Tôi đã từng nhận thiệp cưới của hai em học sinh cũ, lớp chủ nhiệm, tính từ lúc quen nhau (cuối năm lớp 10) cho đến khi cưới là 8 năm, khi cả hai đã có công việc và trưởng thành trong suy nghĩ. Luôn giữ khoảng cách khi ở trong trường hay đi dã ngoại cùng lớp; biết động viên nhau khi khó khăn (bạn nam đã trượt lần đầu khi thi đại học, ôn tập lại và đỗ vào năm sau), cứ như thế các em nhẹ nhàng bước vào cuộc sống với một điểm tựa vững chắc luôn ở bên…
Người lớn phải làm gì?
Những buồn vui của câu chuyện tình yêu tuổi học sinh vẫn đầy ắp lên theo năm tháng. Khi nói tới, tôi hay nghe những đồng nghiệp của mình nhắc tới các cụm từ quen thuộc “duyên số”, “khôn nhờ dại chịu”… Dẫu biết, phần lớn là ở chính bản lĩnh của các em, nhưng làm sao để “khôn” nhiều hơn “dại”, đó là cả một hành trình dài…
Theo tôi, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, những chương trình tư vấn, hoặc vai trò của phòng Tư vấn học đường chưa thật sự hiệu quả, vẫn còn “làm cho có”, thiếu lan toả và chiều sâu. Vì vậy, những gì mà báo cáo viên đưa đến vẫn không chạm được vào các em; những khi cần “cầu cứu” thì chuyên viên phòng tư vấn học đường vẫn “bối rối”, sách vở, giáo điều nên “đến cũng như không”, dần dà các em cũng xa dần nơi ấy!
Không né tránh, chúng ta nên cùng trò chuyện để giúp các em thấy được những chuyển biến tâm lý ở lứa tuổi mình. Nhiều giáo viên sợ rơi vào “vẽ đường cho hươu chạy”, hoặc ngại nên chọn cách vòng vo, hoặc “sau này lớn hơn em sẽ biết!”. Không tìm được câu trả lời ở chúng ta, các em sẽ tự tìm tòi qua mạng, qua người khác, thậm chí là tò mò “thử cho biết” để tìm câu trả lời “mang tính thực tiễn”, khi ấy hậu quả sẽ càng khó lường. Hơn bao giờ, giáo viên trung học hiện nay luôn tự trang bị kiến thức về các nội dung trên, kỹ năng để nắm bắt tâm lý, kỹ năng trò chuyện… làm sao để các vấn đề “khó nói” ấy có thể đến với các em nhẹ nhàng nhất, giúp các em hiểu được vấn đề, từ đó sẽ biết mình nên làm gì…
Người lớn thường chọn cách nghiêm trong hoá vấn đề khi biết đến những “rung rinh cảm xúc” của các em, từ đó, dẫn đến can ngăn, báo với giám thị để theo dõi, méc phụ huynh, nói trước lớp… Rơi vào tình huống ấy, các em thường xấu hổ, sợ, có em dẫn đến căm hận, thay đổi tính cách.
Trong một số câu chuyện đau lòng mà tôi chia sẻ ở trên, thiết nghĩ nhà trường và giáo viên nếu khéo léo hơn, tế nhị hơn, có thể hậu quả không như vậy. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “hậu quả khó lường”, lo ngại,… là những điều chúng ta thường đưa ra để lý giải cho cách xử lý của mình, tuy nhiên chúng ta lại quên đi một nguyên tắc cơ bản: các em cũng cần được tôn trọng. Ở lứa tuổi mà “lớn không ra lớn, nhỏ không ra nhỏ” thì những trấn áp, áp đặt có lẽ sẽ không phù hợp, thậm chí đưa đến tác dụng ngược với mong muốn của chúng ta.
Thực tế ở lứa tuổi này, khi các em yêu, có cấm cũng không thể được. Vì vậy, thay vì cấm, nên định hướng giúp các em yêu cho “văn minh”. Một đồng nghiệp của tôi, thay vì cấm, cô giáo rất tâm lý, gần gũi, tỉ tê cùng các em, từ đó, hướng dẫn các em từng bước. Theo quan niệm của cô, la và cấm sẽ làm các em sợ, không mạnh dạn tâm sự cùng mình, lúc ấy mới lo vì không biết các em sẽ nghĩ gì, làm gì. Nên cô giáo đã chọn cho mình hình thức tâm sự, nói chuyện gần gũi để các em mạnh dạn chia sẻ và cô nắm bắt, định hướng các em. Cô như một người bạn mà các em tìm đến chia sẻ bao chuyện tình cảm của mình, nhờ thế, cô đã biết được những “khủng hoảng” mà các em đang đối diện. Trong khả năng mình thì cô sẽ giúp các em ngay; khó hơn, cô khéo léo phối hợp cùng gia đình, chuyên gia tư vấn. “Khủng hoảng” được giải quyết, các em vừa có thêm kiến thức, vừa có cảm giác được che chở, chia sẻ.
Một đồng nghiệp khác, thay vì né tránh, trước chuyến đi dã ngoại 4 ngày tại Đà Lạt mà trường tổ chức cho học sinh tham gia, thầy đã phối hợp cùng cô giáo dạy sinh học của lớp, chia ra nam riêng, nữ riêng để cô tư vấn những điều các bạn cần “bảo vệ mình” ngay trong tình huống xấu nhất là các bạn không là chủ được cảm xúc. Ban đầu, một số giáo viên và phụ huynh không đồng ý với cách làm này, nhưng ở góc độ phát triển tâm sinh lý lứa tuổi, khi mà các em có thể chưa thể kiểm soát được hết hành vi của mình, thì thầy vẫn kiên trì. Ở góc nhìn phiến diện, theo tôi, thay vì chọn “khó quá cho qua”, cách làm của thầy cũng là giải pháp mà chúng ta nên suy ngẫm…
Nhìn chung, chuyện tình cảm của lứa tuổi học sinh Trung học hiện nay luôn làm “đau đầu” và “thử thách” thầy cô, cha mẹ. Chúng ta nên bỏ qua tư tưởng “truyền thống” khi cho rằng các em “còn nhỏ, lo mà học hành, yêu đương vớ vẩn”. Không phải em nào lứa tuổi này cũng dễ dàng nghe theo sự áp đặt của người lớn, nhất là chuyện “nhảy múa của con tim”. Không thể chọn cấm đoán vậy thì chỉ còn cách là định hướng để giúp các em có tình cảm đẹp, "văn minh".
Xin mượn câu chuyện tình yêu của hai em học sinh lớp 10 để khép lại vấn đề. Hai em có tình cảm với nhau, giáo viên chủ nhiệm biết được, âm thầm để ý. Một lần, thấy hai em có cử chỉ hơi thân mật ở hành lang giờ chơi, cô nhẹ nhàng hẹn từng bạn nói chuyện. Không biết cô giáo đó nói chuyện gì, nhưng sau đó, hai bạn đã không còn có những cử chỉ như thế nữa, cô giáo trở thành “quân sư quạt mo” cho cả hai trong tình yêu. Giờ cả hai đã là bố mẹ của một cậu nhóc 2 tuổi, cô giáo kia thì vẫn là người bạn “không thể thiếu” của các em cho tới hiện nay…
Con biết yêu khi còn đi học, có đáng lo?
Tuổi vị thành niên là lứa tuổi có nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý. Ở giai đoạn này, trẻ có sự chuyển biến lớn về hành vi cư xử đối với cha mẹ, bạn bè, nhất là trẻ bắt đầu biết rung động với bạn khác giới.
Con biết yêu khi còn đi học, cha mẹ sẽ làm gì? Lo lắng thái quá, ngăn cản, cấm đoán con yêu hay dạy con yêu đúng, để con hướng đến những mục tiêu tốt đẹp, trưởng thành hơn... Và dù có quyết định thế nào đi nữa, thì cách quan tâm, giáo dục của cha mẹ trong thời điểm này là điều vô cùng quan trọng.
Xung quanh chủ đề Con biết yêu khi còn đi học, có đáng lo?, bạn đọc có thể gửi những câu chuyện, những chia sẻ của mình về địa chỉ [email protected]. Các bài viết của bạn đọc được đăng tải trên Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
|
Bình luận (0)