Côn Đảo, những điều tôi trao lại học sinh trong ¼ thế kỷ

Nguyễn Hữu Nhân
Đồng Tháp
16/12/2023 15:00 GMT+7

Ngày 19.6.1996, tôi ra thăm Côn Đảo. Vốn hiểu biết của một người thầy chỉ vẻn vẹn mấy số liệu về tọa độ địa lý, mấy dòng thơ của Trần Huy Liệu: "Lửng lơ đứng giữa bầu trời/Đá ngồi trơ mặt, sóng phơi bạc đầu"…

Hay cụ thể hơn là thời điểm 10 giờ sáng ngày 28.11.1861, Pháp đánh chiếm thành công hòn đảo này, biến nơi đây thành nơi giam giữ những tù nhân chính trị.

Côn Đảo, những điều tôi trao lại học sinh trong ¼ thế kỷ - Ảnh 2.

Tôi đã đến nơi xa nhất về phía đông nam của Tổ quốc...

Thiên Anh

Tôi nhớ rõ khi tàu sắp vào Côn Đảo, tôi nhìn thấy từ xa bóng Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ in trên nền trời. Tôi đã đến nơi xa nhất về phía đông nam của Tổ quốc. Lòng tôi tự hỏi Côn Đảo đẹp đến thế sao? Vậy Côn Đảo – "địa ngục trần gian" của các chiến sĩ cách mạng ở đâu? Trong tôi là lời thơ vang vọng: "Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn/Lừng lẫy làm cho lở núi non/Xách búa đánh tan năm bảy đống/Ra tay đập bể mấy trăm hòn/Tháng ngày bao quản thần sành sỏi/Mưa nắng càng bền dạ sắt son/Những kẻ vá trời khi lỡ bước/Gian nan chi kể việc con con".

Nghỉ ngơi xong, tôi và các bạn nhanh chóng hòa vào cuộc sống của người dân nơi đây. Các con đường ở Côn Đảo đều được mang tên những anh hùng liệt sĩ từng là tù nhân ở nơi này. Đường Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu, Tôn Đức Thắng… đều rợp bóng cánh phượng, lá bàng, hoa sứ, uốn lượn theo bờ biển rất đẹp.

Đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương là việc đầu tiên của chúng tôi, như một lời tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống ở nơi này. 19 ha đất ở đây là nơi gởi lại máu xương của 20.000 liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tôi bồi hồi ngắm nhìn bức tượng đài cao 11 m bằng đá xanh tạc hình một thanh niên vẻ mặt rắn rỏi, quả quyết, trên tay ôm một manh áo, mắt nhìn thẳng, phía dưới là dòng chữ nghiêng nghiêng: Vĩnh biệt các đồng chí. Tượng đài được hình thành từ ý tưởng ở 4 câu thơ của Tố Hữu: "Chết nằm xuống còn hôn cờ Đảng/Chết còn trao súng đạn quên đau/Chết còn trút áo cho nhau/Miếng cơm còn để người sau ấm lòng".

Tôi thấy gai cả người vì những làn gió lộng trong không gian. Gần nhau đây mà xa biết bao nhiêu. Cả đời vì nước vì dân, khi nằm xuống, các anh, các chị, các bác, các chú được "2 bao bàng và 7 nuột lạt" (lệ của nhà tù Côn Đảo là khi tù nhân chết, bọn thực dân chỉ cho dùng 2 bao bàng, 1 kéo từ trên xuống, 1 kéo từ dưới lên, sau đó dùng 7 nuột lạt tre cột lại rồi mang ra Hàng Dương vùi lấp).

Trong ánh nắng vàng, mùi hương thơm ngát, sóng biển rì rào như vỗ yên giấc ngủ ngàn thu của bao chiến sĩ. Tôi cũng đi thăm mộ một lãnh đạo của Đảng, học trò của Bác Hồ: liệt sĩ Lê Hồng Phong. Người thuyết minh cho biết dưới nấm mộ kia chỉ là đất quê hương vì kẻ thù đã hủy hoại xương cốt của ông hòng khủng bố tinh thần của các chiến sĩ cách mạng. Tiếp theo, tôi đến thăm mộ của chị Võ Thị Sáu. Các thành viên cùng đi thành kính thắp hương và tưởng niệm trước mộ của người con gái đất đỏ anh hùng. Hoa lê ki ma bình dị đã gắn liền với gương hy sinh của chị. Chị không chỉ là người con gái anh hùng của miền Đông Nam bộ mà đã trở thành tượng đài bất tử trong lòng bao thế hệ sau này.

Đến Côn Đảo chắc chắn phải đến thăm Bảo tàng Côn Đảo. Cầu tàu ở Côn Đảo đã được ví như mũi tên nhọn từ trong trái tim đỏ máu căm thù xuyên ra. Chúng tôi xúc động, bồi hồi khi được biết 914 tù nhân đã chết khi xây dựng cầu tàu này. Nhưng 914 anh linh của liệt sĩ, đồng bào đã thỏa lòng. Từ đây, biển, đảo này đã là thuộc về dân tộc ta. Tôi lần tay vào bờ đá như kiếm tìm có giọt máu đào nào còn đậm nét nơi đây…

Rời cầu tàu, chúng tôi đến thăm Bảo tàng Côn Đảo. Nhà bảo tàng được chia thành nhiều phòng với nhiều hiện vật. Cảm động nhất là những tấm áo quần của các "tù nhân con" phải theo mẹ ra Côn Đảo. Tại đây có danh sách 52 người tù đã bị xử bắn ở Côn Đảo. Chúng tôi lại tìm thấy tên chị Võ Thị Sáu trong những người đã hy sinh từ tháng10.1947 - tháng 11.1953. Chị là người trẻ nhất. Chúng tôi, một lần nữa, thấy trái tim mình như bị bóp chặt, không hẹn mà cùng nước mắt chứa chan.

Côn Đảo, những điều tôi trao lại học sinh trong ¼ thế kỷ - Ảnh 3.

Tim tôi như thót lại khi cánh cửa phòng giam được mở ra cho khách tham quan.

Thiên Anh

Tiếp đến, chúng tôi đến Trại Phú Hải. Tháp canh còn đứng chơ vơ nơi này. Tim tôi như thót lại khi cánh cửa phòng giam được mở ra cho khách tham quan... Tôi đọc thầm: xà lim số 15, nơi đây từng giam bác Tôn Đức Thắng, rồi phòng 3, phòng tử hình, 3 bước ngang 5 bước dọc... nhưng không khuất phục được người cách mạng. Rồi khu chuồng cọp mà tác giả, người tù Nguyễn Đức Thuận trong tác phẩm Bất khuất từng cho biết như là địa ngục trần gian. Kẻ thù đổ vôi bột, chọc sào, đổ nước hòng đè bẹp ý chí đấu tranh của tù nhân nhưng không thành. 

Côn Đảo, những điều tôi trao lại học sinh trong ¼ thế kỷ - Ảnh 4.

Tôi mang những hiểu biết đã được "mục sở thị" của người thầy truyền đến các em học sinh...

Thiên Anh

Trong ánh sáng tù mù của phòng giam, tôi đọc được hai câu cuối của một bài thơ khắc trên vách tường nhà giam mà theo người hướng dẫn, vết khắc đó chỉ có thể là bằng móng tay qua nhiều năm tháng vì tù nhân không thể có một dụng cụ cá nhân nào bên người để sử dụng: "Bền chí giữ vững lập trường, vượt qua gian khổ trên đường vinh quang". Tôi liên tưởng đến hai câu thơ viết lên tường bằng máu của các tù nhân được các nhà làm phim CHDC Đức lúc bấy giờ ghi lại: "Máu ta quý cả hơn vàng/Tổ quốc cần đến, sẵn sàng ta dâng" trong bộ phim tư liệu lịch sử Hòn đảo địa ngục.

Một địa danh nổi tiếng khác với lượng người tù chết vì khổ cực là Cầu Ma Thiên Lãnh với con số đến hàng ngàn (chưa chính xác) để phục vụ cho việc vận chuyển đá núi trong xây dựng của bọn thực dân.

Những năm gần đây, Côn Đảo được đánh giá là huyện đảo có tiềm năng du lịch với những bãi tắm đẹp như Đầm Trầu, An Hải, bãi Vông… Cơ sở vật chất nơi đây ngày càng hoàn thiện, đủ năng lực đón hàng trăm nghìn du khách mỗi năm. Bên cạnh đó là thế mạnh về tài nguyên biển, rừng của Vườn quốc gia Côn Đảo, Khu di tích lịch sử đặc biệt Côn Đảo… Tin rằng, Côn Đảo sẽ trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế

Chuyến thăm Côn Đảo năm đó cho đến ngày tôi nghỉ hưu là gần 25 năm. Tôi mang những hiểu biết đã được "mục sở thị" của người thầy truyền đến các em. Những tiết học có liên quan đến hòn đảo anh hùng như chất chứa tình cảm của người thầy từng đặt chân đến một nơi vang danh cả thế giới trong công cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà.

Những tấm hình tôi chụp ở Côn Đảo được phóng to kèm lời thuyết minh rõ ràng, đậm tình cảm biết ơn, mang đến cho bao lớp học sinh (và tặng lại cho lớp đồng nghiệp trẻ) với ước mong các em không quên những anh hùng liệt sĩ, không quên lịch sử nước nhà.

Tôi rất vui vì các đồng nghiệp trẻ cũng đã đến với Côn Đảo, khi trở về như mang trong tim cảm xúc dạt dào, tự hào dành cho quá khứ hào hùng của dân tộc, để ngày càng giảng dạy tốt hơn, thêm tin tưởng vào sự đổi mới của đất nước.

Côn Đảo, những điều tôi trao lại học sinh trong ¼ thế kỷ - Ảnh 5.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.