Còn đề cương, còn… 'học đường'

07/01/2024 06:45 GMT+7

Học sinh cầm đề cương ngồi trên xe máy học sau lưng ba mẹ trên đường đến trường. Vì sao nên nỗi?

Nhiều năm qua, trên các tuyến đường ở TP.HCM và kể cả TP.Biên Hòa (Đồng Nai) hay TP.Dĩ An (Bình Dương), người viết thường nhìn thấy học sinh cầm sách vở... "học đường". Kiểu học này ảnh hưởng đến mắt, tư thế ngồi và thiếu an toàn, chỉ dừng ở mức học thuộc chứ không phải học hiểu.

Hình ảnh "thân quen" mỗi dịp cuối học kỳ

Mỗi dịp kiểm tra tập trung (giữa kỳ, cuối kỳ), hình ảnh này càng... rõ nét, càng trở nên "thân quen" khi học sinh ngồi sau lưng ba mẹ cầm đề cương học bài.

Lối học vẹt để lấy điểm cao tồn tại hàng chục năm qua. "Mưa" điểm 9, điểm 10 (nhất là các môn... học thuộc lòng) khiến người lớn (cả thầy cô lẫn phụ huynh) tung hô học sinh, con cái học giỏi.

Nhưng kiểu học này vừa kiểm tra xong là… chữ thầy trả lại cho thầy. Đó là điều dễ hiểu khi học sinh đâu phải là thần đồng siêu trí nhớ.

Còn đề cương, còn… 'học đường'- Ảnh 1.

Học sinh ôn bài trên đường đến trường

THÁI HOÀNG

Những môn học thuộc bài theo kiểu đề cương thầy cô giao, học trò nào học thuộc sẽ đạt điểm cao, làm khác với đáp án trong đề cương là... có vấn đề. Có những môn chỉ trong đề cương ôn tập bốn, năm câu, đề kiểm tra ra ba, bốn câu, thế là điểm cao chót vót. Cũng có những môn mệt nhoài với đống đề cương, không ít học sinh căng mình nhồi nhét kiến thức, lo lắng sinh bệnh. Điểm cao để làm gì khi học sinh phải học mụ cả người, nhồi nhét kiến thức sách vở, thừa kiến thức sách vở mà thiếu kiến thức thực tế.

Người viết từng buồn, thậm chí cảm thấy mệt mỏi khi chấm những bài văn "đồng phục". Để học sinh mình được điểm cao, được nhà trường "ghi nhận", không ít giáo viên dạy cho học sinh những bài viết "một màu". Đọc bài mà cứ ngỡ học sinh là những "nhà phê bình văn học", tư tưởng lớn gặp nhau.

Mỗi khi gần đến ngày kiểm tra, người viết thường nghe học sinh hỏi về đề cương. Người viết trả lời rằng, học thầy không có đề cương, học thầy không phải học thuộc lòng văn mẫu. Sau này, để không nghe học sinh hỏi về đề cương, ngay từ đầu năm học (và thường nhắc lại nhiều lần, nhất là trước lúc kiểm tra), người viết đã dặn học trò, hướng học trò viết văn theo cách hiểu của mình, có thể điểm không cao nhưng giá trị thật lại đáng ghi nhận.

"Bao giờ thôi hết đề cương?"

Người viết cũng tự hỏi: "Bao giờ thôi hết đề cương?". Rất khó tìm câu trả lời nếu cứ dạy và học, kiểm tra kiểu tái hiện kiến thức, đáp án một chiều (theo thầy cô soạn sẵn) khiến học sinh "đóng khung theo mẫu". Hoặc chỉ một số ít giáo viên dám "bứt phá" thì sẽ giảm một phần nhỏ - không đề cương.

Còn đề cương, còn… 'học đường'- Ảnh 2.

Học sinh tranh thủ ôn bài trước khi đến trường

THÁI HOÀNG

Ở một số môn, giáo viên đã nói không với đề cương, học sinh cũng không cần ôn tập đề cương để học vẹt.

Đối với môn ngữ văn nói riêng, lối học vẹt, học thuộc văn mẫu đang dần "phai màu" khi ngữ liệu đưa vào bài kiểm tra nằm ngoài sách giáo khoa. Ngữ liệu ấy hoàn toàn mới. Chỉ khi làm bài, học sinh mới biết được. Nhờ vậy, người viết nhận thấy vào cuối học kỳ I năm học 2023-2024, hình ảnh học sinh cầm đề cương… "học đường" môn văn có phần giảm bớt.

Tuy nhiên, đến bao giờ ngành giáo dục mới có thể triệt tiêu hoàn toàn kiểu học vẹt theo đề cương? Còn đề cương, còn… "học đường", dạy học đổi mới vẫn "lối cũ ta về".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.