Theo thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an: “Về mặt pháp luật, những hiện tượng này phải được xử lý ngay từ khi vi phạm còn đơn giản, nếu để vi phạm vài lần, đối tượng sẽ nhờn, cũng không loại trừ đối tượng sẽ vi phạm để gây thanh thế rồi phát triển thành những vi phạm phức tạp khác”.
Côn đồ “nhí” là mầm mống của tội phạm có tổ chức
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà nhận định các hành vi phạm tội tương đối đơn giản nhưng nếu lực lượng chức năng không quan tâm ngăn chặn và xử lý triệt để thì rất dễ nảy sinh ra những mầm mống tội phạm nguy hiểm, thậm chí là tội phạm có tổ chức. Do đó, C02 đã được lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo là đối với các băng nhóm mới manh nha hình thành thì ngay từ đầu phải bắt giữ, xử lý làm rã ngay.
C02 đã nắm tất cả những vụ việc liên quan đến tội phạm "nhí" tại các địa phương trong thời gian qua.
“Riêng tình trạng trẻ vị thành niên phạm pháp, không những đơn vị chúng tôi mà lãnh đạo Bộ Công an rất quan tâm, tìm nhiều cách để chỉ đạo xử lý một cách triệt để nhất”, ông Hà nhấn mạnh, đồng thời cho hay: “Tình trạng tội phạm trẻ hóa đã được Bộ Công an nhận diện từ lâu và từng bước chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, các địa phương xử lý. Riêng C02 đã có hẳn một đề án đấu tranh phòng chống tội phạm đối với trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật”.
Trong đề án của C02 đã được Bộ Công an phê duyệt, chỉ đạo thì khi phát hiện những dấu hiệu hoặc những vụ việc như "băng áo cam" ở TP.HCM, lực lượng cảnh sát hình sự chủ động yêu cầu công an các địa phương ngăn chặn, đấu tranh triệt để, đơn cử như trường hợp Khá “bảnh” trước đây, khi phát hiện ra các dấu hiệu phạm tội là lực lượng công an phải bắt giữ xử lý ngay chứ không để kéo dài dẫn đến phức tạp tình hình. Về mặt pháp luật thì những hiện tượng này phải được xử lý ngay từ khi vi phạm còn đơn giản, nếu để vi phạm vài lần đối tượng sẽ nhờn, cũng không loại trừ đối tượng sẽ vi phạm để gây thanh thế rồi phát triển thành những vi phạm phức tạp khác.
Tổ chức xã hội, đoàn thể cần có hoạt động thu hút các bạn trẻ
Ngoài giải pháp xử lý, công tác giáo dục, tuyên truyền... cũng rất quan trọng. TS tâm lý Phạm Mạnh Hà, Trường đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), cho rằng cần phải xem lại trong chương trình giáo dục của Việt Nam hiện nay. “Chương trình giáo dục về con người, kỹ năng, phẩm chất... đã đủ để thu hút được học sinh đến trường hay chưa, để níu kéo các em lại với những giá trị đạo đức hay chưa, hay chỉ là những áp lực nặng nề của chương trình học tập nặng ghi nhớ, lý thuyết. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội, đoàn thể đã có những hoạt động lôi kéo, thu hút các bạn trẻ tham gia hay chưa?”, ông Hà nêu ý kiến.
Theo TS Hà, nếu chỉ tập trung vào xử lý vi phạm từng vụ việc, từng cá nhân thì không phải là vấn đề gốc. Cái chính là giáo dục, bồi dưỡng, tạo cơ hội cho các bạn trẻ thể hiện được tính cách, cốt cách của con người để đi theo con đường “sáng”. “Giữa con đường “sáng” của các tổ chức đoàn thể và đi theo con đường “tối” hiện đang có “cạnh tranh” một cách mãnh liệt. Giống như là cỏ, nếu chỉ cắt cỏ, rễ vẫn còn bám thì lâu dài cỏ còn mọc tốt hơn nữa. Vấn đề là cỏ được trồng ở đâu, công viên, bồn hoa... thì cỏ rất đẹp, còn nếu để mọc tự nhiên rất dễ thành cỏ dại. Vì vậy, các tổ chức xã hội, đoàn thanh niên cần phải nhìn nhận phương thức tổ chức, cách thức tập hợp thanh niên để tận dụng, sử dụng nguồn lực thanh niên làm những điều tử tế cho xã hội”, TS Hà chia sẻ.
Cũng theo PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam, để ngăn chặn hiện tượng này, chắc chắn không chỉ có sự tham gia của lực lượng công an, mà còn là câu chuyện của gia đình, xã hội, của các thiết chế liên quan đến việc tổ chức vận động thanh niên.
“Trong đề án của Bộ Công an đặt ra rất nhiều giải pháp để xử lý, song để giải quyết được căn cơ tình trạng này, hiệu quả nhất vẫn là tuyên truyền giáo dục, thứ hai là phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, cơ quan đoàn thể trong việc giáo dục quản lý con em. Cũng trong đề án này, lực lượng công an vẫn là nòng cốt nhưng bên cạnh đó cũng cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội. Phòng chống vi phạm pháp luật trong trẻ vị thành niên là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không riêng một ai”, thiếu tướng Trần Ngọc Hà nhấn mạnh.
Cần giải quyết tận gốc vấn đềĐồng tình với nguyên nhân mà các chuyên gia xã hội học, chuyên gia tâm lý đã chỉ ra, đó là hành vi lệch chuẩn của giới trẻ, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng trước hết người lớn, cha mẹ, thầy cô, những người trong xã hội... phải nêu gương về ý thức chấp hành pháp luật, tu dưỡng đạo đức.
Theo ông Nam, giáo dục về mặt pháp luật cho thanh thiếu niên rất quan trọng. Đây là trách nhiệm của nhiều cơ quan, đoàn thể, nhưng trước hết phải giáo dục pháp luật từ trong nhà trường. Hiện nay, giáo dục pháp luật đang được tích hợp trong bộ môn giáo dục công dân nhưng rõ ràng việc giáo dục ý thức pháp luật cho người trẻ tới đây cần phải chú trọng hơn, ngay từ bậc học mầm non.
Bên cạnh đó, theo ông Nam, cần phải tăng cường giáo dục từ các đoàn thể như Đội thiếu niên, Đoàn thanh niên hoạt động cả trong trường học và địa bàn dân cư bằng các hình thức đổi mới phong phú, hấp dẫn, thu hút giới trẻ...
Ông Nam cho rằng ngành văn hóa và thông tin truyền thông cũng cần có giải pháp nhằm ngăn chặn những thông tin, hình ảnh xấu độc không phù hợp trên mạng xã hội; đồng thời, áp dụng những quy định pháp luật để xử lý nghiêm những việc lan truyền, quảng bá những thông tin không phù hợp ảnh hưởng đến nền tảng đạo đức xã hội, định hướng hành vi cho cả thế hệ trẻ.
Ông Nam nhìn nhận: “Hiện tượng nhiều cá nhân cầm hung khí, chạy xe máy hò hét, lặp đi lặp lại... rõ ràng sức khỏe tâm thần có vấn đề. Cá nhân tôi thấy đáng lo ngại, từ vụ việc "băng nhóm áo vàng” đến những đám đông chưa thành niên rõ ràng bị các băng nhóm lợi dụng thành công cụ. Chưa kể dẫn sang chuyện tụ tập đông người để giải quyết những việc khác nữa. Chúng ta phải giải quyết vấn đề này từ gốc rễ và phải rốt ráo. Đây là một hiện tượng mới phát sinh và bất bình thường về mặt trật tự xã hội, thì các cơ quan chức năng phải có biện pháp phối hợp để có giải pháp xử lý”.
Về phía Cục Trẻ em, ông Nam cho hay: “Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, trước hết là nắm tình hình về hiện tượng này và đề xuất các hướng giải quyết về mặt lâu dài. Hiện nay, chúng ta đang triển khai các chính sách, chiến lược, chương trình, đề án trong giai đoạn sắp tới, trong đó có chiến lược phòng chống tội phạm trong thanh thiếu niên rất đáng được quan tâm. Chúng ta cần phân tích, có chính sách, biện pháp kịp thời để đưa ngay vào trong các đề án của Chính phủ triển khai đồng bộ”.
Theo ông Nam, Cục Trẻ em cũng sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH, Ủy ban Quốc gia về trẻ em để vấn đề này được thể hiện trong từng đề án, chương tình hành động trong giai đoạn sắp tới nhằm tăng cường phòng ngừa và giải quyết tận gốc vấn đề.
Thu Hằng
|
Bình luận (0)