‘Con đi chống dịch về rồi đây, nay con thắp nhang cho ông ngoại và ba’

10/10/2021 17:46 GMT+7

Trong lúc tham gia chống dịch, nhiều người trẻ phải nuốt nước mắt khi hay tin người thân mất nhưng không về được. Nay trở về, họ tiếp tục nén nỗi đau để thắp nhang cho người thân.

Thành Đạt đau xót khi khi thắp nhang cho ba và ông ngoại

nvcc

“Lòng đau như cắt và muốn khóc thật to”

“Con đi chống dịch về rồi đây, nay con thắp nhang cho ông ngoại và ba. Tưởng chừng ngày hết dịch sẽ là ngày đoàn viên lớn nhất, ngày con có thể kể những chiến công hiển hách tuổi trẻ đạt được và còn nhiều thứ khác con muốn kể lắm… nhưng không thể nữa rồi”. Đây có lẽ là những dòng trạng thái đau đớn nhất trong cuộc đời của anh Võ Phi Thành Đạt, 23 tuổi, sinh viên Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TP.HCM, đăng tải trên Facebook vào ngày 9.10.

Thành Đạt bắt đầu tham gia chống dịch từ những ngày tháng 6 ở Q.Gò Vấp, Q.Tân Bình, Q.12 (TP.HCM) với các nhiệm vụ như: Điều phối, lấy mẫu, chăm sóc F0 tại nhà, hỗ trợ đội cấp cứu... “Vì nghĩa lớn và trách nhiệm của một sinh viên nên tôi quyết định lên đường bước vào tâm dịch. Ai cũng sợ thì ai chống dịch đây”, Đạt nói.

Hơn 4 tháng Đạt chống dịch khắp mọi nơi

nvcc

Vào giữa tháng 8, TP.HCM rơi vào thời điểm bùng phát dịch nhiều nơi. Đạt tất bật, quay cuồng từng giờ, từng phút để lo cho người dân. Rồi chuyện gì đến thì cũng đến, trong lúc đang làm nhiệm vụ, chàng trai 23 tuổi này được gia đình cho hay tin ông ngoại mất. Chưa đầy 1 tuần lại tiếp tục nhận tin dữ ba đã trút hơi thở cuối cùng. Hai người ra đi vì bệnh nan y. “Vết thương này chưa kịp lành lại có thêm nỗi đau khác ập đến. Lúc đó tôi dường như suy sụp, phía trước là bầu trời u tối”, Đạt đau đớn nhớ lại.

Mất hai người thân cách nhau 1 tuần, Đạt vẫn nén nỗi đau để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ

nvcc

Tự trách bản thân, tự dằn vặt tâm trí của mình khi không về nhìn mặt người thân lần cuối được dù nhà ở ngay Q.7. Đạt hối hận nhớ lại tháng ngày vừa qua đã dành quá ít thời gian cho gia đình.

“Mọi người khuyên tôi nên về nhưng tôi nghĩ nếu về thì có an toàn cho gia đình hay không vì tôi đang ở vùng dịch đỉnh điểm của thành phố, rồi lực lượng chống dịch đang thiếu mà ngoài kia người dân họ đang cần mình quá nhiều nên tôi nén nỗi đau đi chống dịch tiếp”, Đạt nói.

Tuổi trẻ luôn xông pha

nvcc

Đầu tháng 10, sau khi hoàn thành cách ly, Đạt trở về nhà. Không còn nghe tiếng nói của ba hay ông ngoại nữa. Anh như chết lặng khi đứng trước di ảnh hai người thân của mình.

Thành Đạt tâm sự: “Ngày trở về tôi cứ nghĩ đó là ngày đoàn tụ gia đình, ngày sum họp để kể nhau nghe về những chiến công, những khó khăn thử thách mà tôi trải qua trong cuộc chiến khốc liệt chống dịch cho gia đình nghe. Ai ngờ đâu... Cầm nén nhang thắp cho ba và ông ngoại mà nước mắt cứ tuôn như đứa trẻ lên ba, lòng đau như cắt và muốn khóc thật to....”,

Với Đạt không có gì bù đắp được khi người thân ra đi

nvcc

Ngày 10.10: Thông báo 113 ca Covid-19 tử vong tại 11 tỉnh thành

Chờ từng ngày để về thắp hương cho ông ngoại

Trong khi đó, anh Võ Minh Khương, 29 tuổi, công tác tại khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bến Tre, cũng phải nén nỗi đau khi mất ông ngoại mà không về đưa tiễn được.

Anh Khương tham gia chống dịch từ ngày 2.8 tại nơi mình công tác. “Thấy sự mệt mỏi và vất vả của đồng đội, tình hình người bệnh thì cứ tăng liên tục, tôi cũng muốn cống hiến một phần sức của mình nên đã làm đơn tình nguyện tham gia vào khu điều trị F0”, anh Khương chia sẻ.

Anh Khương đi chống dịch cùng đồng nghiệp

nvcc

Tham gia chống dịch 14 ngày. Tới ngày 16.8, anh được cách ly theo quy định để về nhà thăm người thân. Tuy nhiên, mới cách ly được 5 ngày, anh nghe gia đình báo rằng ông ngoại đã mất.

“Tôi suy sụp tinh thần vô cùng, nhưng may mắn có anh, chị đồng nghiệp an ủi động viên. Mọi người cùng chia sẻ sự mất mát với tôi. Lúc đầu tôi cũng có ý định xin về bằng mọi cách, nhưng suy đi nghĩ lại biết chưa đủ thời gian cách ly an toàn nên bản thân phải dằn nỗi đau lại, chờ từng ngày để về thắp hương cho ông ngoại”, anh nói.

Anh Khương đợi từng ngày để về thắp hương cho ông ngoại

nvcc

Không về được, anh Khương rất buồn nhưng chưa từng hối hận. Anh cho hay khi vào ngành y, gia đình ai cũng hãnh diện. “Ngày ông ngoại mất, tôi đang thực hiện nhiệm vụ mà cả tỉnh đang phải gồng mình cùng nhau vượt qua nên cả gia đình cũng không ai trách và mọi người luôn hãnh diện về tôi”, bác sĩ 29 tuổi tâm sự.

Ngày 30.8, anh Khương được về nhà, đứng trước bàn thờ của ông ngoại, anh không kiềm được nước mắt. Với anh Khương, anh không bao giờ quên hình ảnh về ông ngoại. Tuy thiếu thốn về vật chất nhưng tình yêu thương ông dành cho con cháu thì mênh mông vô cùng. Anh tin rằng ông ngoại luôn tự hào về anh.

Anh Khương cho hay ông ngoại hay dạy anh rằng xem bệnh nhân như người thân của mình

nvcc

“Ông luôn dạy chúng tôi, tiếp xúc người bệnh như người nhà, đừng có thái độ ban ơn rồi gây phiền hà cho người dân. Nhiều người cũng khó khăn như gia đình mình, việc trang trải chi phí này kia cũng là một vấn đề khó", bác sĩ Khương nhớ lại.

"Nghe người nhà kể lại, lúc ông ra đi mà con cháu không về đủ. Ông kêu tên từng người con, đứa cháu rồi ra đi cũng nhẹ nhàng”, anh Khương đau xót kể lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.