Con đường quê của tôi

17/09/2020 08:00 GMT+7

2 giờ sáng của một đêm tuổi trẻ trong đời, tôi mở mắt, tay huơ huơ vội tìm điện thoại, linh cảm chẳng lành. Tin nhắn đến báo ngoại tôi mất rồi...

Tôi bần thần, không khóc, ra trước hiên nhà ngửa mặt nhìn lên bầu trời, chỉ có ánh trăng ở đó, tròn vành vạch nhưng đầy cô đơn. Ngoại tôi lên thiên đường. Ngoại được đưa vào nghĩa địa, được chôn dưới lòng đất mẹ và được đặt lên trên mộ những nhành hoa cúc thành kính. Dù sao thì, người đi cũng đã đi rồi.
Tháng 1.2020, tôi trở về quê hương Bình Định sau 7 năm gắn bó với Sài Gòn. Lần này là tôi về ở hẳn sau bao năm bôn ba. Nhà tôi ở trong một xóm nhỏ, có con đường nhỏ quanh quanh từ đầu thôn dẫn vào xóm. Một bên của con đường nhỏ này là cánh đồng, bên còn lại là nhà, những cây dừa cao vút, những rặng tre, thửa mì, thửa bắp và lác đác những ngôi mộ vô danh ở sát cạnh lề đường. Một cái xóm bây giờ đã đỡ nghèo đi nhiều so với những năm 2000. Nhìn con đường xi măng thay thế con đường đất cũ mềm, lòng tôi nhiều phần hân hoan. Mà đôi khi lại cảm nhận được mùi từ đất lầy lội ngậy lên sau mưa của bao năm tháng cũ sống dậy ở mũi, thấy đâu đó trong tôi yêu cái xóm nhỏ này đến vô cùng. Hoặc vốn dĩ tình yêu này là rất mãnh liệt và chưa bao giờ bị ngắt quãng. Đi tiếp con đường này sẽ dẫn vào nghĩa địa. Và tôi cũng đã trở về để đi trên con đường ấy, đi thắp hương cho ngoại.
“Ngoại à! Bấy lâu nay cháu của ngoại đi xa, cháu của ngoại học ra rồi xin việc ở lại thành phố làm luôn. Lâu lâu, cháu ngoại mới về. Ngoại à, ngoại vẫn thích uống nước bò húc chứ? Mỗi lần con về thăm ngoại đều mua nó cho ngoại cả. Mà thi thoảng thì ngoại mới uống thôi, vì nó không tốt cho giấc ngủ và còn ảnh hưởng đến xương. Ngoại vẫn thích mặc đồ bà ba nhỉ? Con thấy đẹp đó. Ngoại thích ăn bánh xèo giòn nữa không? Hay để con mua bún tươi với thịt luộc cho ngoại nhé? Ngoại à, bây giờ con về quê ở hẳn rồi…. Mà thôi, ngoại nghỉ đi, trời rút hết nắng đi rồi, những mảng tối dần dần hiện lên rồi. Con phải về đây!”. Tôi tự nói với lòng mình như vậy.
Ba tôi, chú tôi, ông nội tôi, dượng tôi, ngoại tôi và nhiều người mà tôi quen biết đều đã yên nghỉ trong khu nghĩa địa ấy. Lúc trước, đến ngày giỗ của họ tôi thường về và vào đó thắp hương. Đặc biệt, vào mùng một tết mỗi năm, người miền Trung quê tôi có tục đi tảo mộ. Họ vào khu nghĩa địa để thăm mộ ông bà, người thân đã mất. Tôi cũng đi. Những chậu hoa vạn thọ được đặt khắp nơi trong khu nghĩa địa ấy, những người còn sống bằng cách này hay cách khác luôn tưởng nhớ những người quá cố. Hương thơm của nhang ở nơi này chưa bao giờ lại thơm đến thế, tôi mường tượng mùi hương lan tỏa xuyên thấu cả lòng đất, lan xa đến tận những áng mây và bầu trời. Tôi có đọc những lời dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh và tin tưởng rằng: “Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi”.
Có lẽ cũng có rất nhiều người như tôi từ khi sinh ra và lớn lên, đã chứng kiến từng người mất đi nên dần dần hiểu ra sinh ly tử biệt là chuyện không thể tránh được. Có lẽ, có nhiều người như tôi cũng xem khu nghĩa địa ấy là mảnh đất thiêng, là nơi hứa hẹn trở về của những người con xa quê để thăm mộ người thân, anh em, bằng hữu. Những người mà trong quãng đời sống chúng ta đã không thường xuyên cận kề, chia ngọt sẻ bùi, cùng ăn với nhau bữa cơm mỗi ngày, nói cười khúc khích hay cùng ngồi coi chung một vở cải lương rồi khóc sướt mướt. Tuy nhiên, tuy xa mà gần, máu mủ tình thâm, tình làng xóm, tình bằng hữu vẫn luôn hiện diện đâu đó trong trái tim mỗi người.
Giờ đây khi đã về quê ở hẳn, hầu như mỗi ngày tôi đều đi trên con đường quê quen thuộc. Một con đường gắn liền với biết bao kỷ niệm của trước đây, bây giờ và còn sau này nữa, trong tôi. Con đường của tôi không có hoa sim để Ngạn hái cài lên mái tóc Hà Lan. Con đường của tôi không có đôi hàng thông rợp để người con gái mười sáu tuổi duyên dáng bên tà áo dài đi học về. Con đường của tôi cũng không phải là con đường mà Ròm đã chạy đua với thời gian để bán vé dò ở một góc nào đó của Sài Gòn. Con đường của tôi cũng chứa đựng nhiều kỷ niệm như những con đường ấy nhưng là riêng biệt với tôi. Con đường của tôi đi vào xóm nhỏ, đi vào khu nghĩa địa và đi vào tiềm thức, hình thành nên tình yêu quê vô hạn của người trẻ, người già ở đây và còn của rất nhiều người con xa xứ nữa. Dẫu cho họ chưa bao giờ thốt ra điều đó. Và dù có qua bao mùa mưa nắng nữa, con đường này vẫn ở đó nâng niu bước chân người về.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.