Vì sao những động tác có phần ngớ ngẩn, điên loạn lại gây nên cơn rung chấn cuồng nhiệt như vậy?
Điên có ý thức
Hiện tượng Harlem Shake được bắt đầu bằng một sự ngẫu hứng của chàng thanh niên 19 tuổi lấy tên tài khoản là Filthy Frank trên YouTube. Một ngày đẹp trời Filthy Frank ngồi trong phòng với đám bạn, mỗi người làm một việc, bỗng có tiếng nhạc vang lên từ một chiếc máy tính. Ai đó đang bật bản Harlem Shake của Baauer - nhà sản xuất 23 tuổi chuyên về nhạc dance người Mỹ. Khi bài ấy vừa chuyển đoạn thì cả đám bật dậy nhảy như điên như loạn. Cái khoảnh khắc đó đã khiến Filthy Frank nảy sinh ý tưởng cho đoạn video nhảy Harlem Shake đầu tiên trên YouTube (http://youtu.be/8vJiSSAMNWw) - làm dậy sóng cộng đồng mạng toàn thế giới, mang đến một trào lưu được dự đoán sẽ soán ngôi Gangnam Style. Đoạn video ban đầu có vẻ không mấy hấp dẫn này còn khiến số tài khoản đăng ký theo dõi Filthy Frank tăng vọt tại YouTube, hiện đã lên con số 150.000; bản single Harlem Shake của Baauer vốn phát hành từ tháng 5.2012 thì leo lên hạng nhất trên iTunes Mỹ, hạng nhì trên iTunes Anh và Úc vào ngày 15.2.2013, ngay sau đó là hạng nhất Billboard Hot 100 của Mỹ.
|
Đáng nói hơn cả, vi rút mang tên Harlem Shake nay đã xuất hiện ở mọi nơi, trong văn phòng, trong nhà ăn trường đại học, trong quân đội, phòng tắm, thậm chí dưới nước… Các video thường theo công thức 30 giây: 15 giây đầu chỉ có một người (thường đội nón bảo hiểm hoặc mặt nạ) nhún nhảy một mình, xung quanh nhiều người đang chú tâm làm công việc của họ, không ai để ý đến người đang nhảy; 15 giây sau tất cả mọi người - mặc ít đồ nhất có thể, hoặc trang phục thật buồn cười, đạo cụ thật kỳ cục - đột ngột chuyển động không theo quy tắc nào, ai muốn nhảy kiểu gì thì nhảy, ai muốn làm gì thì làm, tiêu chí là càng điên loạn, quái gở và hài hước càng tốt.
Cả tháng 2 qua, thế giới như thể đã sống với khẩu hiệu: “Do the Harlem Shake!” (Nhảy Harlem Shake nào!). Không chỉ học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, lính cứu hỏa, nay cả đội bơi nghệ thuật, phát thanh viên, người nổi tiếng, chính trị gia… cũng hăng hái lên YouTube thể hiện trình độ “điên có ý thức” của mình.
Nhu cầu... điên
Không giống như Gangnam Style là tác phẩm, thành quả của riêng ca sĩ PSY, Harlem Shake lại là tác phẩm, là thành quả của bất kỳ ai. Sau bản gốc của Filthy Frank, một số phiên bản thành công và thu hút lượng lớn người xem có thể kể đến: phiên bản quân đội (40 triệu lượt xem), dưới đáy hồ bơi (28 triệu), văn phòng (25 triệu)… Ở Việt Nam, phiên bản Harlem Shake của nhóm nhảy nổi tiếng St.319 đang có 250.000 lượt xem, phiên bản Anna Trương - con gái ca sĩ Mỹ Linh - cũng đạt gần 80.000 lượt chỉ sau 1 tuần đăng tải.
Tính cộng đồng và tính cá nhân của Harlem Shake là lý do khiến nó lan truyền với tốc độ chóng mặt như vậy. Công thức của nó quá dễ để mọi người làm theo, bắt chước và sáng tạo. Công cụ thì chỉ cần một máy quay đặt cố định. “Diễn viên” kiêm “vũ công” từ 2 người trở lên, nếu đông cỡ một… sân vận động thì cũng chẳng có gì là phức tạp, bởi “kịch bản” đề ra đã chỉ rõ: ai muốn làm gì thì làm! Bên cạnh đó, Harlem Shake khiến người ta thấy được giải tỏa. 30 giây ngắn ngủi ấy không mất của ai quá nhiều thời gian để xem, để bật cười và để chia sẻ. Nó tượng trưng cho một khoảng nghỉ giải lao, một khoảnh khắc đột phá, một cơn xuất thần trong chuỗi vận động liên tục của con người với đủ các điều luật, quy tắc, việc phải làm, cơm ăn áo mặc gạo tiền xoay vòng và đuổi bám mỗi ngày.
Bình luận: * “Một trong những điều hay ho nhất của Harlem Shake là sự kết nối và phối hợp, nhưng điều này lại đang mất dần đi ở các phiên bản mới”. (Salvador Rodriguez/Los Angeles Times) * “Rất hài. Bạn có thể nhảy bất kỳ lúc nào, có thể thả lỏng toàn thân, giải phóng năng lượng, mồ hôi. Tôi ủng hộ Harlem Shake”. (Rapper P.Diddy/MTV.com) * “Harlem Shake chỉ đơn thuần là bạn giải lao trong 30 giây. Gangnam Style vẫn hay hơn, vì ở đó ít nhất PSY thật sự nhảy”. (serge263/YouTube) |
Phương An
Bình luận (0)